Chuyên gia lên tiếng về kết quả khảo sát lớp 12 Hà Nội: 'Không nên vội vã đổ lỗi'

Kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 năm học 2024-2025 tại Hà Nội vừa công bố cho thấy gần 32% bài thi dưới điểm trung bình, gây ra nhiều lo ngại.

Gần 32% bài thi khảo sát lớp 12 dưới điểm trung bình

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố năm học 2024-2025 diễn ra từ ngày 21 đến 23/3 với sự tham gia của hơn 118.000 học sinh từ các trường THPT và TT GDNN - GDTX. Học sinh đã thực hiện hai bài kiểm tra bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với hai môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp, Công nghệ định hướng nông nghiệp và tiếng Anh.

Đề thi được xây dựng chung bởi Sở GD&ĐT Hà Nội. Đánh giá chung từ Sở cho thấy, kết quả khảo sát năm nay có phần thấp hơn so với năm học trước. Một trong những nguyên nhân ban đầu được chỉ ra là sự khác biệt giữa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 về cấu trúc, nội dung và hình thức thi.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 năm nay có phần thấp hơn so với năm học trước.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 năm nay có phần thấp hơn so với năm học trước.

Số lượng bài thi đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) lên tới 148.003 bài, chiếm tỷ lệ gần 32% tổng số bài thi. Đáng chú ý, một số môn có tỷ lệ bài thi dưới trung bình đặc biệt cao như Toán (51,69%), Địa lý (51,42%), Sinh học (50,41%) và Ngữ văn (34,03%). Kết quả này đã dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng giáo dục, phụ huynh và học sinh, đặt ra những câu hỏi về lỗ hổng kiến thức, phương pháp dạy học, tác động của chương trình mới và sự chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Cần phân tích đa chiều

Trước những lo ngại này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhận định, đây là con số đáng chú ý, nhưng cần một cách tiếp cận bình tĩnh, đa chiều để tìm hiểu căn nguyên, thay vì vội vàng quy trách nhiệm, đặc biệt là cho chương trình giáo dục mới. "Kết quả của một kỳ khảo sát chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, đòi hỏi một cái nhìn toàn diện và thận trọng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh đề xuất cần xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh sau:

Thứ nhất, chất lượng khâu ra đề. Cần đánh giá xem đề thi có đảm bảo tính khoa học, phù hợp với năng lực học sinh và bám sát chương trình học hiện hành hay không? Mức độ phân hóa của đề thi đã hợp lý để đánh giá đúng trình độ của học sinh chưa?.

TS. Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành bậc THPT. Sự thay đổi về nội dung, cấu trúc chương trình và phương pháp dạy học có thể là một yếu tố cần được cân nhắc. Cấu trúc đề thi khảo sát cũng có thể có những điều chỉnh so với các năm trước, gây khó khăn cho học sinh.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT).

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT).

Thứ hai, hiệu quả của quá trình tổ chức dạy và học. Phương pháp giảng dạy ở các trường đã thực sự phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh hay chưa? Việc truyền đạt kiến thức và rèn luyện kỹ năng có đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới hay không?

Thứ ba, sự khác biệt về chất lượng giáo viên. Cần có sự đánh giá về sự chênh lệch trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên giữa khu vực nội thành và ngoại thành trong việc tiếp cận và triển khai chương trình giáo dục mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của học sinh.

Thứ tư, so sánh với các tỉnh thành khác. Việc đối chiếu kết quả khảo sát của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước sẽ cung cấp một bức tranh khách quan hơn về tình hình chung. Liệu đây có phải là vấn đề riêng của Hà Nội hay là một xu hướng chung trong bối cảnh triển khai chương trình mới?".

Cuối cùng, vai trò của Bộ GD&ĐT. TS. Vinh cho rằng, cơ quan khảo thí của Bộ cần có những nghiên cứu, phân tích sâu về kết quả này và đưa ra những chỉ đạo cụ thể cho các địa phương. Vụ Giáo dục Trung học phổ thông cũng cần vào cuộc để đánh giá và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời.

TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, mục đích chính của khảo sát chất lượng là để nhận diện những điểm cần cải thiện và rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy và học. Ông cũng lưu ý rằng, không nên vội vàng so sánh kết quả của đợt khảo sát này với kết quả đánh giá chất lượng của các năm học trước, bởi bối cảnh và mục tiêu của các kỳ đánh giá có thể khác nhau.

"Điều quan trọng nhất lúc này là sự bình tĩnh, khách quan và tinh thần cầu thị để cùng nhau phân tích, tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững", TS. Hoàng Ngọc Vinh cho biết.

Các trường THPT của Hà Nội dẫn đầu điểm khảo sát lớp 12 năm 2025

Theo số liệu do Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp, dẫn đầu danh sách 10 trường THPT có điểm trung bình cộng kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố cao nhất là Trường THPT chuyên Chu Văn An với 7,53 điểm.

Đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Trường THPT Kim Liên (7,5) và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (7,46).

Các vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là: Nguyễn Tất Thành, chuyên Nguyễn Huệ, Yên Hòa, Lê Quý Đôn - Đống Đa, Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung - Đống Đa và Lê Quý Đôn - Hà Đông.

Trong top 20 có thêm các trường THPT: Nguyễn Gia Thiều, Thăng Long, Việt Đức, Lương Thế Vinh, Nhân Chính, chuyên Sơn Tây, Liên Hà, Cao Bá Quát (Gia Lâm) và Ngọc Hồi.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-len-tieng-ve-ket-qua-khao-sat-lop-12-ha-noi-khong-nen-voi-va-do-loi-169250409104743293.htm