Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Chúng ta đang ở 'ngã ba đường' khi thực thi Hiệp định EVFTA'
Hiệp định EVFTA được ví như 'đại lộ' nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trùng với những ngày đầu thực thi, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, điều này khiến những doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong thời điểm xuất phát.
Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi riêng với Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
+ Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8, nhưng thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, liệu điều này có tác động đến việc thực thi Hiệp định EVFTA, thưa ông?
- Hiệp định EVFTA không phải là “cây đũa thần” để cứu nguy nền kinh tế, mặc dù có đến 80% mặt hàng được hưởng thuế nhập khẩu khi đưa sang thị trường EU giảm xuống bằng 0%. Tuy nhiên, với mức thuế giảm như vậy thì lượng hàng hóa của Việt Nam phải bán được sang EU, còn nếu không bán được do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì dù mức thuế có giảm 100% thì cũng không có ý nghĩa gì cả.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu.
Để được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, hàng Việt Nam phải đáp ứng được quy định của EU. Chẳng hạn hàng dệt may kỳ vọng được hưởng thuế quan 0% ngay lập tức, tuy nhiên với điều kiện của thị trường EU lại khắt khe hơn Hiệp định CPTPP, đó là thay vì đáp ứng những quy định từ sợi trở đi thì giờ đây ngành dệt may phải đáp ứng quy định từ vải trở đi. Có nghĩa vải để ngành Dệt may Việt Nam chế biến ra hàng may mặc phải “xuất thân” từ các thành viên của Liên minh châu Âu hoặc chế tạo ở Việt Nam. Hoặc vải phải được chế tạo và mua tại các thành viên EVFTA cộng với 2 quốc gia không phải là thành viên trong liên minh EU, nhưng họ cũng có những Hiệp định tương tự với Liên minh EU đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, vải phải mua từ những nước đó mới được hưởng ưu đãi còn nếu vải nhập từ Trung Quốc thì không được. Đây là điểm khó và là điều đầu tiên mà Việt Nam phải tuân thủ nếu muốn xuất hàng sang EU.
Do đó, Hiệp định EVFTA mới chỉ mở ra một “chân trời” mới, nhưng để đi được đến đó hay không phụ thuộc rất nhiều điều kiện, trong đó việc thị trường hiện nay có nhu cầu hay không rất quan trọng. Tuy nhiên, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hiện tại, nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa từ EU giảm xuống rất sâu bởi hầu hết nền kinh tế 27 nước của Liên minh châu Âu đều bị ảnh hưởng của đại dịch.
EVFTA chỉ mới là một khuôn khổ, một cái khung cho Việt Nam các ưu đãi nhưng trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam có bán hàng được hay không, đó mới là quan trọng. Còn nếu hàng Việt Nam không bán được thì thuế có giảm 100% cũng không có ý nghĩa gì.
+ Ông đánh giá như thế nào về chất lượng hàng Việt Nam trên thị trường EU, liệu về lâu dài hàng Việt Nam có trụ được trước yêu cầu và sức cạnh tranh của các đối thủ khác?
- Về chất lượng, hàng hóa Việt Nam có một số hàng chất lượng cao như: Dệt may hay nông sản, thế nhưng cũng có nhiều loại hàng Việt Nam có chất lượng thua các nước khác rất nhiều. Chẳng hạn như mặt hàng gạo, mặc dù chất lượng của Việt Nam rất cao nhưng khi cạnh tranh với hạt gạo Thái Lan rất khó.
Bản thân tôi đã từng ở châu Âu trên mười năm và thấy thị trường này cũng tràn ngập hàng nước ngoài. Việt Nam không phải “một mình một chợ” ở EU mà tất cả các quốc gia khắp thế giới đều bán hàng ở EU. EU là thị trường lớn thứ hai của thế giới, thị trường lớn nhất là Mỹ. Ngoài ra còn có hàng của Thái Lan, các nước Nam Mỹ và các nước trong vùng Đông Nam Á. Hàng Nam Dương của Indonesia tràn nhập ở EU, đặc biệt ở Hà Lan, thành ra ở thị trường EU bản thân các doanh nghiệp Việt Nam gặp sự cạnh tranh rất ráo riết.
Hiệp định EVFTA hỗ trợ để tăng tính cạnh tranh bằng cách miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam nhờ đó giá của Việt Nam rẻ hơn. Nhưng đối với người châu Âu cứ không phải giá rẻ là mua mà họ chú ý rất nhiều vào chất lượng. Ở thị trường EU tập trung tất cả những mặt hàng thuộc hạng cao cấp bởi 500 triệu dân ở đây là những người sung túc có nhiều tiền, thành ra họ không đi tìm chọn hàng rẻ mà đi tìm hàng chất lượng cao nhất. Họ sẵn sàng trả giá ở mức cao, cho nên việc miễn thuế trong Hiệp định EVFTA chỉ giúp một phần nào, chứ không phải đưa hàng Việt Nam lên cạnh tranh ở hàng số một ở EU.
