Chuyên gia: 'Lòng tham là gốc rễ của thảm họa SVB'

Giới quan sát cho rằng nguồn cơn của thảm họa SVB là một vấn đề mang tính hệ thống. Huyền thoại đầu tư Michael Burry chỉ trích nhiều người đã chấp nhận 'rủi ro một cách ngớ ngẩn'.

Ngành ngân hàng Mỹ vừa chứng kiến vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử. Nhưng theo một số nhà phân tích, cuộc khủng hoảng của Silicon Valley Bank (SVB) không phải một sự cố đơn lẻ. Gốc rễ của thảm họa này nằm ở vấn đề mang tính hệ thống hơn.

"Ai là người chịu trách nhiệm ở đây? Tôi nghĩ đó là lòng tham và sự hám lợi từ lâu đã cắm rễ ở Thung lũng Silicon. Và giờ họ phải trả giá cho điều này", CNBC dẫn lời ông Keith Fitz-Gerald - người đứng đầu Fitz-Gerald Group - nhận định.

Tính tới đầu tuần trước, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ. Với 40 năm hoạt động, nhà băng này được coi là nguồn vốn đáng tin cậy của các startup công nghệ và đầu tư mạo hiểm.

Số phận đã được định đoạt từ lâu

Trở lại tháng 3/2021, SVB gặp phải một vấn đề mà những đối thủ khác phải ganh tị. Đó là các khách hàng của ngân hàng này đổ xô gửi tiền.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%.

Nhưng bên dưới phần nổi của tảng băng là những cơn sóng ngầm. Trong thời kỳ tiền gửi tăng trưởng nhanh, SVB ồ ạt mua các trái phiếu dài hạn và né được mọi sự kiểm soát nhờ những quy tắc về kế toán.

Khi lãi suất tăng lên, các khách hàng khát vốn của SVB ồ ạt rút tiền, buộc ngân hàng này phải bán lỗ chứng khoán để gia tăng thanh khoản.

 Tính tới đầu tuần trước, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong giới startup công nghệ. Ảnh: Reuters.

Tính tới đầu tuần trước, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong giới startup công nghệ. Ảnh: Reuters.

Với sự cố vấn của Goldman Sachs Group, SVB quyết định bán lỗ khoản đầu tư và huy động thêm 2,25 tỷ USD. CEO Greg Becker đã kịp bán 3,6 triệu USD cổ phiếu của ngân hàng chưa đầy 2 tuần trước khi SVB công bố khoản lỗ tỷ USD.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các cơ quan quản lý đã làm ngơ những vấn đề của SVB. Chiến lược của ngân hàng này dựa vào tiền gửi của doanh nghiệp, thay vì cá nhân, và nắm giữ đa số tài sản dưới dạng các gói vay và chứng khoán. Điều đó khiến rủi ro của SVB lớn hơn nhiều những nhà băng khác.

Một số người lập luận rằng sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ lòng tham của ban lãnh đạo. Các khoản nắm giữ của nhà băng này rất dễ tổn thương với lãi suất dài hạn, vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của Fed.

Lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng tới giá chứng khoán, từ đó thiêu rụi niềm tin của người gửi.

Chấp nhận rủi ro một cách ngớ ngẩn

Theo ông Michael Cembalest - Chủ tịch chiến lược thị trường và đầu tư của J.P. Morgan, SVB đã "tạo ra một phân khúc riêng biệt và rủi ro hơn các ngân hàng khác", với tỷ lệ khoản vay cộng chứng khoán trên tiền gửi cao, trong khi tỷ lệ tiền gửi cá nhân thấp.

Ông cho rằng ngân hàng này đã "tự tạo ra những khoản thiếu hụt vốn tiềm tàng lớn nếu lãi suất tăng, tiền gửi bị rút ra và buộc phải bán tài sản".

Còn ông Fitz-Gerald cho rằng đây là hệ quả của một lỗi sai mang tính hệ thống, thay vì chính ngân hàng. Ông chỉ trích các cơ quan quản lý liên bang và bang "không chỉ đồng lõa mà còn nhúng tay vào việc tạo ra mớ hỗn độn này".

"SVB đã làm những gì họ cần làm, trong một hệ thống của các quy tắc có vấn đề. Do đó, với tôi, đó là một hệ thống tệ hại và cần được xem xét lại", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Những kẻ đầy kiêu ngạo và tham lam chấp nhận rủi ro ngớ ngẩn, rồi thảm bại. Tiền sau đó lại được bơm ra. Vì cách làm này rất hiệu quả

Nhà đầu tư huyền thoại Michael Burry

Nhà đầu tư huyền thoại Michael Burry cũng chỉ trích lòng tham và “rủi ro ngớ ngẩn” trong lĩnh vực này. "Năm 2000, 2008 hay 2023, mọi thứ vẫn giống nhau", ông Burry bình luận.

Tên tuổi của ông Burry đã được gây dựng nhờ ván cược ngược vào thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn vào năm 2008.

"Những kẻ đầy kiêu ngạo và tham lam chấp nhận rủi ro một cách ngớ ngẩn, rồi thảm bại. Tiền sau đó lại được bơm ra. Vì cách làm này rất hiệu quả", ông chỉ trích.

Trong khi đó, ông Fitz-Gerald không cho rằng sự sụp đổ của SVB, khủng hoảng trên thị trường công nghệ và tiền mã hóa giống hồi năm 2008. Ông cũng nhận thấy rủi ro lây lan thấp hơn nhờ sự can thiệp khẩn cấp của các cơ quan quản lý liên bang.

"Rủi ro lây lan đã giảm đáng kể khi FDIC, Fed và Bộ Tài chính Mỹ vào cuộc", ông nhận định.

"Nhưng đến giờ, chúng ta vẫn không biết rủi ro đối tác nằm ở đâu. Họ phải ngăn chặn điều này và hành động ngay lập tức", ông Fitz-Gerald nhận xét.

"Bản thân tôi rất kinh ngạc khi những điều này vẫn được phép xảy ra trong hệ thống hiện tại. Các cơ quan quản lý đã ở đâu? Các kiểm toán viên đã ở đâu?", ông nhấn mạnh.

"Tôi cho rằng cần đặt ra những câu hỏi thực sự nghiêm túc về cách thức hoạt động của hệ thống xếp hạng. Tại sao các nhà băng này vẫn được phép mua tài sản, khi đáng lẽ phải đảm bảo tiền gửi của mình?", ông đặt câu hỏi.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-long-tham-la-goc-re-cua-tham-hoa-svb-post1411629.html