Chuyên gia lưu ý 'cơn sóng ngắn' của tăng trưởng kinh tế TPHCM
Tháng 4, kinh tế TPHCM ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán lẻ, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đây là hiệu ứng từ đại lễ và khó bền vững nếu không có chiến lược dài hạn.
Tại phiên họp thường kỳ sáng 8/5 của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm, Sở Tài chính cho biết nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20%. Doanh thu du lịch đạt 76.581 tỷ đồng, tăng 27,5%; lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,31 triệu lượt, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực khác cũng ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực: vận tải hành khách công cộng tăng 15,6% với hơn 183 triệu lượt khách; xuất khẩu tăng 9,07%, đạt 16,1 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,9%; FDI đạt 1,506 tỷ USD, tăng mạnh 64,6%.
Dù các chỉ số tăng trưởng tạo tín hiệu lạc quan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá vẫn còn những vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm rất mạnh tới 34,6%, vốn đăng ký giảm 52,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 7,2%, phản ánh sự e ngại trong đầu tư và kinh doanh của khu vực tư nhân.

Hoạt động bán lẻ và dịch vụ của TPHCM tăng trưởng mạnh trong tháng 4/2025. Ảnh: Đào Phương
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 7,2% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước.
Tại phần thảo luận, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng mức tăng trưởng trong tháng 4 có đóng góp phần lớn từ hai đại lễ, đặc biệt là lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
“TPHCM đã tổ chức đại lễ bài bản, an toàn và hiệu quả, đồng thời gắn kết các hoạt động kích cầu du lịch, thương mại, văn hóa - từ đó tạo ra lực đẩy mạnh cho ngành dịch vụ”, TS. Huy Vũ đánh giá.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Đây có thể chỉ là cơn sóng ngắn. Nếu thành phố không kịp thời triển khai chiến lược dài hạn và cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng sẽ không được duy trì”.
Ông Vũ cũng lưu ý, mức tăng trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hiện tại là tạm thời, phần lớn nhờ các doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian 90 ngày trước khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Không thể dùng số liệu tháng 4 để khẳng định công nghiệp và xuất khẩu đã phục hồi. Ngược lại, việc nhập khẩu từ Trung Quốc giảm là dấu hiệu cho thấy đơn hàng mới còn yếu, TPHCM đang trong giai đoạn cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu”, ông nói.
Đánh giá tổng quan về triển vọng, TS. Huy Vũ cho hay sau khi TPHCM được tái lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh, thành, đây chính là "cơ hội của tương lai". Tuy nhiên, để nắm bắt được làn sóng đầu tư, TPHCM cần chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng, ít nhất là trong hai tháng tới.
Liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhận thấy các doanh nghiệp xuất khẩu tại TPHCM đang trong trạng thái "lừng khừng".
Theo số liệu tháng 4/2025, lĩnh vực xuất khẩu có sự tăng trưởng, tuy nhiên đây là "tăng nhanh, tăng vội" để vượt qua áp lực của thuế đối ứng, giải phóng hàng hóa. Ngược lại, các doanh nghiệp đối tác tại Mỹ cũng tăng cường mua gom để né thuế cao.
"Chính phủ hai nước đang triển khai đàm phán về mức thuế đối ứng này. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chuyển đổi từ 'made in Vietnam' sang 'made by Vietnam', ông Hoan nhấn mạnh.