Chuyên gia 'hiến kế' giúp An Giang tận dụng thời cơ 'ngàn năm có một'

Hợp nhất với Kiên Giang, An Giang mới giờ đây là vùng đất hội tụ đủ rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; tạo nên cơ may phát triển hiếm có.

Thời cơ không thể bỏ lỡ

Từ ngày 1/7, tỉnh An Giang với diện mạo mới đã ra đời từ sự hợp nhất giữa tỉnh An Giang (cũ) và Kiên Giang (cũ), với diện tích lên tới hơn 10.000 km² và dân số xấp xỉ 4,9 triệu người, trở thành khu vực kinh tế lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, đây là thời cơ phát triển "ngàn năm có một" dành cho tỉnh An Giang, như cách ví von của PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng mới đây.

Hợp nhất với Kiên Giang, An Giang mới giờ đây là vùng đất hội tụ đủ rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn.

Hợp nhất với Kiên Giang, An Giang mới giờ đây là vùng đất hội tụ đủ rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn.

Để tận dụng triệt để thời cơ ấy, tỉnh An Giang cần có những bước đi lớn trong việc đổi mới tư duy, cải cách thể chế nhằm xây dựng tầm nhìn chiến lược và khơi dậy nội lực phát triển, biến vựa lúa thuần nông thành cực tăng trưởng mới, địa phương dẫn đầu về kinh tế số của vùng Tây Nam Bộ.

Nếu tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng truyền thống, chỉ khai thác tài nguyên và nhân lực giá rẻ, theo ông Trần Đình Thiên, An Giang rất khó bứt phá. Điều quan trọng lúc này là tái định hình cách tiếp cận, ưu tiên những trụ đỡ có khả năng tạo sức bật dài hạn, dẫn dắt xu thế phát triển mới. Xây dựng bộ máy linh hoạt, thể chế mở và doanh nghiệp tư nhân năng động làm trung tâm.

PGS.TS Trần Đình Thiên "hiến kế", chiến lược tạo bước ngoặt có thể vận dụng ngay là lấy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm nền tảng động lực. Tỉnh cần có thêm trung tâm đổi mới sáng tạo kết nối chặt chẽ với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ.

Việc chuyển đổi số phải được thực hiện đồng bộ trong nông nghiệp, du lịch, quản lý đất đai và dịch vụ công. Điều đó sẽ giúp tỉnh đạt mục tiêu "khai sinh" ra khoảng 1.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh tế số đóng góp tối thiểu 30% GRDP, như kế hoạch đến năm 2030 đã đặt ra.

Chiến lược phát triển phù hợp

Vẫn theo ông Thiên, công tác cải cách thể chế tại An Giang phải đi vào thực chất, tránh dừng ở khẩu hiệu. Ông Thiên nhấn mạnh vai trò của cơ chế phản biện chính sách ngay từ cấp xã, nơi người dân và doanh nghiệp cần được tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát chính sách.

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên

Theo đó, triển khai mô hình trung tâm phân tích chính sách và pháp chế địa phương, giúp thẩm định, rà soát, đánh giá tác động và theo dõi hiệu quả thực thi chính sách. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng là yêu cầu cấp bách, bởi bộ máy hành chính yếu kém sẽ trở thành lực cản phát triển.

Cần có chương trình tổng thể cải cách tuyển dụng, thiết lập hệ thống KPIs rõ ràng, đãi ngộ xứng đáng và kỷ luật nghiêm minh để hình thành một nền công vụ trong sạch, minh bạch và phục vụ thay vì hành chính hóa và lạm quyền.

Để đi xa và bền vững, An Giang không thể thiếu vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân. Ông Thiên khuyến nghị tỉnh ban hành một chiến lược riêng cho doanh nghiệp Việt, trong đó ưu tiên phát triển những doanh nghiệp "đầu chuỗi", có năng lực cạnh tranh quốc tế và trách nhiệm xã hội.

Mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, công nghệ, mặt bằng và thủ tục hành chính theo mô hình "một điểm dừng". Các khu công nghiệp xanh - thông minh phải được quy hoạch lại, kết nối chặt với đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực tại chỗ để tạo ra chuỗi giá trị khép kín có tính bền vững.

Với vị thế "hai cửa" hiếm có (giáp biển và giáp biên), An Giang cần chủ động thiết lập các hành lang kinh tế - logistics nối Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN, gắn với hệ thống cửa khẩu, cảng biển và cao tốc ven biển. Đồng thời, Phú Quốc được định hướng trở thành đặc khu kinh tế - du lịch quốc tế với thể chế vượt trội để đua tranh toàn cầu.

PGS.TS Bùi Văn Huyền

PGS.TS Bùi Văn Huyền

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng An Giang nên phát triển hỗn hợp với 6 định hướng lớn, bao gồm: 1 nhất thể (hợp nhất 1 tỉnh, tạo ra một tầm nhìn, một hành động, một niềm tin); 2 trục kết nối (trục nội vùng với tuyến Vàm Cống - Rạch Sỏi là tuyến dọc xương sống thúc đẩy kinh tế tổng hợp hướng đến kết nối Hà Tiên và Phú Quốc, trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để kết nối với ĐBSCL hướng ra cảng Trần Đề).

3 đột phá (đột phá về kinh tế, đột phá hạ tầng, đột phá ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số); 4 trụ cột phát triển (phát triển về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện thể chế phát triển; tăng cường hội nhập, hợp tác, liên kết vùng - quốc tế); 5 vùng trọng điểm (gồm Rạch Giá, Long Xuyên, Phú Quốc, Châu Đốc, Hà Tiên).

Cuối cùng là 6 danh mục phát triển (Đề án rà soát lại quy hoạch, đề án phát triển tứ giác Long Xuyên, đặc khu Phú Quốc, kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển; đề án phát triển kinh tế tư nhân; chương trình phát triển hạ tầng; đề án phát triển nguồn nhân lực; đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh).

Với tầm nhìn chiến lược đó, các chuyên gia tin rằng An Giang sẽ hoàn thành mục tiêu tham vọng đến năm 2030, vươn lên thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 10% trở lên, và GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.500 USD.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-hien-ke-giup-an-giang-tan-dung-thoi-co-ngan-nam-co-mot-410644.html