Chuyên gia HSC: VN-Index vượt 1.500 điểm chỉ là vấn đề thời gian, điểm tên những nhóm ngành triển vọng
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Môi giới Khối Kinh doanh Khách hàng Cá nhân HSC đánh giá, với triển vọng kinh tế tích cực cùng việc thị trường chứng khoán đứng trước thềm nâng hạng, việc VN-Index vượt 1.500 điểm chỉ là vấn đề thời gian.
Ông đánh giá đâu sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối 2025 và các năm tới?
2025 được xem là một năm bản lề, mở ra “kỷ nguyên vươn mình” cho kinh tế Việt Nam. Theo mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế tại Đại hội VIII, Việt Nam phải bước vào một chu kỳ tăng trưởng “đại nhảy vọt”, để đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp tiên tiến, và đến 2045 là một quốc gia phát triển.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trung ương đã đồng thời ban hành những quyết sách quan trọng, được gọi là “bộ tứ trụ cột” bao gồm: Nghị quyết (NQ) 59 (hội nhập quốc tế); NQ 57 (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo); NQ 66 (cải cách pháp luật); NQ 68 (phát triển kinh tế tư nhân).

Ông Võ Văn Minh
Thứ nhất là hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 13 quốc gia lớn, đồng thời ký kết 17 hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới như: CP-TPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên TBD) hay EV-FTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) là hai hiệp định có phạm vi cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Điều đáng nói là, ngay cả những nền kinh tế quy mô lớn hơn như Ấn Độ hay Indonesia cũng chỉ đang ở bước đàm phán với EU, cho thấy vị thế của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể.
Thứ hai là đổi mới sáng tạo. Thế giới đang đứng trước một sự chuyển đổi lớn, những xu hướng công nghệ đang phác họa một tương lai đầy hứa hẹn mà cũng có thể làm thay đổi nhanh chóng cục diện kinh tế toàn cầu như: trí tuệ nhân tạo; điện toán lượng tử; công nghệ sinh học... Trong đó, chip bán dẫn được ví như “trái tim” của kỷ nguyên số, của các ngành công nghệ mới. Nên quốc gia nào làm chủ được công nghệ bán dẫn thì sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội trong tương lai.
Việt Nam đã ban hành NQ 57 để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học và kết hợp với các lợi thế quốc gia như: nguồn nhân lực số, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm để tham gia vào phân khúc cao hơn của ngành bán dẫn nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong tương lai, trở thành nước công nghiệp tiên tiến.
Thứ ba là cải cách hành chính. Từ ngày 1/7 vừa qua, việc tinh gọn bộ máy hành chính được triển khai quyết liệt, hướng đến một hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm đáng kể cả về vật chất lẫn thời gian cho nhà nước và người dân. Cải cách này được hỗ trợ bởi nền tảng số hóa dịch vụ công, sẽ tạo nên bước đột phá thực sự về hiệu quả vận hành.
Thứ tư là cởi trói cho kinh tế tư nhân (KTTN). NQ 68 khẳng định, KTTN là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một cú hích để khu vực KTTN có thêm không gian phát triển, từ đó thiết lập được vị thế xứng tầm trong nền kinh tế quốc dân. Khu vực KTTN vốn năng động nên với chính sách hỗ trợ đúng lúc sẽ giúp khu vực này thực sự tăng tốc.
Với nhiều kỳ vọng và nỗ lực chính sách, theo ông, năm nay Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% như Thủ tướng Chính phủ đặt ra hay không?
Về kinh tế năm 2025, ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Về đầu tư gồm hai nguồn chủ lực là đầu tư công và đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, đầu tư công đang được triển khai rất quyết liệt với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 36 tỷ USD theo kế hoạch ngân sách năm 2025. Đây là một lực đẩy rất mạnh nếu được giải ngân đúng tiến độ. Còn về đầu tư FDI, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy mức tăng trưởng khả quan đạt 21,52 tỷ USD, tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm trước, và nếu tiếp tục duy trì đà này thì sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng.
