Chuyên gia lý giải nguyên nhân sạt lở ở Đà Lạt và dấu hiệu nhận biết

Với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp mà xây dựng các công trình cao 4-5 tầng cheo leo bám vào vách taluy cao 30 mét thì sớm muộn gì sức đè của công trình cũng sẽ khiến nơi đây bị sạt lở.

Đà Lạt ngập liên tục vì nước không có chỗ thấm

Khoảng 2h sáng 29/6, một bờ taluy bằng bê tông cốt thép cao khoảng 30m, dài 20m, tại một con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã đổ sập, vùi lấp nhà cửa, tài sản và một số người dân. Theo thông tin ban đầu, thời điểm này, mọi người đang ngủ bỗng choàng thức giấc bởi tiếng động rất mạnh, như tiếng nổ. Cùng lúc, đất đá, bờ taluy bê tông cốt thép phía trên cao đổ ập xuống. Hàng trăm mét khối đất đá đã đè lên, vùi lấp một căn nhà, gây gãy ngang một căn biệt thự rộng khoảng 100m2, làm hư hỏng một số căn nhà kề đó.

Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, ngoài vị trí trên, trong tối qua, trên địa bàn các phường 10, 3, 4, 5... còn xảy ra nhiều điểm sạt lở khác. Trước đó, tối 28/6, tại TP Đà Lạt có mưa lớn kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ.

Căn nhà đổ sập do sạt lở ở Đà Lạt rạng sáng nay.

Căn nhà đổ sập do sạt lở ở Đà Lạt rạng sáng nay.

Trước đó, cơn mưa chiều 23/6 đã khiến nhiều khu vực Đà Lạt ngập nặng trong khoảng 30 phút. Nước rút đi rất nhanh sau đó nhưng để lại nỗi hoang mang. Theo UBND TP Đà Lạt, trận ngập lần này nhỏ hơn trận ngập vào tháng 9-2022. Điểm ngập đáng lưu ý nhất là đoạn cuối đường Phan Đình Phùng, tuy nhiên khu vực này chỉ ngập trong khoảng 30 phút ở khoảng 100m mặt đường.

Theo TS Lâm Ngọc Tuấn, Đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chưa công bố hệ số thấm của nội ô Đà Lạt nhưng bằng mắt thường, có thể thấy không có mảng xanh, đất trống xen kẽ trong các khu vực dân cư, vùng trung tâm Đà Lạt. Khi mưa lớn xảy ra một cách cực đoan, nước không thấm, thoát dần ở vùng cao mà đổ dồn xuống vùng thấp thì hệ thống thoát nước và suối sẽ không chịu nổi và gây ngập.

Cả một đô thị lớn nhưng vùng cảnh quan xen kẽ không có, nền đất cỏ đã thay thế bằng bê tông thì dễ hiểu có mưa là sẽ ngập. Trong phạm vi trung tâm Đà Lạt, tôi khẳng định hệ số thấm của đất tiệm cận mức 0, do đó việc ngập mỗi khi mưa lớn sẽ còn xuất hiện. Hoặc hiện tượng này sẽ gây áp lực rất lớn lên chính quyền thành phố trong việc giải quyết nó lẫn những hậu quả ngắn hạn.

Tình trạng ngập lụt đô thị ở Đà Lạt xảy ra trong vài năm gần đây ngày một nghiêm trọng và với tần suất ngày càng cao nhưng chưa thấy giải pháp quy mô và có tính tương lai bài bản nào được đưa ra. Trong khi đó, dân số tiếp tục đà tăng, mật độ xây dựng bê tông hóa sẽ ngày càng cao, diện tích nông nghiệp nhà kính không giảm, sức nén khu trung tâm ngày càng lớn trong khi hệ thống điều tiết nước các hồ nhân tạo, hạ tầng xử lý thoát nước không hứa hẹn theo kịp... sẽ là nguyên nhân dẫn đến việcạy cảm và yếu ớt trước thiên tai, thời tiết cực đoan hơn bao giờ hết.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, nhìn vào hiện trường vụ sạt lở có thể thấy hoặc chủ đầu tư quá tham, hoặc tư vấn thiết kế xây dựng quá kém. Với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp mà xây dựng các công trình cao 4-5 tầng cheo leo bám vào vách taluy cao 30 mét thì sớm muộn gì sức đè của công trình cũng sẽ khiến nơi đây bị sạt lở. Với các công trình này cần phải khoan cọc nhồi sâu tới tầng đá vỉa thì may ra công trình trụ được.

"Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này. Hãy nhường không gian cho tự nhiên tự vận hành theo quy luật của nó. Cãi thiên nhiên ắt sẽ nhận thiệt hại về mình", TS Huy nói.

Nhận biết các dấu hiệu sắp sạt lở

Dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra nhưng để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là "bài toán khó" không chỉ với Việt Nam mà cả các nước có công nghệ dự báo tiên tiến trên thế giới. Với Việt Nam, khó khăn này là do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, sạt lở thường xảy ra khi sườn dốc bị sũng nước, thông thường sau các trận mưa lớn, kéo dài dầm dề. Đất đồi núi nói chung thường mang lẫn đá, sét. Đây là loại đất dễ bị bão hòa do có các khe mạch rỗng bên trong. Đặc biệt là những nơi không còn cây cổ thụ, thảm rừng nghèo. Đây là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Người dân sinh sống ở các chân đồi, núi, xây dựng các công trình tựa vào sườn đồi… có nguy cơ cao nhất bị sạt lở đất do kết cấu kháng lực của đồi đã bị phá vỡ phía chân. Khi mưa kéo dài, tốt nhất là nên di tản để tránh thiệt hại. Các tỉnh miền Trung, Quảng Ngãi và Quảng Nam là những nơi có nhiều điểm trượt lở nhất, sau đó là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, khi xảy ra mưa lớn, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạt… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Do đặc điểm địa lý, miền Trung là "rốn lũ" của nước ta. Cụ thể, miền Trung nước ta là nơi "giao tranh" của các hình thế thời tiết cực đoan như không khí lạnh tương tác với địa hình, bão độ bộ/ảnh hưởng. Dải hội tụ nhiệt đới tương tác với địa hình và nguy cơ tăng lên gấp bội khi có sự kết hợp của nhiều hình thế cùng một lúc như không khí lạnh, bão-áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, vùng áp thấp cùng tương tác với địa hình.

Chuyên gia cảnh báo, sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác với các đợt mưa lớn dài ngày.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-sat-lo-o-da-lat-va-dau-hieu-nhan-biet-169230629105343014.htm