Chuyên gia hiến kế quy hoạch phân khu sông Hồng

Nhiều chuyên gia quy hoạch nhất trí với quan điểm quy hoạch phân khu sông Hồng cần thuận theo thiên nhiên, không nên xây dựng mật độ cao ở ven sông, đảm bảo hành lang thoát lũ và an ninh nguồn nước.

Hai bên sông Hồng nên phát triển công viên, cây xanh

Theo KTS Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng,nước ta luôn phải đối mặt quá trình trị thủy sông Hồng. Đó là quá trình hàng nghìn năm đắp đê bảo vệ Hà Nội, các khu vực định cư của con người ven sông.

Hà Nội cần nghiên cứu và khai thác trục sông Hồng theo từng giai đoạn, phù hợp nhu cầu kinh tế - xã hội và điều kiện của nguồn lực (Ảnh: Tiến Hào).

Hà Nội cần nghiên cứu và khai thác trục sông Hồng theo từng giai đoạn, phù hợp nhu cầu kinh tế - xã hội và điều kiện của nguồn lực (Ảnh: Tiến Hào).

Nếu phát triển không hợp lý ở khu vực bãi ngoài đê, lũ về sẽ không có chỗ chứa nước, đê sẽ bị phá vỡ, lũ sẽ tràn vào Hà Nội, khi đó rất nguy hiểm.

Khu vực hai bên sông Hồng thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, vì đây là khu đất trung tâm, vị trí rất hấp dẫn, có tiềm năng rất lớn phát triển bất động sản. Nhưng nếu làm bất động sản ở đây chỉ mang lợi ích cho một nhóm đối tượng, còn đa số người dân không được hưởng lợi.

Ở những nước trên thế giới có dòng sông tương tự sông Hồng, khu vực ngoài đê chỉ quy hoạch thành bãi thể thao, công viên cây xanh… Theo thống kê, Hà Nội có 1m2 cây xanh/người, trong khi quy chuẩn của Việt Nam là 7m2 cây xanh/người. Tiêu chuẩn của một số nước thế giới hơn 10m2 cây xanh/người.

Vì vậy, khu vực ven sông Hồng nếu được phát triển thành công viên, cây xanh sẽ rất hợp lý. Khi đó, dù khu vực này có bị ngập, thiệt hại cũng không lớn.

Hiện nay, một số tổ chức kêu gọi được sự đầu tư để cải tạo khu vực bãi ven sông Hồng, dọn rác thải, xây dựng công viên nhỏ, trồng cây… Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng thấy thực trạng và rất muốn cải tạo bộ mặt đô thị ở khu vực này, nhưng nguồn lực có hạn, phải mời gọi khu vực tư nhân tham gia đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tham vọng lớn nên cần sự cân đối.

Khu vực nào thực sự an toàn có thể phát triển nhà ở và khu đô thị. Những chỗ không an toàn nên trồng cây xanh, xây dựng công viên, đảm bảo trữ lũ và thoát lũ, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo chỉ tiêu cây xanh/người.

Khai thác trục sông Hồng phù hợp từng giai đoạn

ThS.KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) cho biết, quy hoạch Thủ đô nhiều thời kỳ đều định hướng phát triển thành phố hai bên sông, khai thác hệ thống sông hồ tự nhiên của Hà Nội như: Sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…

Theo KTS Hoàng Vĩnh Hưng, khu vực ven sông Hồng nên phát triển công viên, cây xanh.

Theo KTS Hoàng Vĩnh Hưng, khu vực ven sông Hồng nên phát triển công viên, cây xanh.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Thủ đô 2024 tiếp tục khẳng định, định hướng phát triển trục sông Hồng trở thành trục không gian, cảnh quan, sinh thái, xanh trung tâm của Thủ đô, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, xây dựng trục sông Hồng trở thành điểm nhấn về không gian quy hoạch kiến trúc của Hà Nội.

Sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với những đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô.

Quy hoạch đã xác định sẽ phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc theo từng thời kỳ phát triển.

Để triển khai định hướng chiến lược nêu trên, Hà Nội cần thực hiện các chương trình, hành động cụ thể. Trước tiên là nghiên cứu điều chỉnh phương án thủy lợi và phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, xác định thông số về cao độ ngập lụt, giải pháp phòng chống ngập lụt, điều kiện thích ứng khi khai thác những vùng bãi dọc sông.

Tiếp đó, thành phố cần quy hoạch tổng thể phát triển từng trục sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ... theo từng giai đoạn phát triển, làm cơ sở thu hút đầu tư nguồn lực phát triển.

Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng đoạn tuyến sông Hồng qua trung tâm trở thành trục không gian xanh sinh thái trong giai đoạn 2025-2030, cung cấp không gian xanh công cộng cho người dân đô thị; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối dọc sông, cầu hầm qua sông, bến thuyền, bến cảng và công trình điều tiết mực nước sông…

Với cách thực hiện từng bước như trên, chúng ta sẽ không xây dựng trục sông Hồng theo viễn cảnh dài hạn, mà cần từng bước nghiên cứu, thích ứng, khai thác theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu kinh tế - xã hội và điều kiện của nguồn lực.

Cần đảm bảo an ninh nguồn nước cho Thủ đô

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng:Luật Thủ đô 2024 đã nhấn mạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước. Quy hoạch Thủ đô cũng khẳng định, phía dưới hai bên đê sông Hồng là hành lang thoát lũ, đặc biệt sau cơn bão Yagi xảy ra năm ngoái.

Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đều khẳng định, đê là giới định của hành lang thoát lũ. Do đó, những gì liên quan chức năng đô thị hay khu dân cư đều phải cân nhắc kỹ. Nếu sông Hồng không đủ không gian để thoát lũ, cũng không đủ không gian lưu trữ nước vào mùa hạn, sẽ không thể phát triển đô thị.

