Chuyên gia Hoàng Tuấn Công: 'Hòn Trống Mái đang bị xâm phạm nghiêm trọng'

Theo ông Hoàng Tuấn Công, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, việc chỉnh trang khuôn viên tuy chưa đụng chạm trực tiếp đến Hòn Trống Mái, nhưng rõ ràng nó đã xâm phạm nghiêm trọng, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ vốn đã tồn tại hàng vạn, hàng trăm năm qua ở khu vực.

 Khuôn viên điểm du lịch Hòn Trống Mái sau khi được chỉnh trang.

Khuôn viên điểm du lịch Hòn Trống Mái sau khi được chỉnh trang.

Hòn Trống Mái là một danh thắng thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa của núi Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hòn Trống Mái chính là sự xếp đặt từ ba khối đá thiên nhiên đã có từ bao đời nay. Một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống hình dáng con gà trống; hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái.

Các khối đá được gắn với truyền thuyết về một mối tình chung thủy, đã cùng nhau chết trong một trân đại hồng thủy và được truyền từ đời này sang đời khác. Hòn Trống Mái độc đáo, hấp dẫn du khách bởi sự kỳ vĩ, nguyên sơ của tạo hóa.

Vừa qua, các cung đường quanh khuôn viên Hòn Trống Mái đã được thành phố Sầm Sơn “trang hoàng áo mới” với nhiều loài hoa đủ sắc màu để chuẩn bị cho Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái.

Được biết, Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái là một trong những chương trình lễ hội trọng điểm trong chuỗi 19 sự kiện văn hóa và thể thao sẽ được tổ chức xuyên suốt hè 2022 tại phố biển Sầm Sơn, góp phần nhanh chóng thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.

Điểm du lịch Hòn Trống Mái trước và sau khi được chỉnh trang

Điểm du lịch Hòn Trống Mái trước và sau khi được chỉnh trang

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng việc “thay áo mới” cho Hòn Trống Mái đang làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ vốn đã tồn tại hàng vạn, hàng trăm năm qua ở khu vực hòn Trống Mái.

Theo ông Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc thành phố Sầm Sơn làm sân lát đá, xây bậc ngũ cấp ốp đá xẻ, dựng uốn sắt thép hình trái tim, chăng đèn kết hoa, kết chữ... rồi tạo thành một cái sân khấu xung quanh để tổ chức cái gọi là "Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái” là cực rẻ tiền, thiếu thẩm mỹ và kém văn hóa.

“Tuy chưa đụng chạm trực tiếp đến hòn Trống Mái, nhưng rõ ràng nó đã xâm phạm nghiêm trọng, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ vốn đã tồn tại hàng vạn, hàng trăm năm qua ở khu vực Hòn Trống Mái”, ông Hoàng Tuấn Công viết.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cũng nhấn mạnh: “Nên nhớ Hòn Trống Mái không phải của riêng Thanh Hóa, càng không phải của riêng Sầm Sơn. Hòn Trống Mái là kỳ quan thiên nhiên của nước Việt. Rộng hơn nữa, nó là di sản không biên giới. Việc cải tạo, xâm hại cảnh quan hòn Trống Mái có thể khiến du khách bốn phương vĩnh viễn mất đi cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ nguyên sơ có một không hai này”.

Đồng quan điểm, họa sỹ Thành Chương - người đã tạo ra Việt phủ Thành Chương nổi tiếng hồ Kèo Cả, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cũng chia sẻ góc nhìn này. Ông viết "Buồn thật. Khổ là đa số dân mình lại thích kiểu này ạ".

Ông Hoàng Tuấn Công sinh năm 1970, tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học - khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Danh tiếng Hoàng Tuấn Công được nhiều người biết đến khi mổ xẻ, lôi ra “cả núi” sai sót trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam và cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt đã được xuất bản, sau đó buộc phải thu hồi và tiêu hủy.

Tiếp đó, ông lại gây chấn động dư luận khi chỉ ra nhiều sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang. Đến năm 2017, tác phẩm “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu” của ông Hoàng Tuấn Công được vinh danh ở giải sách hay. Thông qua công trình nghiên cứu này, ông đã chỉ ra nhiều sai sót trong cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-gia-hoang-tuan-cong-hon-trong-mai-dang-bi-xam-pham-nghiem-trong-20180504224267232.htm