Chuyên gia hiến kế giảm ùn tắc giao thông cho đô thị Huế

Kinhtedothi – Nhiều ý kiến được các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… đưa ra nhằm giảm tải giao thông cho TP Huế.

Cần tháo gỡ các nút thắt

Ngày 23/6, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay.

Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở trung độ đất nước, là một vùng đất giữ vai trò trọng yếu, là cầu nối 2 miền Nam Bắc Việt Nam, Thừa Thiên Huế trong hơn 4 thế kỷ với vai trò là Thủ phủ, Kinh đô đất nước, với hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là giao thông đã được phát triển mạnh, đáp ứng quá trình điều hành quốc gia. Trong thời Pháp thuộc, do yêu cầu quản lý và khai thác thuộc địa, hệ thống giao thông tại Thừa Thiên Huế tiếp tục được mở rộng và phát triển.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống giao thông vùng Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng được xây dựng mở rộng để đáp ứng nhu phát triển của địa phương và phục vụ đời sống của người dân và nối kết giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương và các quốc gia.

TS Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nhận định, hiện nay, TP Huế đang có những vướng mắc rất lớn về giao thông, những nút thắt “cổ chai” lớn ở Ngã ba Thánh Giá..., hệ thống đường sá lên các lăng tẩm thì rất nhỏ, 2 xe không thể tránh nhau như cầu Gỗ Lim, cầu Nam Sông Hương… đến thời điểm này nhưng TP Huế vẫn còn những nút thắt như thế, nếu giải quyết được vấn đề này để giảm bớt ùn tắc và giảm tải.

Về cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành, TS Hằng cho rằng, với một TP có rất nhiều di sản mà làm một việc thiếu cẩn thận, thay vì như thế thì cần mời một hội đồng để “hội chẩn” về vấn đề này.

Giải pháp “Vòng giao thông tuần hoàn” thông qua 4 trục chính của KTS Trương Hồng Trường.

Giải pháp “Vòng giao thông tuần hoàn” thông qua 4 trục chính của KTS Trương Hồng Trường.

“Ách tắc ra vào Kinh thành Huế thường xảy ra tại bến xe du lịch Nguyễn Hoàng, như thế thì cần làm thêm 4, 5 bến xe mini xung quanh sẽ giảm tải, cứu bến xe Nguyễn Hoàng, cứu Thượng Thành và mọi thứ”, ông Hằng đề xuất.

Tổ chức lại giao thông trong Kinh thành Huế

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở GTVT Thừa Thiên Huế nêu ra những khó khăn đối với giao thông trong Kinh thành, đặc biệt việc ùn tắc thường xuyên xảy ra tại cửa Ngăn buộc các nhà quản lý lên ý tưởng xây cầu vượt gần với cửa này.

Ở một số nơi khác rất dễ, nếu đường chật thì mở rộng ra là được ngay, nhưng trong Kinh thành không làm được điều đó. Ở trong này không có quỹ đất làm bãi đổ xe, đường thì nhỏ, xe ô tô lấn chiếm lòng đường làm giảm lượng thông hành nên đi lại rất khó khăn.

Bài toán giao thông cứ cấm ở chỗ này thì nó phình ra chỗ khác nên nhìn trên bản đồ giao thông trong Kinh thành toàn những ô như bàn cờ, nhưng trên thực tế thì rất khó khăn.

TP Huế nhìn từ trên cao.

TP Huế nhìn từ trên cao.

Về giải pháp bảo tồn kiến trúc và tổ chức lại giao thông, ThS. KTS Trương Hồng Trường, Khoa Kiến trúc Đại học Khoa học Huế đề xuất: Cần hạn chế và giảm thiểu các phương tiện cơ giới có tải trọng lớn vào ra Kinh thành, nhằm giảm áp lực tải trọng lên sức chịu tải của các cầu vòm và tắc nghẽn giao thông cục bộ tại các điểm cầu.

Song song với đó, tổ chức phân luồng phương tiện lưu thông một cách hợp lý trong giao thông đối nội và đối ngoại của Kinh thành. Xây dựng sơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn chỉnh và quy hoạch các tuyến giao thông công cộng (xe bus) hợp lý. Khuyến nghị, tuyên truyền người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông xanh.

Ngoài ra, ông Trường đề xuất giải pháp cụ thể: Dựa trên những thông số tải trọng tính toán điển hình và thực trạng giao thông, từ đó, đề xuất một hệ giao thông kết nối bên trong và bên ngoài Kinh thành, tạo nên một “vòng giao thông tuần hoàn“.

“Vòng giao thông tuần hoàn” này dựa trên 4 trục giao thông chính. Bao gồm: Trục 1: Phương tiện giao thông vào từ Cửa Nhà Đồ - đường Nguyễn Trãi - lối ra Cửa An Hòa; Trục 2: Phương tiện giao thông vào từ Cửa Chánh Bắc - đường Đinh Tiên Hoàng - lối ra Cửa Thượng Tứ; Trục 3: Phương tiện giao thông vào từ Cửa Đông Ba - đường Mai Thúc Loan - đường Đặng Thái Thân - đường Yết Kiêu - lối ra Cửa Hữu; Trục 4: Phương tiện giao thông vào từ Cửa Chánh Tây - đường Thái Phiên - lối ra Cửa Kẻ Trài.

“Đây là 4 trục giao thông chính 1 chiều ra vào Kinh thành kết nối bởi 8 cổng thành hiện tại. Thông qua 4 nút giao thông được giao cắt bởi 4 trục chính, sẽ thiết lập thêm các “vòng giao thông tuần hoàn thứ cấp” tiếp theo xung quanh các nút này”, ông Trường nói.

Anh Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-hien-ke-giam-un-tac-giao-thong-cho-do-thi-hue.html