Chuyên gia kinh tế Trương Ngũ Thường: 'Cần tăng lạm phát để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc'
Ngày 8/12, Chuyên gia kinh tế Trương Ngũ Thường đã đăng một bài trên weibo, đưa ra gợi ý về vấn đề kinh tế Trung Quốc hiện tại, từ lý thuyết hàm tiêu dùng, ông hiến kế chủ động đẩy lạm phát lên.
Luận điểm gây tranh cãi
Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Trương Ngũ Thường, (tên tiếng Anh Steven Ng-Sheong Cheung), sinh năm 1935 ở Hong Kong, lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế ở Đại học California, Los Angeles (UCLA) hiện sống ở Quảng Châu là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng. Ông được coi là “một trong những công thần quan trọng trong công cuộc cải cách mở cửa, thúc đẩy kinh tế thị trường của Trung Quốc”. Ông nổi tiếng với các bài phân tích kinh tế về chính sách mở cửa của Trung Quốc sau những năm 1980.
Trong bài viết đăng trên weibo và được đăng lại trên nhiều trang tin tức, ông Trương Ngũ Thường viết: “Tôi cho rằng biện pháp đơn giản nhất chính là quan điểm do nhà kinh tế người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế Milton Friedman đề ra cách đây 50 năm. Ngoài việc không hạn chế giá bất động sản, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cần nhanh chóng đẩy tỷ lệ lạm phát hàng năm lên khoảng 6%, sau đó điều chỉnh nó thành 4%, rồi duy trì tỷ lệ lạm phát 4% cho đến khi nền kinh tế tổng thể có sự phát triển toàn diện và khả quan”.
Luận điểm này đã thu hút sự quan tâm và cả những tranh cãi. Một số người lo ngại rằng việc đẩy lạm phát lên không những không giúp gì cho đà phục hồi kinh tế mà còn cướp đi tài sản của các gia đình bình thường. Nhưng cũng có một số người cho rằng có thể học theo biện pháp mà chính phủ Mỹ từng áp dụng trong năm ngoái, phát tiền cho các hộ gia đình để kích thích tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng lên, sau đó ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát và giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm", tránh tình trạng giảm phát kéo dài.
Theo ông, “Đẩy lạm phát để cứu nền kinh tế” là một phương pháp tưởng chừng đơn giản và thô thiển nhưng rất có giá trị đáng bàn luận và đã có ít nhất 10 giải Nobel Kinh tế xung quanh chủ đề này.
Ông Trương Ngũ Thường muốn giải quyết vấn đề tỷ lệ lạm phát quá thấp trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Ông mượn quan điểm của Milton Friedman: “Ông ấy nhiều lần nói với tôi rằng tỷ lệ lạm phát từ 2% đến 5% là tốt cho một nền kinh tế, dưới 2% là hơi xấu và giảm phát là tai họa. Friedman đề ra ‘debt–deflation theory’ (lý thuyết giảm phát nợ) là một điểm đề cập quan trọng."
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel người Mỹ Milton Friedman (Ảnh: Zhihu).
3 giả thuyết về tăng lạm phát
Theo ông, có ba vấn đề được đặt ra ở đây: Thứ nhất, liệu Trung Quốc có rơi vào “vòng xoáy nợ - giảm phát” hay không? Thứ hai, việc chủ động đẩy lạm phát lên có lợi hay có hại cho nền kinh tế? Thứ ba, bằng cách nào có thể đẩy lạm phát lên để thúc đẩy phục hồi kinh tế?
Theo ông, Trung Quốc hiện chưa rơi vào “vòng xoáy nợ-giảm phát”, nhưng do vay nợ quá mức kết hợp với giá cả sụt giảm nên các điều kiện hình thành không ngừng mạnh lên. Đây là điều cần hết sức lưu tâm.
