Chuyên gia ''hiến kế'' khi F0 tại TP Hà Nội liên tục tăng
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong các giải pháp hiện nay của Hà Nội, cần tập trung vào việc thành lập ngay các tổ tư vấn Covid tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động, đây là điều rất quan trọng giúp hỗ trợ ngay đối với F0.
F0 tiếp tục tăng
Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 12/1 ghi nhận 2.948 ca COVID-19 trong 24 giờ qua.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh minh họa
Bài liên quan
Hà Nội: Gần 50 nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường cầu cứu vì bị nợ lương
Ngày 12/1: Ghi nhận 16.135 ca nhiễm COVID-19 mới, Hà Nội 2.948 ca
Hà Nội phân công các bệnh viện hỗ trợ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19
Hà Nội chưa có ý kiến về phương án bán 20.000 vé xem trận Việt Nam - Trung Quốc
Ghi nhận đến ngày 11/1 Hà Nội có 482 ca nặng và nguy kịch, tăng 16,7% so với trung bình một tuần trước. Trong đó, 424 ca thở oxy qua gọng kính, tăng 21%, thở máy xâm lấn 37 ca, tăng 11,6%. Ngoài ra, 15 ca thở máy dòng cao (HFNC), 6 ca thở máy không xâm lấn, giảm lần lượt 21,6% và 26,3%. Không có bệnh nhân đang lọc máu và can thiệp ECMO.
Các ca nhiễm hôm nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình 116; Hoài Đức 111; Bắc Từ Liêm 98; Long Biên 94; Hoàn Kiếm 93; Đống Đa 83.
Đến ngày 11/1, toàn thành phố đang điều trị gần 51.000 ca, trong đó hơn 40.500 F0 đang điều trị tại nhà, tăng gần gấp đôi so với gần 10 ngày trước (22.000 F0 điều trị tại nhà ngày 3/1).
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay cần được tập trung thực hiện là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Tại cuộc họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã ngày 7/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, số ca F0 tiếp tục tăng trong những ngày gần đây, trong đó khoảng 30% là các ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động phòng, chống dịch của người dân và hệ thống chính trị ở cơ sở; duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm "4 tại chỗ", tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A-B...
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ để hạn chế người mắc và chuyển nặng.
GS.TS Nguyễn Anh Trí
Cần thành lập ngay các tổ tư vấn COVID tại nhà
Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, về việc Hà Nội ứng phó khi số ca mắc và số F0 nặng ở Hà Nội tiếp tục tăng, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng với tình hình hiện, Hà Nội đã đưa ra những định hướng, biện pháp phòng chống dịch rất đúng, điều quan trọng hiện nay là phải làm ngay, triển khai nhanh.
GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, trong các giải pháp Hà Nội cần tập trung vào việc thành lập ngay các tổ tư vấn COVID tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động, đây là điều rất quan trọng giúp hỗ trợ ngay đối với F0. Đồng thời phải quan tâm hơn đối với các đối tượng yếu thế, người nghèo ít được tiếp xúc các dịch vụ y tế...
Cũng theo vị chuyên gia, hiện nay Hà Nội có số lượng rất lớn F0 tại nhà nhưng sự chăm sóc không ngang tầm được với yêu cầu, vì vậy việc thành lập các tổ tư vấn COVID và thành lập trạm y tế lưu động cần phải làm ngay. Cùng với đó là kêu gọi, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho y tế cơ sở, đơn vị y tế tư nhân, lực lượng cán bộ ngành y về hưu, sinh viên y học...cùng tham gia vào công tác này.
"F0 cách ly tại nhà chúng ta phải chú ý đến công tác chăm sóc họ, và việc vận động được đội ngũ cán bộ y tế, tình nguyện viên tham gia vào công tác này là rất quan trọng, kể cả y tế tư nhân và các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, sinh viên y khoa...đã đến lúc chúng ta phải làm như vậy nếu không sẽ sụp đổ". GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.
Nhấn mạnh về công tác thành lập các tổ tư vấn tại nhà, tư vấn cộng đồng, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng: F0 sợ nhất là cảm thấy hoảng loạn, hoảng sợ khi bị nhiễm bệnh, thay đổi cảm giác nên không chịu ăn uống, tâm lý bị ảnh hưởng... nếu chúng ta tổ chức tư vấn tốt, quan tâm đến họ sẽ giảm đi áp lực cho y tế rất nhiều.
"Hàng ngày cán bộ y tế gọi điện thăm hỏi, nhắc nhở cách chăm sóc sức khỏe...thì người bệnh sẽ ổn định tâm lý. Ở đây, F0 cần nhất là sự quan tâm, sự đồng hành, chia sẻ và cả thuốc men, nên phải có tư vấn y tế tại nhà và trạm y tế lưu động, việc này phải làm ngay", vị chuyên gia lấy ví dụ
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời điểm hiện nay số ca bệnh tăng lên càng nhiều thì tỷ lệ số ca F0 nặng cũng sẽ tiếp tục tăng, vì vậy Hà Nội cần tập trung vào điều trị những ca nặng, những ca có triệu chứng, những người cao tuổi, người có bệnh nền.
Cùng với đó là tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ để hạn chế người mắc và chuyển nặng.
Ngoài ra, tập trung vào đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, bố trí các khu vực điều trị hợp lý, các bệnh viện kể cả tư nhân cũng cần tập trung vào công tác điều trị, tuyên truyền, hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà... không để để người dân hoảng loạn, hoảng sợ.