Chuyên gia huyết học chỉ ra 4 dấu hiệu thiếu máu nguy hiểm cần đặc biệt lưu tâm, đừng để quá muộn
Chuyên gia huyết học cho biết thiếu máu, thiếu dinh dưỡng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Do vậy, cần lưu tâm tới dấu hiệu để can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả.
Theo Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020, ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, có đến 60% trẻ thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt, thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm và ngược lại. Việc thiếu các vi chất điển hình tham gia vào quá trình tạo máu dẫn đến tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em, tình trạng này vẫn ở mức cao đáng quan tâm.
PGS.TS Dương Bá Trực, nguyên Trưởng khoa Huyết học lâm sàng - Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, thiếu máu dinh dưỡng gặp nhiều nhất ở trẻ mới sinh đến trẻ 5 tuổi. Do ở độ tuổi này trẻ thường gặp các vấn đề nhiễm trùng, biếng ăn. Đây cũng là nguyên nhân dễ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, đặc biệt là kẽm và sắt.
PGS Dương Bá Trực cho biết cha mẹ thường rất khó phát hiện trẻ thiếu các vi chất dinh dưỡng trong quá trình nuôi con. Nếu trẻ bị thiếu máu nhẹ thì sẽ không gây ảnh hưởng đến đời sống quá nhiều nhưng nếu thiếu máu kéo dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển thể lực do không đủ máu cung cấp oxy cho cơ thể. Trẻ thường có các biểu hiện mệt mỏi khi học, giảm trí nhớ, khả năng tư duy không thể bằng những trẻ không gặp tình trạng thiếu máu.
Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu sắt
Theo chuyên gia, dấu hiệu trẻ thiếu vi chất bao gồm:
- Dấu hiệu trên da và niêm mạc: Da xanh, lòng bàn tay nhợt, niêm mạc nhợt;
- Dấu hiệu thiếu oxy: Lừ đừ, kém tập trung khi làm việc hoặc học tập, kém vận động, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, thở nông, khó thở khi gắng sức...;
- Dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: Biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, môi khô, lưỡi láng, móng biến dạng - dẹt, có khía, tóc khô dễ rụng, dễ gãy... Trẻ dưới 2 tuổi chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng trưởng cân nặng, chiều cao,...;
- Dấu hiệu về đề kháng: Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, mắc các bệnh lý hô hấp do sức đề kháng kém.
Khi trẻ có những biểu hiện trên thì quá trình thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu máu đã diễn ra trong thời gian dài.
Trong quá trình chăm sóc trẻ để phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng, PGS Dương Bá Trực lưu ý các bậc cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Ở giai đoạn trẻ ăn dặm, trẻ cần được ăn dặm một cách toàn diện, đủ dinh dưỡng, đủ sắt, kẽm, protein, vitamin, tinh bột,...
Đặc biệt, trong thực đơn ăn uống, cha mẹ cần lựa chọn các loại thực phẩm giàu sắt, kẽm như: thịt bò, thịt lợn, gan, các loại hải sản cua ghẹ, hàu... và các loại rau có lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh, rau bina,...
Theo chuyên gia huyết học, trong một năm đầu nên đưa trẻ đi xét nghiệm máu ít nhất 2 lần để phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn như thiếu máu dinh dưỡng. Việc này rất ít bố mẹ để ý tới khiến cho trẻ rơi vào tình trạng thiếu máu, thiếu dinh dưỡng kéo dài, khi có dấu hiệu mới phát hiện ra thì trẻ đã phải gánh hậu quả.
Theo khuyến cáo sử dụng trong phác đồ "Thiếu máu dinh dưỡng trẻ em" do khoa khám tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát hành vào tháng 12/2021, cha mẹ nên bổ sung dự phòng kẽm và sắt cho nhu cầu hàng ngày với tỷ lệ cân bằng 1:1 để tránh việc thiếu hụt sắt, kẽm kéo dài, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ và phòng ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt (thiếu máu dinh dưỡng).
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tăng cường hoạt động thể chất, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, phát triển toàn diện.