Quy hoạch phân khu sông Hồng cần chú ý đảm bảo an ninh nguồn nước cho Hà Nội.

Quy hoạch phân khu sông Hồng cần chú ý đảm bảo an ninh nguồn nước cho Hà Nội.

Hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành phố muốn phát triển đô thị ra hai bên sông Hồng, nhưng đất nông nghiệp đã đô thị hóa rồi, tại sao còn lấp sông?

Hà Nội đang rất thiếu nước. Vấn đề ở đây là thiếu nước và không gian trữ nước hay thiếu đất để phát triển đô thị mà phải tính đến phương án phát triển đô thị ven sông Hồng?

Nhiều quốc gia đang có chiến lược an ninh nguồn nước rất sâu sắc. Singapore có kế hoạch hạn chế nhập khẩu nước từ bên ngoài với ba phương pháp. Thứ nhất, rút lại nước mưa qua các hồ chứa và mở rộng không gian. Thứ hai, tái chế nước thải. Thứ ba, chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt.

Với Trung Quốc, dân số chiếm 1/5 dân số thế giới, nguồn nước của họ rất dồi dào. Từ hàng trăm năm nay, người ta đã có chiến lược về nước, đảm bảo cho sự phát triển.

Chúng ta đang thiếu một chiến lược đảm bảo sự cân bằng nước và việc làm đầu tiên là phải dừng lại tất cả hoạt động đô thị hóa ven sông, vì giá trị của sông Hồng không phải làm giàu bất động sản ven sông.

Nếu muốn làm bất động sản, phải dẫn nước vào trong lòng những khu đô thị đã xây dựng. Lấp sông là tự lấp đi nguồn sống của mình, còn dẫn nước vào đô thị sẽ làm đô thị giàu có hơn, chất lượng sống và giá trị bất động sản tăng lên rất nhiều.

Sống thuận thiên để phát triển bền vững

KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nói:Trong quyết định của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, khu vực này có chức năng chính là hành lang thoát lũ, sau đó mới tính đến chức năng khác như công viên, vườn hoa, công trình dịch vụ…

Tại khu vực này, không có quy hoạch phát triển nhà ở cao tầng như Hàn Quốc. Thực ra, Hà Nội không thiếu quỹ đất, vì thành phố đã mở rộng rất nhiều. Các công trình tiếp cận mặt nước dĩ nhiên rất đẹp, nhưng điều đó sẽ không đảm bảo yếu tố bền vững. Khi nghĩ đến sự phát triển bền vững, người ta luôn đưa ra quan điểm sống thuận thiên, tức là sống thuận theo thiên nhiên.

Theo KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội không nên xây dựng những công trình cao tầng hay xây dựng với mật độ cao ở ven sông Hồng (Ảnh: Tiến Hào).

Theo KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội không nên xây dựng những công trình cao tầng hay xây dựng với mật độ cao ở ven sông Hồng (Ảnh: Tiến Hào).

Nhưng thời gian qua, con người đôi khi xâm lấn vùng thoát lũ tự nhiên, gây ra hậu quả nghiêm trọng, ví dụ Đà Lạt hay Hạ Long. Ngày xưa, đó là những vùng thoát lũ rộng lớn, khi có mưa to, nước chạy hết ra biển. Nhưng trong quá trình xây dựng đô thị, người ta lấp dần, xây dựng nhiều công trình và làm hẹp không gian thoát lũ. Khi có mưa to, đô thị ngập hết.

Các nước châu Âu không làm chuyện này. Họ luôn nghĩ đến việc cấu trúc đô thị phải đảm bảo những khu vực chứa nước tự nhiên. Vì vậy, quan điểm quy hoạch ở đây là cần phân tích rất kỹ điều kiện địa hình và hành lang thoát lũ, đảm bảo đưa ra giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, từ đó phát triển bền vững.

Hơn nữa, quy hoạch phân khu sông Hồng cũng không cho phép xây dựng với mật độ cao. Ở đây, chủ yếu là vườn hoa công viên, sân chơi và một số dịch vụ văn hóa, giải trí khác. Tức là, mật độ xây dựng vừa phải, chứ không thể xây dựng công trình cao tầng, nhằm tạo ra một biểu tượng của Thủ đô. Điều đó không cần thiết.

Mặt khác, những cây cầu bắc qua sông cũng đã tạo ra biểu tượng cho đô thị. Dọc sông Hồng hiện nay có nhiều cầu và thời gian tới sẽ xây dựng thêm nhiều cầu nữa, kết nối hai bên sông như cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên…

Quy hoạch sẽ phát triển toàn bộ cảnh quan hai bên sông. Bên này là thành phố cũ gần trung tâm và phố cổ, bên kia là thành phố mới, từ đó tạo ra trục cảnh quan, văn hóa - lịch sử của Đồng bằng sông Hồng và kinh đô nghìn năm văn hiến.

Nhưng hiện tại, chúng ta chưa thực hiện được vì nhiều lý do, chủ yếu là cần nguồn lực rất lớn về tài chính và cơ chế, chính sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời người dân, đảm bảo dòng chảy thường xuyên, ứng phó bão lũ…

Hiện nay, Hà Nội thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nên trong thời gian tới chắc chắn sẽ phải điều chỉnh nhiều quy hoạch, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng. Nhưng về bản chất, hình thái phát triển của trục sông Hồng sẽ không thay đổi, vẫn là trục cảnh quan chính của Thủ đô.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chuyen-gia-hien-ke-quy-hoach-phan-khu-song-hong-192250505180124572.htm