Động lực thứ hai là xuất khẩu. Trong nửa đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với một số “cơn gió ngược”, đặc biệt là rào cản thuế quan từ phía Mỹ. Dù vậy, kết quả vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ với mức tăng 14,4% trong 6 tháng đầu năm. Hiện Việt Nam và Mỹ đã thông báo kết thúc đàm phán về một số vấn đề liên quan, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ ràng, khiến triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên, nhờ lợi thế từ 17 FTA, Việt Nam hoàn toàn có thể đa dạng hóa thị trường và đối tác, từ đó kỳ vọng duy trì hoặc thậm chí cải thiện đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Động lực thứ ba là tiêu dùng trong nước. Mặc dù tiêu dùng đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng những tác động kéo dài từ đại dịch và giai đoạn siết chặt chính sách tiền tệ vẫn còn để lại ảnh hưởng. Việc kích cầu tiêu dùng đòi hỏi các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Các chính sách như giảm thuế VAT 2% hay hỗ trợ chi phí thuê tài sản là những tín hiệu tích cực. Hơn nữa, ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc, khách du lịch quốc tế tăng trưởng hơn 20% trong 6 tháng đầu năm, cũng góp phần thúc đẩy chi tiêu và tạo động lực cho tăng trưởng nội địa.
Nếu đầu tư công tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, đồng thời cải cách hành chính được thực hiện sát sao để đảm bảo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sớm vận hành ổn định, đồng bộ, liên thông dữ liệu nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thì mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2025 có thể đạt khoảng 7,8 - 8%. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7,52%, mức cao nhất trong 15 năm qua.
Soi chiếu về thị trường chứng khoán, với những động lực trên, triển vọng thị trường sẽ ra sao?
Về dài hạn, triển vọng thị trường gắn liền với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang đặt kỳ vọng GDP năm nay đạt 8%. Xa hơn, từ năm 2026, mục tiêu là tăng trưởng đạt hai con số và kéo dài trong một đến hai thập kỷ, hướng tới mô hình “tăng trưởng thần kỳ” như Hàn Quốc hay Nhật Bản từng trải qua.
Nếu nền kinh tế thực sự đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, chắc chắn TTCK sẽ tăng trưởng tương ứng, phản ánh quy mô và chất lượng nền kinh tế trong dài hạn.
Còn trong ngắn hạn, theo đánh giá của UBCKNN và nhiều tổ chức tài chính quốc tế, khả năng TTCK Việt Nam sẽ được tổ chức FTSE nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Việc được nâng hạng sẽ thu hút thêm sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế, từ đó tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường.
Với những yếu tố hội tụ hiện tại, việc VN-Index vượt mốc 1.500 điểm chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán đã tăng gần 30% trong thời gian ngắn thì có thể kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh, một nhịp chỉnh cần thiết để thị trường tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, theo ông, nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở những nhóm ngành nào?
Với đặc thù của kinh tế Việt Nam, nhóm ngành được xem là "cổ phiếu vua" vẫn là cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này luôn thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế, bởi hiệu suất lợi nhuận – đặc biệt là các ngân hàng lớn như: VCB, BID, CTG, MBB, thường duy trì được mức tăng trưởng tốt, kể cả trong những thời điểm kinh tế khó khăn.
Hiện tại, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở mức hợp lý (P/B chỉ 1,2 - 1,5). Khi Việt Nam tiến tới nâng hạng thị trường, dòng vốn ngoại sẽ tham gia mạnh hơn, khi đó nhu cầu đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng và giá cổ phiếu sẽ vận động tích cực hơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, nhất là các KCN phía Nam. Đây là khu vực gắn liền với các dự án lớn, tầm cỡ quốc tế như: Sân bay Long Thành và Trung tâm Tài chính quốc tế, trong đó TP.HCM là một trong hai trung tâm được định hướng phát triển. Với các lợi thế về trung tâm giao thương, cơ sở hạ tầng tốt… KCN phía Nam có nhiều lợi thế trong việc thu hút nhà đầu tư mới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu – như thủy sản và nông nghiệp cũng rất đáng chú ý. Trong thời gian tới, khi các cuộc đàm phán tiếp theo được triển khai, những nhóm ngành này có thể hưởng lợi từ các mức thuế kỳ vọng thấp hơn. Đây đều là những ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rõ rệt, trong khi định giá cổ phiếu hiện tại đang thấp hơn đáng kể so với cách đây 6 tháng.
Với xu hướng tăng điểm rất tích cực thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường đã xác định xu hướng tăng và muốn gia tăng đòn bẩy. Theo ông thời điểm này có thích hợp?
Hiện tại, có thể coi thị trường đang ở vùng quá mua, nhà đầu tư không nên sử dụng margin trong giai đoạn này. Thay vào đó, nhà đầu tư nên theo dõi và canh các nhịp điều chỉnh sâu để tham gia trở lại thị trường với vị thế tốt hơn. Việc sử dụng margin là một lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và chiến lược đầu tư rõ ràng. Nhà đầu tư cần được tư vấn kỹ và phải thực sự hiểu được rủi ro khi sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.