Chuyên gia khuyến nghị: Một luật cần điều chỉnh cả hạ tầng, phương tiện và người lái

'Cần thận trọng khi tách luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ'. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức sáng 14/02.

Hội thảo thống nhất ý kiến về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Bởi, sau 14 năm thực hiện, luật đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế hiện nay. Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông và an toàn giao thông đường bộ của cả nước vẫn là điểm nóng nhất trong 05 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không. Theo một số chuyên gia, thận trọng; đồng thời rà soát kỹ để có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ, không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Hoạt động vận tải đường bộ được tạo nên bởi 4 thành tố rất quan trọng: quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện, kết cấu hạ tầng, phương tiện. Hiện nay có 5 phương thức vận tải hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ. 5 phương thức vận tải này có 5 luật điều chỉnh tương ứng. 5 luật này đều có kết cấu là có đầy đủ 4 thành tố này. Vậy tại sao chỉ có Luật Giao thông đường bộ tách làm hai?

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông-Vận tải Việt Đức: Từ góc độ về hệ thống an toàn giao thông, bao gồm hạ tầng, phương tiện và người lái thì một luật phải điều tiết cả 3 nội dung đó. Thế giới chứng minh rằng phải thực hiện cả 3 hệ thống an toàn như vậy thì mới hướng tới xã hội mà giao thông không tai nạn, thương vong. Chúng ta cũng nên đi theo hướng như vậy, thực tế đó đặt ra là chúng ta không cần thiết phải tách luật.

Liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu thay đổi sẽ gây ra sự xáo trộn lớn, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Bên cạnh đó, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc lĩnh vực dân sự nên một số chuyên gia cho rằng, nên để cơ quan dân sự đảm nhận.

Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia về một vấn đề liên quan đến tổ chức giao thông, đổi mới và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ./

Thực hiện : Diệu Linh Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chuyen-gia-khuyen-nghi-mot-luat-can-dieu-chinh-ca-ha-tang-phuong-tien-va-nguoi-lai