+ Đa phần doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị liên kết EVFTA đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế có nhiều ý kiến quan ngại rằng, những doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều “trục trặc” trong quá trình thực thi, đặc biệt về vấn đề chống bán phá giá. Theo ông, đây có phải là vấn đề đáng quan ngại nhất không?
- Về vấn đề chống bán phá giá thì đúng, trong thực tế mình cũng xảy ra nhiều vụ kiện về chống bán phá giá tại Mỹ hay Liên minh châu Âu. Vì thế các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nếu phía doanh nghiệp Việt Nam để một mặt hàng nào đó bị kiện vì vi phạm điều khoản chống bán phá giá thì những quy định trong Hiệp định EVFTA không còn hiệu lực. Tất cả các ưu đãi từ EU cũng sẽ bị dừng lại vì một loại hàng của Việt Nam bị đưa ra tòa vì bị chống bán phá giá.
Việt Nam có thể mất thị trường ngay trên “sân nhà”nếu không chú trọng đến nhu cầu nội địa.
+ Trong bối cảnh này, thị trường nội địa có cơ hội thể hiện vai trò của mình, vậy ông đánh giá như thế nào về nhu cầu của thị trường nội địa và giải pháp “thoát hiểm” cho ngành xuất khẩu thời điểm này là gì, thưa ông?
- Trở lại thị trường nội địa nhằm tăng cầu nội địa để tiêu thụ những sản phẩm mà đáng lẽ Việt Nam đã xuất khẩu được, nhưng tại thời điểm dịch Covid-19 vẫn “cản trở” nên bị tồn đọng lại. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa Việt Nam có hạn chế rất lớn bởi GDP bình quân đầu người năm 2019 khoảng 3.000 USD/người, trong khi EU GDP bình quân cao hơn Việt Nam 10 lần. Chính vì GDP của Việt Nam thấp, cho nên có thể bán ở thị trường nội địa nhưng rất hạn chế. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 lên 517 tỷ USD trong khi GDP của Việt Nam chỉ ở mức 267 tỷ USD.
Như vậy, khi xuất khẩu chiếm gấp đôi GDP của Việt Nam, cho thấy Việt Nam bán rất nhiều hàng hóa ra ngoài. Nếu hàng hóa này không bán được trên thị trường thế giới mà phải quay trở lại thì thị trường nội địa cũng chỉ hấp thụ rất rất “khiêm tốn”. Tại vì sức mua trong nước yếu, thành ra giải pháp quay lại với thị trường nội địa là rất đúng, nhưng khả năng hấp thụ của thị trường nội địa với tất cả hàng hóa mà Việt Nam sản xuất ra còn hạn chế, cho nên đây chỉ có thể là một trong nhiều giải pháp khác để phát triển nền kinh tế và nền ngoại thương Việt Nam.
+ Theo ông, với mức GDP vênh nhau gấp 10 lần thì liệu Việt Nam còn giải pháp nào để hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA nhưng vẫn giữ được thị trường nội địa?
- Việt Nam đang đứng ở cái ngã 3 đường, với Hiệp định CPTPP và EVFTA có một thị trường rộng lớn, nhưng EVFTA không phải là “cây đũa thần” để giải quyết vấn đề kinh tế Việt Nam. Đây chỉ là một giải pháp tăng cường hỗ trợ. Chính vì thế, Việt Nam không thể nào tập trung quá nhiều vào thị trường EVFTA mà phải trở lại với thị trường nội địa.
Với các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, những doanh nghiệp xuất khẩu, dĩ nhiên là họ sẽ tìm cách len lỏi để khai thác thị trường EVFTA nhưng không chỉ tập trung vào một thị trường nhất định mà phải khai thác những thị trường khác nữa. Bởi vì, hiện nay cả Liên minh châu Âu đang bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19, thành ra nhu cầu tiêu thụ của EU đối với hàng hóa Việt Nam giảm rất nhiều. Do đó, Việt Nam không thể tập trung nhiều vào thị trường EVFTA một cách quá nhiều.
Về phía nhà sản xuất Việt Nam cũng phải chú trọng đáp ứng nhu cầu nội địa bởi vì nếu bỏ qua nhu cầu nội địa để đến lúc các nhà xuất nhập khẩu EU tràn vào Việt Nam, dần dần họ sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa. Do hàng hóa của thị trường EU chất lượng rất tốt, nếu sản xuất với quy mô lớn thì giá bán sẽ rất rẻ. Lúc đó, Việt Nam có thể mất ngay thị trường của mình chính trên “sân nhà”, trong khi thị trường thế giới của Việt Nam còn rất hạn chế. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cẩn trọng.
+ Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)