Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Hình thành chuỗi nhà thuốc tạo động lực cạnh tranh
Một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược là công tác tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc. Trong đó, một loại hình kinh doanh mới đang trở nên phổ biến hiện nay là kinh doanh chuỗi nhà thuốc.
Thực tế cho thấy, hiện nay, các hệ thống nhà thuốc đang từng bước trở thành một mô hình đặc thù trong chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam. Trong đó, một số chuỗi nhà thuốc được hình thành với số lượng lớn; Theo thống kê năm 2023, hệ thống nhà thuốc Long Châu với hơn 1000 nhà thuốc trên 63 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc Pharmacity với hơn 1.100 nhà thuốc trên 44 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc An Khang với hơn 500 nhà thuốc tại 33 tỉnh, thành phố…), đến nay, số lượng này có thể còn nhiều hơn.
Các hệ thống chuỗi nhà thuốc đang phát triển mạnh theo chiều rộng hoặc tập trung chiều sâu, chuyên môn hóa cao. Với khối lượng chuỗi lớn như vậy, các nhà thuốc trong chuỗi hiện nay vẫn được hoạt động riêng lẻ, khá độc lập, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý hành chính và doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và không có cơ sở pháp lý thông thoáng, khuyến khích cho việc phát triển chuỗi nhà thuốc.
Mặc dù Luật Dược năm 2016 đã có chính sách để phát triển hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc tại Khoản 9 Điều 7. Tuy nhiên điều kiện, cũng như quyền lợi của cơ sở kinh doanh chuỗi nhà thuốc chưa được quy định cụ thể để khuyến khích hình thức này.
Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược đã bổ sung thuật ngữ và các nội dung có liên quan về điều kiện kinh doanh đối với loại hình hình doanh mới là chuỗi nhà thuốc.
TS. Dược sĩ Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung quy định cụ thể về chuỗi nhà thuốc nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc.
Cụ thể, TS. Lê Việt Dũng cho biết, điều 17a và 47a đã quy định những đặc trưng cơ bản của chuỗi nhà thuốc mà các cơ sở bán lẻ độc lập không có như cơ cấu tổ chức, điều kiện, quyền và trách nhiệm
“Mục tiêu lớn nhất của việc công nhận và pháp quy hóa loại hình chuỗi nhà thuốc là nhằm chuyên môn hóa, hiện đại hóa hệ thống bán lẻ thuốc. Hiện nay, cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc với quy mô và cơ số thuốc cung ứng không đồng đều. Việc hoạt động chuyên môn hóa, dự kiến, sẽ nâng cao chất lượng thuốc đáng kể. Ví dụ như cho phép điều chuyển thuốc giữa các nhà thuốc trong chuỗi sẽ hạn chế được tình trạng thuốc chậm luân chuyển dẫn đến không đáp ứng về hạn dùng, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Dự kiến, khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đào thải các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún. Trên hết của tất cả những thay đổi trên là người dân được hưởng chế độ phục vụ tốt với thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý” – TS. Lê Việt Dũng nhận định.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược đã bổ sung thuật ngữ và các nội dung có liên quan về điều kiện kinh doanh đối với loại hình hình doanh mới là chuỗi nhà thuốc.
Cụ thể, về cơ cấu tổ chức: chuỗi gồm 02 phần cấu thành cơ bản là: cở sở tổ chức chuỗi và các nhà thuốc trong chuỗi.
Về điều kiện: chuỗi nhà thuốc hoạt động theo cơ chế quản lý thống nhất, tất cả các hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi do doanh nghiệp tổ chức chuỗi chịu trách nhiệm; quy định cụ thể điều kiện của cơ sở tổ chức chuỗi và điều kiện của các nhà thuốc trong chuỗi.
Về quyền và trách nhiệm: Cơ sở tổ chức chuỗi quản lý toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc cung ứng, lưu thông, tồn trữ bảo quản thuốc và các dữ liệu của các nhà thuốc trong chuỗi; chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi. Để tương ứng với trách nhiệm trên, dự thảo cũng quy định quyền của cơ sở tổ chức chuỗi với những quyền lợi trực tiếp như: Được luân chuyển thuốc giữa kho trung tâm với các nhà thuốc và giữa các nhà thuốc có phạm vi kinh doanh tương đồng trong chuỗi. Việc luân chuyển thuốc do dược sỹ phụ trách chuyên môn của doanh nghiệp tổ chức chuỗi điều phối; Được luân chuyển người phụ trách chuyên môn của các nhà thuốc trong chuỗi và chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý chứ không cần làm thủ tục đề nghị cấp lại/ điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các quyền lợi này giúp cơ sở tổ chức chuỗi hoạt động linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng thuốc và chất lượng phục vụ.
Bên cạnh các quyền lợi trực tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc có thể có các quyền lợi phái sinh như đàm phán mua thuốc để cung cấp cho toàn bộ các nhà thuốc tỏng chuỗi với giá cả hợp lý; tạo dựng uy tín thương hiệu.