Chuyên gia hiến kế 'hồi sinh' sông Tô Lịch
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy. Vì vậy ngoài việc tạo dòng chảy để hồi sinh sông Tô Lịch, cần nghiên cứu giải pháp tôn đáy sông, tạo các đập dâng; tăng cường trách nhiệm của các xã, phường...
Nguyên nhân khiến dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy
Tại tọa đàm "Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết" do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong thành phố cũng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội
“Nguyên nhân chính do tốc độ đô thị hóa rất lớn, ý thức của người dân không giữ gìn vệ sinh, vứt rác ra sông hồ. Tình trạng quản lý đất đai lấn chiếm lòng sông, hồ. Chúng tôi đang rà soát tham mưu cho UBND TP Hà Nội, để nâng cấp trách nhiệm, ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Phải xốc lên, phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Đình Hoa chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, nguyên nhân còn do quy hoạch trước đây tất cả hệ thống xả thải, kể cả xả thải sinh hoạt, công nghiệp từ các cụm công nghiệp chưa có thiết kế xử lý thu gom vào khu vực riêng. Nhiều nơi có tình trạng xả thải trực tiếp ra các dòng sông. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy.
“Hiện mực nước của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn so với trước đây, có thời điểm thấp hơn mặt nước trước đây và thiết kế đê tối đa 14m nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thủy lợi. Có những công trình xây dựng từ thời Pháp, có công trình xây những năm 60-70, thiết kế mực nước so với hiện nay chênh 2-4m. Vì vậy nay phải đầu tư máy bơm thì mới có thể bơm lên được. Đây là nguyên nhân chính gây ra nước sông nội đô bị thấp hơn, không bơm vào thì không có nước chảy trong nội đô”, ông Nguyễn Đình Hoa chia sẻ thêm.
Về giải pháp của thành phố "hồi sinh" các dòng sông, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô. Cụ thể, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, củng cố các trạm bơm và trạm xử lý nước thải. Hà Nội đang nghiên cứu để chuẩn bị khởi công đầu tư xây dựng trạm bơm ở cụm đầu mối Liên Mạc trực tiếp bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt với mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ.
“Chúng tôi đang thẩm định để trình UBND TP phê duyệt. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước trực tiếp vào hệ thống sông Nhuệ. Giai đoạn 2 tiếp tục kè sông Nhuệ từ đê Liên Mạc đến hết cầu Trắng. Một dự án khác được nghiên cứu tại khu vực huyện Phúc Thọ (cũ), sẽ được xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để bơm nước từ sông Hồng và lưu vực sông Đáy. Song song với đó, sở đã khảo sát và thường xuyên giao các công ty công trình thủy lợi rà soát nâng cấp hệ thống thủy lợi, liên quan đến rất nhiều dòng sông nội đô. Nguyên tắc sông muốn sạch phải có nước sạch, tắc ở đâu phải khơi thông ở đó. Đó là nguyên tắc cải tạo các dòng sông", ông Nguyễn Đình Hoa khẳng định.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó đã phát động cải tạo nâng cấp các hệ thống hồ chứa, kể cả hồ thủy lợi vừa dự trữ nước, vừa đảm bảo môi trường. Thực tế đã có những hồ rất ô nhiễm, nay có thể tắm, cảnh quan rất đẹp như ở Hoài Đức, Đông Anh... Hiện với trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với những hồ do Thành phố quản lý, sở đang cho rà soát và xây dựng đơn giá định mức để kết hợp với thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, dự trữ nước, kết hợp nông nghiệp với du lịch.
Cần tạo dòng chảy để “hồi sinh” sông Tô Lịch
Theo ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.

Ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội
Trước mắt, thành phố đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Các dự án thu gom và cải tạo lòng sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu chậm nhất đến 30/8/2025 phải hoàn thành. Tiếp đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành lấy nước vào để phục hồi dòng chảy trên sông Tô Lịch. Về nguồn nước lấy vào sông Tô Lịch, trước mắt sẽ lấy chính từ nguồn nước thải đã xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Khi nguồn nước này đã được xử lý đổ ra sông sẽ được hệ thống đập dâng được xây dựng ở cầu Quang (phường Hoàng Liệt) giữ lại ở độ sâu theo tính toán. Để tạo dòng chảy, sẽ lấy nước từ hồ Tây đã được xử lý trước khi đưa vào sông Tô Lịch ở Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ). Từ hai nguồn nước này, sẽ tạo được dòng chảy trên sông Tô Lịch.
Về giải pháp lâu dài, TP Hà Nội đang triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng hai bên sông Tô Lịch. Mục đích tạo cảnh quan nhằm phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan, tạo được không gian văn hóa hướng tới phát triển du lịch.
TP Hà Nội mong muốn biến hai bên bờ sông thành điểm văn hóa, điểm đến cho người dân Thủ đô và khách du lịch. Để thực hiện được việc này, thành phố đang giao cho Sở Xây dựng tổ chức lấy các ý kiến cộng đồng và tổ chức các cuộc hội thảo để có thêm các tham vấn hữu ích từ các tổ chức xã hội.
Phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã, phường
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: “Nhà tôi ở gần sông Tô Lịch, hằng ngày đi qua, nhiều năm đã chứng kiến sông Tô Lịch từ lúc sạch, xanh mát, đến khi bẩn, và đang hồi sinh như thế nào. Gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền. Đây có lẽ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và bài học lớn nhất. Trung Quốc có các bài học xử lý làm sạch sông Dương Tử, Israel làm sạch sông Jordan, Hungary với hồ Balaton... Thành công đó đầu tiên phải là sự quyết tâm của chính quyền, quyết tâm này thể hiện ở việc giải quyết vấn đề rất cụ thể để làm sạch các dòng sông”.

