Chuyên gia kinh tế: Kiểm soát thị trường nông sản hiệu quả, minh bạch để phát triển xuất khẩu bền vững
phát triển xuất khẩu nông sản bền vững, Chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng cường kiểm soát thị trường nông sản một cách hiệu quả, minh bạch, chống tiêu cực nhũng nhiễu. Xây dựng ý thức tự giác trong kỉ luật sản xuất kinh doanh.
Quyết liệt tháo gỡ ùn ứ nông sản
Thời gian vừa qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc giáp với nước bạn Trung Quốc như Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)… đã gây nhiều thiệt hại trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Vào thời điểm ngày 25/12/2021, số xe nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu lên đến 5.759 xe.
Trước tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã phải gửi công văn đến các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo, khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông sản không thể “đường mòn lối mở” mãi
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu
Chú trọng liên kết vùng trong nông nghiệp, giúp nông sản thuận lợi "đầu ra"
Nguyên nhân chính do phía Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách "Zero COVID". Trong đó, có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh; lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.
Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì nhiều cuộc họp, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài chính-Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh … để kịp thời điều phối nông sản, thúc đẩy tiêu thụ trong nước.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Khắc Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam.
Đến ngày 8/1/2022, tổng số lượng xe tồn tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc là: 3.609 xe, giảm 2.150 xe (so với thời điểm ngày 25/12/2021 là 5.759 xe), trong đó tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 2.015 xe (giảm 2.189 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.260 xe (giảm 295 xe).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng với cơ quan chức năng của Trung Quốc (trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm…) để tạo điều kiện, thống nhất thời gian mở cửa; tăng thời gian làm việc tại khu vực cửa khẩu; mở lại một số cửa khẩu đã đóng… giúp giải quyết khó khăn trong xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/01/1950 - 18/01/2022) ngày 13/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”.
Ngay sau cuộc điện đàm, Thủ tướng đã chỉ đạo lập nhóm công tác tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới.
Có thể thấy rằng, từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc quyết tâm của các bộ ngành, địa phương, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu đã dần được tháo gỡ.
Vào thời điểm ngày 25/12/2021, số xe nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu lên đến 5.759 xe.
Phát triển nền sản xuất nông sản thực phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, những chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là rất kịp thời, toàn diện, giúp tháo gỡ ách tắc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu.
Theo ông Vũ Vinh Phú, câu chuyện ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu không phải là mới, đã diễn ra hàng chục năm nay khi vào vụ thu hoạch để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhất là xuất đi thị trường Trung Quốc.
“Năm nay là năm chúng ta bị thiệt hại nặng nhất trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, mặc dù chưa có thống kê nhưng con số đó chắc chắn là rất lớn. Tình hình này buộc các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân phải nhận thức đầy đủ và cần xem lại cách tổ chức, sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như thế nào vừa đảm bảo sản xuất ổn dịnh phát triển vững chắc, vừa tiêu thụ một cách khoa học hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất những tổn thất không mong muốn và không đáng có như đã xảy ra”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Nông sản quay đầu và những cuộc "giải cứu" lại được kêu gọi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu ra các vấn đề, đầu tiên đó là vấn đề thông tin về thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, việc thông tin cần đảm bảo một cách đầy đủ cả về số lượng, chất lượng, phương thức và thời gian giao hàng của nước bạn theo từng thời kì. Nhất là trong điều kiện có dịch và các nước khẩu hàng hóa ngày càng siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Điều thứ hai là cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề thị trường. Theo ông Vũ Vinh Phú, đối với thị trường trong nước 98 triệu dân, rất nhiều tiềm năng về sức mua ngày càng tăng lên nhất là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm, một thị trường mà doanh nghiệp bán lẻ các nước luôn mong muốn thâm nhập nhiều hơn, mạnh hơn để tổ chức phân phối và nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ. Tương tự các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng có xu hướng phát triển như vậy để mở rộng bán hàng trực tiếp và online đang có cơ hội phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Để phát triển xuất khẩu nông sản bền vững, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã đưa ra các giải pháp như: Trước hết, cần làm tốt công tác quy hoạch sản xuất hàng Việt theo tín hiệu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu đi các nước bố trí các kho dự trữ chiến lược, các nhà máy chế biến sâu các nông sản thực phẩm để đảm bảo tiêu thụ và xuất khẩu một cách chủ động và đạt các tiêu chuẩn đề ra.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Thứ hai là, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hạ tầng thương mại bao gồm cả hệ thống giao thông, logistics, các chợ đầu mối, các trung tâm và sàn giao dịch hàng hóa, thực hiện việc kiểm dịch nông sản tại chỗ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, tăng cường kiểm soát thị trường nông sản một cách hiệu quả, minh bạch, chống tiêu cực nhũng nhiễu. Xây dựng ý thức tự giác trong kỉ luật sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến thương mại cung cấp thông tin thị trường giá cả, phát huy vai trò của các đại diện thương mại ở các nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh, khen thưởng những thương hiệu làm ăn tử tế, trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm là, tiếp tục các cải cách hành chính, bổ sung các chính sách về đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, giảm chi phí cho quá trình sản xuất khinh doanh ...
“Làm được những điều kể trên sẽ góp phần vào việc phát triển một nền sản xuất nông sản thực phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao đem lại hiệu quả cho người sản xuất và phục vụ đắc lực cho tiêu dùng xã hội, giữ uy tín cho thương hiệu và nâng cao hiệu quả khi hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.