Chuyên gia lý giải số đột biến cao 'chưa tiền lệ' của Omicron
Biến thể Omicron có thể là hậu quả của việc lây nhiễm chéo tràn lan ở nhiều loài động vật trước khi nhiễm vào cơ thể người, lý giải cho số đột biến cao 'chưa tiền lệ' và bất thường trong cấu trúc của nó.
Vẫn chưa có kết luận chính thức về các đặc điểm liên quan đến biến thể Omicron. Tuy nhiên, sau khi quan sát chiều hướng lây lan và cấu trúc của biến thể Omicron, một số nhà khoa học đưa ra nhận định nhiều khả năng Omicron là kết quả của quá trình virus biến đổi và sinh sôi đột biến trong cơ thể vật chủ là động vật, chứ không phải cơ thể người như suy đoán thời gian qua.
Omicron sẽ chưa phải là biến thể cuối cùng xuất phát từ động vật
Cụ thể, theo lời TS Kristian Andersen thuộc Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) trao đổi với chuyên trang y khoa Stat News thì thông thường các loại mầm bệnh sẽ lan truyền trong các quần thể động vật rồi sau đó đột biến và lan sang người. Virus SARS-CoV-2 nếu đúng với giả thuyết có nguồn gốc lây từ động vật sang người thì cũng đã phát triển theo lộ trình này. Với hiện tượng biến thể Omicron, virus bằng cách nào đó lây sang lại vật chủ động vật, đột biến và phát triển thành biến thể này, rồi tiếp tục quay lại cơ thể người.
“Tôi biết có nhiều người cho rằng Omicron phát triển trong cơ thể của một bệnh nhân nào đó có hệ miễn dịch đặc biệt suy yếu nhưng thật sự tôi cho rằng kịch bản nó (Omicron) đi từ người sang động vật rồi lại sang người như vậy khả dĩ hơn. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy biến thể này có những đột biến và cấu trúc rất khác thường” - TS Andersen nói.
Tuần trước, nhiều chuyên gia cho biết Omicron có tới hơn 40 đột biến trong protein gai - bộ phận giúp virus bám vào tế bào người, trong khi biến thể Delta chỉ có 17.
Đồng quan điểm, GS Andrew Rambaut thuộc ĐH Edinburgh (Anh) chia sẻ rằng SARS-CoV-2 thuộc loại virus có thể lây lan ra nhiều động vật khác nhau, cả vật nuôi lẫn hoang dã và có thể tự đột biến để lây thêm ra nhiều loài hơn. Virus SARS-CoV-2, chủng gốc phát hiện ở Trung Quốc hồi đầu năm ngoái không lây nhiễm trong các loài gặm nhấm nhưng các biến thể Alpha, Beta, Delta sau đó đều lây được.
“Càng lây nhiễm chéo giữa nhiều loài thì virus càng có thêm nhiều điều kiện để đột biến theo hướng không thể lường trước được và khi lây ngược lại con người thì hậu quả khó lường. Chúng ta có lẽ nên thử nghiên cứu theo hướng này và thí nghiệm lên một số loài động vật để xem có thể tìm được mẫu virus có cấu trúc tương tự Omicron không” - GS Rambaut gợi ý.
Cũng theo chuyên gia này, nếu virus SARS-CoV-2 thực sự có thể lây nhiễm qua lại giữa các loài dễ dàng như vậy thì thế giới cần phải chuẩn bị để đối phó với thêm nhiều biến thể đột biến trong động vật rồi lây sang người trong tương lai. Dĩ nhiên, các biến thể này không phải lúc nào cũng nguy hiểm nhưng với những gì đang diễn ra với biến thể Omicron thì “chúng ta phải luôn cảnh giác và liên tục điều chỉnh vaccine để khắc chế virus” - theo GS Rambaut.
Nguy cơ Omicron vượt Delta, thống trị toàn cầu đầu năm sau
Bàn thêm về vấn đề vaccine, hàng loạt hãng dược lớn như Pfizer (Mỹ), AstraZeneca (Anh) hay Moderna (Mỹ) đều đã tuyên bố bắt đầu nghiên cứu, bào chế vaccine mới nhằm đối phó biến thể Omicron và sẽ cho ra thành phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo BS Leong Hoe Nam thuộc BV Mount Elizabeth Novena (Singapore), việc có được vaccine ngừa Omicron sớm tới tay người dân là chuyện rất khó xảy ra vì vaccine phát triển thành công là một chuyện, còn sau đó các hãng dược phải tiến hành thử nghiệm thêm nhiều tháng nữa để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả bảo vệ.
“Với một biến thể lây lan mạnh như Omicron, trong giai đoạn chỉ chừng 3-6 tháng là đủ để nó trở thành biến thể thống trị và lây lan khắp toàn cầu. Do đó, tôi phải nói thẳng là thế giới có nguy cơ sẽ chìm trong cơn dịch do Omicron gây ra vào đầu năm sau và tình trạng quá tải hệ thống y tế lại tái diễn, ngay cả khi chỉ 1%-2% dân số nhập viện” - đài CNBC dẫn lời ông Leong cảnh báo.
Do đó, BS Leong khuyến nghị các nước đừng chỉ kỳ vọng quá nhiều vào vaccine chuyên nhắm Omicron mà cần nhanh chóng hoàn tất hai mũi tiêm tiêu chuẩn cho dân, đồng thời triển khai tiêm tăng cường càng nhanh càng tốt. Hiện chưa ai khẳng định chính xác Omicron có thể kháng các loại vaccine hiện tại và kháng tới đâu; và BS Leong cho rằng vaccine, đặc biệt các liều tăng cường trong bối cảnh hiện tại vẫn sẽ giúp bảo vệ mọi người.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nghiêm túc duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang nơi công cộng và giữ khoảng cách với người xung quanh. Những biện pháp này đặc biệt cần thiết với người dân ở những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp.•
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron. Hãng dược Sinopharm đang đánh giá lại hiệu quả của vaccine hiện có của hãng trước biến thể mới.
Ông Trịnh Trọng Vĩ, người đứng đầu nhóm phụ trách phát triển vaccine của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trao đổi với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 2-12
Mỹ công bố chiến lược chống dịch cho giai đoạn cuối năm
Ngày 2-12, Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược đối phó đại dịch COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron xâm nhập đến ba bang của Mỹ, hãng tin Reuters cho biết.
Cụ thể, khách quốc tế phải thực hiện và có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 một ngày trước khi lên máy bay vào Mỹ, bất kể tình trạng tiêm chủng. Mỹ cũng kéo dài quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông công cộng đến ngày 18-3.
Các công ty bảo hiểm y tế tư nhân bồi hoàn 100% chi phí cho việc xét nghiệm COVID-19 tại nhà, chi phí các loại thuốc không kê đơn. Chính quyền cũng sẽ cung cấp thêm 50 triệu bộ kit xét nghiệm miễn phí thông qua các phòng khám nông thôn và các trung tâm y tế cho những người không có bảo hiểm.
Theo lời ông Biden, “chúng ta sẽ chiến đấu với biến thể này bằng khoa học và tốc độ, chứ không phải sự hỗn loạn và nhầm lẫn”.