Chuyên gia hiến kế thu hút nhân lực chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo PGS. TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình “hóa rồng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long là “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực. Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 14.9% và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6.8%, thấp nhất cả nước.

Dù có nhiều lao động nhưng khu vực này vẫn chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao quay trở về làm việc. Nguyên nhân là do nền kinh tế của khu vực chưa “hấp thụ” được nhân lực giỏi, vẫn còn tình trạng sản xuất nông nghiệp thủ công, trình độ thấp.

Vì vậy, ông Vũ cho rằng, cơ quan quản lý cần có những chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ cao ở lại hoặc quay về quê hương để làm việc. Nếu không thì vùng vẫn không thể giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao dù có ở thêm trường, đào tạo được lực lượng lao động lành nghề.

“Vì nguồn nhân lực này có thể chuyển đến vùng khác”, ông nói tại diễn đàn cấp cao “Khoa học và công nghệ 4.0: Chiến lược phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long” do Tập đoàn CT Group phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Ngân Hàng TPHCM và Trường Đại Học Bách Khoa TPHCM tổ chức tại TPHCM vào ngày 16-6.

Theo PGS. TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TPHCM,tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6.8% – thấp nhất cả nước. Ảnh: Minh Thảo

Theo PGS. TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TPHCM,tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6.8% – thấp nhất cả nước. Ảnh: Minh Thảo

Để phát triển nguồn nhân lực tại đồng bằng sông Cửu Long, những chuyên gia tại diễn đàn đã đưa ra nhiều đề xuất. Trong đó có việc địa phương cần đầu tư khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất, cung ứng; khuyến khích doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, lúc này sẽ cần lực lượng trình độ cao; có chính sách thu hút nhân tài và các chuyên gia đầu ngành.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, nhà nước cần đầu tư những trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu ở TPHCM và Đồng bằng bằng sông Cửu Long. Để phát triển tổng thể, Nhà nước cũng phải đi đầu trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để đưa khoa học công nghệ phát triển vùng.

Ông Vũ cũng đề xuất, cần tăng đầu tư, chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng cần tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học, tương ứng với tỷ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu. Mức đề xuất là nâng từ 13-18% hiện tại, lên tối thiểu 30% trước năm 2030.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-gia-hien-ke-thu-hut-nhan-luc-chat-luong-cao-o-dong-bang-song-cuu-long/