Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Việc xây dựng Bộ chỉ số FTA Index là hết sức quan trọng!
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Việc xây dựng Bộ chỉ số FTA Index là hết sức quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng, thực hiện Bộ chỉ số FTA (FTA Index) với kỳ vọng tạo động lực tăng cường quan tâm của các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc chia sẻ về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quan điểm của ông về điều này?
Với việc tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thêm nhiều điều kiện để bước vào sân chơi kinh tế quốc tế. Đặc biệt, việc thực hiện các cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.
Trong đó, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là doanh nghiệp Việt Nam đã có được cơ hội hiểu được luật thương mại quốc tế, rộng đường hơn trong tiếp cận với các tiêu chuẩn cao mà thị trường xuất khẩu đòi hỏi đối với từng mặt hàng hàng, sản phẩm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự ý thức và nhìn lại năng lực để thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, chủ động trong xây dựng chiến lược, giải pháp để phát triển đúng hướng; tự tin bước vào sân chơi kinh tế quốc tế rộng lớn.
Dù có nhiều thuận lợi xong kết quả tận dụng các FTA, trong đó có các Hiệp định như EVFTA, CPTPP, UKVFTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, theo ông do đâu?
Như chúng ta thấy, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp sớm bắt nhịp với thị trường quốc tế qua việc tăng cường đầu tư sản xuất để đảm bảo hàng hóa đạt giá trị cao hơn; nhưng cũng có những đơn vị, doanh nghiệp còn chần chừ, do dự vì lo sợ chi phí không đảm bảo.
Ngoài ra, sự hỗ trợ, đồng hành từ cơ quan quản lý còn mỏng so với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ bộ máy hành chính địa phương, năng lực của đội ngũ thực hiện công tác hội nhập, thực thi FTA còn hạn chế cũng như thiếu các chuyên gia hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác hội nhập kinh tế, tận dụng FTA.
Đơn cử, trong vấn đề phòng vệ thương mại, đa số doanh nghiệp Việt Nam rất lúng túng khi đối diện với các vụ việc, dẫn tới số vụ hàng hóa bị kiện gia tăng. Thậm chí, nhiều cơ quản quản lý cấp địa phương còn không biết ứng phó, xử lý như thế nào khi xuất hiện các vụ việc về phòng vệ thương mại.
Về hoạt động xuất khẩu, nhiều Sở ngành địa phương chưa dự đoán được quá trình biến động của thị trường, vòng đời sản phẩm… để gỡ khó và đảm bảo thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp; các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động lưu thông, bảo quản hàng hóa vẫn còn đứt đoạn.
Hay vấn đề thu hút đầu tư, dù nhiều địa phương có những chính sách, ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để nhà đầu tư “đứng chân” trên địa phương. Song cách thức triển khai từ bộ máy chính quyền là chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm khiến nhà đầu tư gặp khó về thủ tục, cấp phép kéo dài, văn hóa hợp tác chưa đạt yêu cầu.
Nhằm cải thiện mức độ tận dụng FTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai xây dựng Bộ chỉ số FTA (FTA Inex). Ông có đánh giá và kỳ vọng gì về bộ chỉ số này?
Thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan có sự chủ động và rất tích cực trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương thực hiện các FTA. Qua đó góp phần mang lại những kết quả rất ấn tượng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Việc xây dựng Bộ chỉ số FTA Index theo tôi là hết sức ý nghĩa, quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi chúng ta sẽ có được bộ công đo lường được mức độ tận dụng FTA của doanh nghiệp, cũng như mức độ hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Các chỉ số đo lường của FTA Index là tự kiểm tra, tự đánh giá, lấy ý kiến để giải quyết các vướng mắc. Do thực hiện đánh giá hàng năm, nên doanh nghiệp, địa phương thường xuyên có sự kiểm tra, rà soát các nhiệm vụ; tự “soi mình” về thực hiện, tận dụng FTA, từ đó có giải pháp cải thiện, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Chính sự cộng hưởng trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ và góp phần kiểm tra chéo, tăng liên kết ngang đối với các cơ quan thực thi; đồng thời tiếp tục mở đường thu hút nhiều FDI ngày càng nhiều hơn dựa trên năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, thông qua FTA Index, hệ thống pháp luật, văn bản, chỉ thị, quy định của Chính phủ, địa phương trong vấn đề thực thi FTA sẽ thông suốt; hỗ trợ tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, tức là duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, qua bộ chỉ số này, Chính phủ sẽ như nắm rõ hơn tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA của các địa phương để có những chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương; đồng thời có giải pháp, hỗ trợ gỡ khó kịp thời. Đây chính là lợi ích, tác động mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi đối với FTA Index.
Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Bộ Công Thương triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho năm 2023 trong đó tiếp thu các ý kiến đã nhận được từ các Bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia. Bộ Công Thương cũng sẽ mở rộng phạm vi điều tra và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa vào các phản biện đã nhận được trong giai đoạn khởi tạo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán Bộ chỉ số FTA Index cho việc thực thi của các địa phương trong năm 2023.