Trương Ngũ Thường bắt đầu từ lý thuyết hàm tiêu dùng của Milton Friedman. John Maynard Keynes, một nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, cho rằng tiêu dùng là một hàm số của thu nhập hiện tại; Friedman lại cho rằng tiêu dùng là một hàm số của sự giàu có. Năm 1957, Friedman đưa ra giả thuyết thu nhập lâu dài trong "Thuyết về hàm số tiêu dùng", cho rằng hành vi tiêu dùng không được quyết định bởi thu nhập tạm thời có được một cách tình cờ, mà bởi thu nhập có tính lâu dài, tức là tiền tiết kiệm trong quá khứ, thu nhập hiện tại và kỳ vọng trong tương lai.
Theo ông, về mặt giải quyết các vấn đề thực tế, không có sự khác biệt cơ bản giữa Friedman và Keynes. Chủ trương của Friedman toàn diện hơn và có thể khái quát thành một câu, là “tăng thêm sự giàu có thực tế của các gia đình”. Có thể thấy rằng việc chủ động đẩy lạm phát lên là "bề ngoài" và việc gia tăng tài sản thực tế của gia đình là "bên trong".
Vậy lạm phát sẽ được đẩy lên bằng cách nào?. Theo giả thuyết có ba cách: Đầu tiên, Ngân hàng Trung ương phát hành tiền nhiều quá mức bình thường, chính phủ vay một lượng tiền lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khi quy mô tiền lên tới con số khổng lồ nó tràn ra thị trường và gây ra lạm phát. Đây là một cách tồi tệ: khủng hoảng tỷ giá gia tăng, khủng hoảng nợ chính phủ gia tăng, thu nhập thực tế của người dân không tăng, tài sản các hộ gia đình giảm đi do lạm phát, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, nó cũng gây ra sự lãng phí tài nguyên trên quy mô lớn.
Cách thứ hai là ngân hàng trung ương phát hành nhiều tiền, chính phủ vay tiền để phát tiền cho các hộ gia đình nhằm kích thích tiêu dùng, nền kinh tế và giá cả phục hồi, sau đó ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Cách tiếp cận này có cả ưu và khuyết: ưu điểm là cứu bảng cân đối kế toán của hộ gia đình và tránh được cuộc đại suy thoái, nhưng có thể gây ra lạm phát lớn. Tuy nhiên, cách này tốt hơn việc vay vốn quy mô lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Cách thứ ba, ngân hàng trung ương không cần phát hành tiền quá mức, chính phủ chuyển doanh thu tài chính cho các hộ gia đình thông qua cắt giảm thuế và phát tiền mặt để thúc đẩy tiêu dùng, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Theo lý thuyết tiền tệ của Friedman, việc tăng giá do phương pháp này gây ra là không phải lạm phát thực sự. Theo ông, rõ ràng, đây là cách tốt nhất.
Vì vậy, đẩy lạm phát lên không phải là mấu chốt, mấu chốt là tăng tài sản thực tế của các hộ gia đình - phù hợp với lý thuyết hàm tiêu dùng của Friedman, tài sản hộ gia đình quyết định tiêu dùng.
Chủ trương thúc đẩy lạm phát gia tăng để cứu kinh tế của ông Trương Ngũ Thường gây nên các phản ứng trái chiều (Ảnh: am730)
Chuyên gia tiếp thị thương hiệu Yên Bằng Phi cho biết có thể tóm tắt ngắn gọn các quan điểm chính sách của ông Trương Ngũ Thường: Thứ nhất, tiền tệ không trung tính, chính phủ và ngân hàng trung ương phải luôn hành động và duy trì hiệu quả. Thứ hai, quốc gia là một thị trường phòng ngừa rủi ro; trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, sứ mệnh của chính sách tài chính và tiền tệ là phòng ngừa rủi ro cho người dân; nhiệm vụ của chính sách tài chính và tiền tệ là cứu và bảo vệ bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình. Thứ ba, chỉ có một chính phủ cạnh tranh mới có thể hoạt động hiệu quả và cần phải duy trì định hướng thị trường và tính cởi mở.