VN-Index giằng co trước vùng đỉnh lịch sử, chiến lược giao dịch cần thận trọng
Thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật khi VN30 tiệm cận vùng đỉnh cũ. Áp lực chốt lời gia tăng có thể khiến VN-Index tiếp tục rung lắc trong ngắn hạn...

Sau chuỗi tăng hưng phấn, tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn trở nên quá lạc quan, khiến thị trường mở đầu phiên hôm nay (15/7) trong sắc xanh. VN-Index tiếp tục bứt phá, tiến gần vùng giá mục tiêu 1.480 điểm. Tuy nhiên, các tín hiệu kỹ thuật nhanh chóng phát cảnh báo quá mua ngắn hạn ở mức cực đại, đặc biệt là trong nhóm VN30.
Dù dòng tiền đầu cơ vẫn luân chuyển sôi động ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, thanh khoản thị trường giảm trong phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên chiều và phiên ATC, khiến lực bán lan rộng, kéo theo thanh khoản bật tăng khi giá giảm.
Chốt phiên, VN-Index mất 9,77 điểm (-0,66%) còn 1.460,65 điểm. VN30 giảm sâu hơn với mức mất 11,82 điểm (-0,74%), đóng cửa tại 1.593,84 điểm, vẫn cao hơn vùng đỉnh lịch sử tháng 11/2021 (khoảng 1.587 điểm).
Trên sàn HOSE, độ rộng thị trường nghiêng rõ rệt về bên bán với 190 mã giảm giá, tập trung tại các nhóm đã tăng nóng như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, khu công nghiệp, thép và cảng biển. Ngược lại, 136 mã tăng giá chủ yếu là nhóm điện, chứng khoán, cổ phiếu penny với tính chất đầu cơ mạnh, trong khi 45 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, vượt 30.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 5,7% so với phiên liền trước. Đáng chú ý, khối ngoại trở lại mua ròng hơn 1.106 tỷ đồng trên HOSE, một điểm sáng trong phiên điều chỉnh.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2407 giảm 7,20 điểm (-0,45%), chốt ở mức 1.594 điểm – cao hơn VN30 chỉ 0,16 điểm. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn như VN30F2408, VN30F2509, VN30F2512 ghi nhận mức basis âm từ 9,74 đến 18,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch phái sinh giảm 40,68% so với phiên trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất.
OI (Open Interest) hôm nay đạt 40.790 hợp đồng, tăng so với phiên liền trước (38.657), cho thấy xu hướng gia tăng các vị thế nắm giữ, đồng nghĩa khả năng thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, kiểm định lại vùng đỉnh cũ quanh 1.570 điểm (thiết lập năm 2022).

Diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua
VN30 sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng đỉnh năm 2021-2022
Chứng khoán SHS
Xu hướng ngắn hạn của VN-INDEX đang tăng trưởng trên ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.450 điểm, và hỗ trợ mạnh hơn tại 1.400 điểm. VN-INDEX hiện đang chịu áp lực điều chỉnh, do VN30 có rủi ro đạt đỉnh của nhịp tăng giá mạnh và có thể chuyển sang giai đoạn điều chỉnh. Trong ngắn hạn, VN30 sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng đỉnh năm 2021-2022. Thị trường đang trong giai đoạn cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2025.
Như nhận định trước đó, sau khi chỉ số VN30 đã có nhịp tăng mạnh hơn 42% tính từ giá thấp nhất tháng 4/2025, diễn biến ngắn hạn cho thấy VN30 đang có rủi ro đạt đỉnh của nhịp tăng mạnh này và có thể chuyển sang giai đoạn mới: điều chỉnh tích lũy, đồng thời cập nhật kết quả kinh doanh quý II.
Một phần áp lực điều chỉnh đến từ áp lực bán ngắn hạn của các mã như VIC, VHM... khi gặp kháng cự đỉnh năm 2021 sau giai đoạn tăng giá mạnh đột biến. Với những diễn biến như hiện nay, nhà đầu tư nên ưu tiên theo dõi các áp lực bán giá cao, xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có.
Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, là cổ phiếu đầu ngành trong các ngành chiến lược, và có tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
Xu hướng giằng co kéo dài, chiến lược giao dịch cần thận trọng tại vùng nhạy cảm
Chứng khoán MBS
Tiếp tục một phiên giao dịch rung lắc mạnh của phái sinh khi đóng cửa thấp nhất phiên, chốt phiên phái sinh giảm -7,2 điểm về 1.594 điểm. Thanh khoản giao dịch cũng sụt giảm so với phiên hôm qua do tâm lý thận trọng trở lại của nhà đầu tư khi phái sinh đang giao dịch ở vùng đỉnh 1.600 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 4.500 hợp đồng.
