Chuyên gia hướng dẫn cách đối phó với mụn nhọt mùa hè
Tình trạng mụn nhọt thường dễ xuất hiện hơn khi thời tiết nắng nóng với điều kiện nhiệt độ và môi trường sống ô nhiễm. Các đối tượng dễ bị mắc mụn nhọt mùa hè là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên.
Nội dung:
1. Dấu hiệu nhận biết mụn nhọt mùa hè
2. Biến chứng nguy hiểm
3. Hướng dẫn điều trị đúng cách
PGS.TS.BS. Nguyễn Duy Hưng, Bệnh Viện Da liễu Trung ương cho biết: Mụn nhọt mùa hè xuất hiện nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu rõ tình trạng này. Mụn nhọt được biết là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông và chịu tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh, các tổn thương có thể to dần lên từ 2 đến 4 ngày.
1. Dấu hiệu nhận biết mụn nhọt mùa hè
Nhận biết mụn nhọt đơn giản như sau, mụn nhọt là tình trạng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng gây ra. Biểu hiện đầu tiên của tình trạng này là xuất hiện sẩn màu đỏ cấp tính ở nang lông sau đó sưng to dần lên và xuất hiện ngòi mủ.
Kích thước của nhọt có thể từ 1 đến 2cm và ở giữa có ngòi mủ hoại tử tổ chức. Ngoài ra, kèm theo đó có thể dễ dàng thấy tại vị trí nhọt xuất hiện tình trạng đau nhức, nóng.
Không chỉ vậy, nhọt có thể nhỏ và cũng có thể lan to ra xung quanh và sâu xuống dưới da. Đặc biệt, tiến triển của nhọt từ khi bắt đầu viêm đến khi khỏi có thể kéo dài khoảng 1 tuần. Nhọt thời gian đầu sẽ cứng, dần dần mềm rồi nhọt vỡ hoặc dò mủ và có nhiều trường hợp có thể để lại sẹo to.
Mủ của nhọt có màu vàng đặc và nhìn thấy ngòi mủ bám vào nang lông. Mụn nhọt có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, một vài vị trí thường xuyên xuất hiện mụn nhọt như: vùng râu cằm, sau gáy, vùng mông hoặc nách.
Mụn nhọt có thể gây biến chứng viêm quầng là nhiễm khuẩn lan rộng hoặc cũng có thể gây nguy cơ nhiễm khuẩn máu. Trong khi đó bệnh nhân thông thường chỉ từ 1 đến 2 nhọt nhưng có khi người bệnh có rất nhiều nhọt.
Được biết, nhọt là tình trạng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng và thường xuất hiện vào mùa hè.
2. Biến chứng nguy hiểm
Tình trạng mụn nhọt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm từ quanh vùng mặt, mũi miệng. Đây là những vị trí xuất hiện mụn nhọt thường gọi là đinh râu. Tình trạng nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt còn có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Cũng có trường hợp mụn nhọt có thể tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng còn được gọi là hậu bối. Khi các mụn nhọt này vỡ ra còn để lại các lỗ rò mủ như gương sen. Thực tế, hậu bối còn được biết đến là một biểu hiện nặng của nhọt và hay xảy ra ở những người bị bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể như lao, tiểu đường. Đặc biệt, hậu bối còn là biểu hiện nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Trong khi đó, nhọt ổ gà là những nhọt xuất hiện ở nách và xuất hiện các cục nhọt cứng, thường nhiều nhọt và có thể gây loét lâu lành do vị trí nhọt tại vùng nách luôn ẩm ướt. Ngoài ra, nhọt tại nách rất hay tái phát.
Khi mắc nhọt chỉ 1 đến 2 cái nhọt thì người bệnh sẽ không xuất hiện tình trạng sốt. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhiều nhọt hoặc bị đinh râu hay hậu bối thì người bệnh sẽ kèm theo sốt, mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu người bệnh sốt cao toàn thân thì cần theo dõi sát sao xem liệu có mắc các biến chứng nhiễm khuẩn huyết hay mắc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang hay không. Bởi vì, vi khuẩn cũng có thể theo đường máu và gây nhiễm ở van tim, khớp hoặc các xương dài và phủ tạng đặc biệt là thận. Trong đó, một số người bệnh bị tái phát nhiều lần đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường.
Lưu ý, đối với một số trường hợp người bệnh bị mụn nhọt mãn tính. Lúc này cần thăm khám để kiểm tra xem liệu người bệnh có bị ghẻ, chấy rận hoặc bệnh eczema hay không. Việc thực hiện xét nghiệm đường máu, đường niệu để phát hiện bệnh tiểu đường. Ngoài ra, cần xét nghiệm thêm vi trùng tại chỗ trong mũi của người bệnh và người sống cùng. Đối với các trường hợp có tụ cầu vàng cần sử dụng các dung dịch sát khuẩn để tránh gây tái phát mụn nhọt ở người bệnh.
3. Hướng dẫn điều trị đúng cách
Thực chất nếu mụn nhọt được chữa trị sớm bằng kháng sinh và chích rạch hợp lý sẽ nhanh khỏi. Đồng thời, việc điều trị mụn nhọt có sử dụng kháng sinh còn phù hợp với hiệu quả diệt tụ cầu và chích rạch khi nhọt đã chín giúp mụn nhọt nhanh lành.
- Các trường hợp nhọt mới xuất hiện, cần thăm khám bác sĩ da liễu để bác sĩ đưa ra hướng điều trị cũng như kê các loại thuốc bôi sát khuẩn hoặc mỡ kháng sinh.
- Người bệnh cần vệ sinh cơ thể bằng xà phòng sát khuẩn.
- Giữ vệ sinh môi trường sống.
- Bổ sung trong chế độ dinh dưỡng các loại vitamin, khoáng chất cần thiết.
- Hạn chế thực phẩm, đồ ăn có đường.
Đối với các trường hợp bị mụn nhọt mùa hè nhiều, nặng có nguy cơ gặp biến chứng nhiễm khuẩn lan rộng thì cần được sử dụng kháng sinh toàn thân.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng biện pháp kháng sinh đồ đối với những trường hợp điều trị mụn nhọt không đỡ để xác định được kháng sinh tốt nhất với vi khuẩn.
Lưu ý trong quá trình điều trị, chích nhọt là biện pháp nhanh khỏi nhưng cần cần trọng. Bản thân việc chích nhọt đối với mụn nhọt chỉ được thực hiện khi nhọt đã chín. Nếu cố tình chích nhọt khi mụn còn non có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng và gây nguy cơ nhiễm khuẩn máu.
Tình trạng mụn nhọt thường xuyên xuất hiện khi thời tiết nắng nóng và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Vì vậy, để phòng ngừa mụn nhọt hiệu quả cần vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân hằng ngày. Tùy vào từng đối tượng cụ thể, cần chăm sóc sức khỏe trong ngày hè đúng cách để phòng tránh mụn nhọt hiệu quả.