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Hoàng Dương Tùng dẫn chứng, ở Trung Quốc, với sông Dương Tử, họ phân ra các lưu vực, tiểu lưu vực để xử lý. Ở Việt Nam có lẽ cũng cần tham khảo kinh nghiệm này, chia ra những khu vực cụ thể liên quan đến các dòng sông để biết ô nhiễm ra sao và đề ra phương pháp xử lý.
“Ở Trung Quốc, họ đưa ra những giải pháp xử lý với những công trình khác nhau, làm cả tập trung lẫn phân tán. Hà Nội cũng đang làm tập trung nhưng cũng còn rất nhiều giải pháp phân tán khác. Cần thực hiện các giải pháp phân tán như lắp trạm bơm nhỏ dọc sông. Giải pháp này vừa nhanh, rẻ và bổ cập được nước ngay tại chỗ không phải đợi đến cuối nguồn bơm ngược lại. Ngoài ra, các quốc gia khác đã dùng công nghệ số, nhanh và nhiều, như đặt cảm biến giá rẻ để quan trắc chất lượng nước sông. Toàn bộ chất lượng nước được quan trắc ngay, phổ biến ngay trên mạng cho toàn dân biết, cơ quan quản lý biết. Trách nhiệm bảo vệ sông không chỉ là của cơ quan nhà nước, không của bộ nào mà họ gắn đến trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông Hoàng Dương Tùng nêu ví dụ.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Dương Tùng, hiện nay đã triển khai chính quyền 2 cấp, do đó phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã, cấp phường. “Như các nước, họ có KPI, dùng hệ thống GIS rõ phường nào, xã nào chịu trách nhiệm. Họ biết ngay nơi nào đang phát thải cái gì. Từ đó yêu cầu các cơ sở sản xuất xả thải hơn 10m3 phải lắp đồng hồ quan trắc thông minh. Dùng bao nhiêu, thải bao nhiêu, phát ngay trực tiếp để đơn vị quản lý biết ngay. Như thế tất cả hệ thống kiểm soát các nguồn thải, cảm biến quan trắc đến hàng giây, điều tiết rất nhanh. Đó là những cái phải học tập", ông Hoàng Dương Tùng nói.
Nói về hoạt động các dòng sông hiện nay của Hà Nội, chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm trong vấn đề môi trường. Thực tế sông Tô Lịch đã có chuyển biến rõ rệt, các nhiệm vụ có kỳ hạn thực hiện, trách nhiệm phường, xã rõ ràng. Chuyên gia đánh giá cao và mong muốn TP Hà Nội tiếp tục giữ tinh thần nhiệt huyết như vậy.
Chuyên gia cũng mong muốn, Hà Nội có thêm các giải pháp đổi mới tư duy, chuyển đổi số hơn cho những dòng sông. Trong đó cần quan trắc trực tuyến để có nhiều số liệu hơn, cụ thể hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ hiện lên phân bố trên bản đồ GIS cụ thể cho từng tiểu lưu vực.
"Mỗi dòng sông phải có các giải pháp khác nhau, không thể có giải pháp chung được. Muốn có giải pháp riêng phải có dữ liệu số, quan trắc riêng biệt", ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Nghiên cứu giải pháp tôn đáy sông, tạo các đập dâng
Theo Chuyên gia Nguyễn Trường Duy - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, các dòng sông đã kêu cứu cách đây 20 năm. Các địa phương đều kiến nghị rất lâu, đến nay đã triển khai một số giải pháp nhưng lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Chuyên gia Nguyễn Trường Duy - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam
Ông Nguyễn Trường Duy đề xuất các giải pháp quan trọng, gồm giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Trong đó, với các giải pháp về công trình, phương án tạm thời sử dụng trạm bơm điện đã đem lại những hiệu quả tức thì, tuy nhiên nếu dùng lâu dài rất tốn kém và không đạt hiệu quả tổng thể. Hoạt động này chủ yếu để phục vụ tưới tiêu, sản xuất chứ khó có thể xử lý nước xả thải tại các địa phương. Thực tế, một số các trạm bơm không mở rộng được đường dẫn thì rất khó để hoạt động đem lại hiệu quả tốt.
Về lâu dài, theo chuyên gia, cần tạo ra nguồn chảy cho các dòng thì mới tạo ra giá trị thực tế. Mực nước các sông hiện nay đều hạ thấp, chỉ có giải pháp là tôn đáy sông, tạo các đập dâng mới có thể đảm bảo mực nước, giúp khai thác các dòng sông theo hướng đa mục tiêu, đa ngành, ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hà Nội xây dựng đập đang trên sông Tô Lịch
Bàn về giải pháp phi công trình, chuyên gia đề nghị cần làm triệt để việc nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực, vật lực để xử lý nước thải, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp.
“Công tác quản lý, cấp phép xả ra môi trường đang còn nhiều bất cập, nhất là cơ sở pháp lý và thẩm quyền xử lý. Chỉ khi cấp quản lý được cấp quyền xử lý để giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm thì khi đó hiệu quả xử lý nước thải mới cải thiện. Chúng ta cũng cần chỉnh trang khu vực hai bên bờ sông từ đó nâng cao ý thức người dân. Đồng thời mở cửa cho xã hội hóa, cho phép các doanh nghiệp tư nhân vào đấu thầu tự quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng bờ sông”, chuyên gia Nguyễn Trường Duy chia sẻ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-hien-ke-hoi-sinh-song-to-lich-post1213797.vov