Rung lắc giằng co sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch khi nhu cầu chốt lãi tiếp tục dâng cao trên cả thị trường cơ sở và phái sinh, thị trường cơ sở cũng sẽ tiếp tục gặp khó ở vùng 1.500 điểm ảnh hưởng tới phái sinh. Chiến lược giao dịch đề xuất: Chiến lược Long: Cân nhắc mở vị thế quanh vùng 1.590 – 1.595 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số giảm xuống dưới 1.587 điểm. Chiến lược Short: Canh mở vị thế quanh vùng 1.615 – 1.620 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số vượt 1.625 điểm.
VN-Index cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi tiệm cận vùng 1.480 điểm
Chứng khoán SSI
Thị trường phần lớn thời gian rung lắc trên ngưỡng tham chiếu trước khi cung chốt lời bất ngờ chiếm ưu thế về cuối phiên, khiến chỉ số giảm điểm trở lại. Với 136 mã tăng/190 mã giảm trên HOSE, VNIndex đóng cửa tại 1.460,65 điểm, giảm 9,77 điểm (-0,66%).
VNIndex cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi tiệm cận vùng 1.480. Diễn biến chững lại là cần thiết cho nhịp tái cân bằng và củng cố nền giá bền vững hơn của chỉ số. Về tổng thể, chỉ số VNIndex vẫn duy trì trạng thái ổn định trên vùng hỗ trợ gần 1.440 – 1.450.
Vùng kháng cự ngắn trong tuần này tại khu vực 1475 – 1480 điểm
Chứng khoán Tân Việt
Chỉ số tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng đà tăng không duy trì được trọn vẹn. Áp lực chốt lời gia tăng vào cuối phiên tại vùng giá cao khiến đà tăng thu hẹp nhanh chóng và chỉ số đóng cửa giảm điểm trở lại.
Vnindex đóng cửa với mẫu nến giảm điểm Bearish Engulfing với giá đóng cửa ở mức thấp nhất ngày cùng thanh khoản duy trì mức cao, cho thấy áp lực chốt lời tăng mạnh phiên hôm nay khiến chỉ số đảo chiều về cuối ngày. Với diễn biến 2 phiên hôm nay, chỉ số tạm thời hình thành vùng kháng cự ngắn trong tuần này tại khu vực 1475 – 1480 điểm.
Nhìn chung, các nhịp rung lắc mạnh như hiện tại vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi chỉ số đang chuyển động trong vùng kháng cự rất mạnh là vùng tạo đỉnh thời đại. Trong các phiên giao dịch kế tiếp, kỳ vọng nhịp điều chỉnh sớm chấm dứt và chỉ số bật tăng trở lại.
Xu hướng ngắn hạn hiện tại của Vnindex đang trong đà tăng điểm rất mạnh. Chỉ số kỳ vọng sớm chấm dứt nhịp điều chỉnh và tiếp tục tăng điểm chinh phục mốc đỉnh trước đó.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật: Nhóm ngành BDS ghi nhận phiên giảm điểm điều chỉnh trở lại và là tác nhân chính gây ra áp lực giảm cho chỉ số ngày hôm nay do tác động từ các mã vốn hóa lớn.Nhóm ngành dịch vụ tài chính tiếp diễn tăng điểm thời điểm đó đã tăng trước đó chưa quá nhiều và là nhóm ngành vốn hóa lớn tích cực nhất ngày hôm nay
Nhà đầu tư có thể tăng thêm tỷ trọng ở nhịp điều chỉnh
Chứng khoán Phú Hưng
VN-Index đóng cửa với mẫu hình nến phủ định 1/2 đà tăng của phiên trước, cho thấy lực cung đang chi phối trở lại. Thanh khoản cũng gia tăng biểu thị lực bán chủ động, tuy nhiên, chưa đột biến để xác nhận đảo chiều. Việc trở lại kiểm định ngưỡng 1450 - 1460 điểm có thể giúp củng cố lại đà đi lên, khi thị trường đã có các phiên leo dốc trước đó. Các chỉ báo hạ nhiệt chưa quá tiêu cực, kỳ vọng chỉ số sẽ vận động cân bằng quanh ngưỡng 1460 (+/- 15 điểm). Hỗ trợ duy trì động lượng ngắn hạn được nâng lên quanh mốc 1440 điểm.
Đối với HNX-Index, nỗ lực bứt phá thất bại và chỉ số kết phiên với mẫu hình nến có bóng phía trên dài, đồng thời thanh khoản cũng tăng mạnh, hàm ý lực bán chiếm ưu thế. Vận động khả năng trở lại tích lũy thêm trong khu vực 238 - 240.
Chiến lược chung: Nắm giữ, có thể tăng thêm tỷ trọng ở nhịp điều chỉnh, thay vì hưng phấn mua đuổi hoặc phân bổ dàn trải. Nhóm Mid-cap trở lại sẽ mở ra cơ hội nhiều hơn khi kiểm định xu hướng thành công. Các nhóm ưu tiên chú ý: Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán, Thép, Công nghệ.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.