Chuyên gia lý giải vì sao lãi vay cao; cổ phiếu vua vẫn hấp dẫn; nợ xấu kẹt vì thiếu thị trường

Ngân hàng cấp tập tăng vốn phòng thủ rủi ro, chuyên gia lý giải lãi vay vì sao vẫn cao, xử lý nợ xấu ì ạch vì thiếu thị trường, ngân hàng được truy cập 'mỏ vàng dữ liệu... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Dọn dẹp tài khoản rác, ngân hàng phân loại chủ tài khoản đáng ngờ, khách hàng hưởng lợi

Các ngân hàng đang phân loại tài khoản theo mức độ sạch, cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ. Còn nhiều tiện ích khác mà khách hàng hưởng lợi khi ngân hàng được khai thác “dầu mỏ” dữ liệu dân cư.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào hoạt động của mình.

Mặc dù ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số nhiều năm nay, song nếu không có kho dữ liệu sạch, chính xác, ngân hàng cũng sẽ khó tự tin đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ số. Cơ sở dữ liệu dân cư được coi là kho vàng, kho “dầu mỏ” mới, là nguồn tài sản vô giá với các ngân hàng.

“Ngành ngân hàng có 2 loại tài sản lớn, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất, đó là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, có người gọi là “dầu mỏ”. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, dữ liệu này đang được tăng lên từng ngày. Ngành Ngân hàng “canh tác” trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước. Dữ liệu được đánh thức cũng giống như con hổ được đánh thức sẽ tạo ra những đột phá cho ngành Ngân hàng, trở thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.

Lãnh đạo Vietinbank cho hay, dữ liệu hiện tại của các ngân hàng không hoàn toàn sạch nên có nhiều điểm còn bất cập như: với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân, giao dịch viên khó phát hiện giả mạo bằng mắt thường. Có những trường hợp kẻ gian thuê nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng chính tài khoản đó để gian lận, phạm tội…

Chính vì vậy, căn cước công dân gắn chop cùng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư ra đời đã mở ra cho NH một cách thức làm sạch nhanh, rộng, hiệu quả và chính xác. VietinBank cho biết, nhờ sự phối hợp với C06 - Bộ Công An và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, dữ liệu khách hàng tại VietinBank đang được làm sạch. Hiện nay, ngân hàng cũng phân loại tài khoản theo mức độ sạch, gắn tích xanh tài khoản, cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ.

Với các tài khoản mở mới, ngân hàng sẽ kết nối dữ liệu với C06 để đối chiếu thông tin ngay từ đầu, giúp ngân hàng có được kho dữ liệu khách hàng định danh xác thực đầy đủ. Ngoài ra, ngân hàng cũng thu thập thông tin sinh trắc học để đảm bảo tính chính xác cao nhất trong quá trình đối chiếu, định danh khách hàng. Khi làm sạch dữ liệu, để đảm bảo xác thực được chính xác khách hàng, trong quá trình giao dịch sử dụng đảm bảo người giao dịch là chủ tài khoản và tránh các trường hợp thuê mướn tài khoản, thì việc thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học đóng vai trò rất quan trọng.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, khi dữ liệu của khách hàng được làm sạch và chuẩn hóa, ngân hàng sẽ dọn dẹp được tài khoản rác, từ đó ngăn chặn được tình trạng lừa đảo (tài khoản mở bằng giấy tờ tuy thân giả, thue emowr tài khoản…). Qua đó, sẽ tạo được niềm tin của người dân về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an làm sạch 25 triệu dữ liệu khách hàng và đang tập trung làm sạch 26 triệu dữ liệu khách hàng còn lại.

Việc tiếp cận kho dữ liệu dân cư không chỉ giúp các ngân hàng làm sạch dữ liệu, quan trọng hơn là từ việc làm sạch dữ liệu sẽ giúp ngân hàng chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. Hiện nay, rất nhiều ngân hàng lớn đang tiên phong thử nghiệm ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch ngân hàng, trong đó có Agribank.

Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 01 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao.

“Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào”, ông Tơn cho biết.

Nếu ứng dụng này được triển khai chính thức, không chỉ Agribank mà hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn của Agribank đang được hưởng lợi nhờ thủ tục, thời gian giao dịch được rút ngắn tối đa.

Tương tự, Vietcombank cũng đang tận dụng kho dữ liệu dân cư để phát triển dịch vụ, sản phẩm mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với sự hỗ trợ từ cơ sở dữ liệu dân cư, ngân hàng có thể cung ứng các giải pháp cho vay, phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn trên môi trường điện tử. Thời gian cấp tín dụng trên môi trường điện tử thậm chí giảm xuống chỉ còn vài phút.

“Vietcombank xác định phát triển cho vay/phát hành thẻ tín dụng online sẽ là một trong những sản phẩm chính của công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới. Trên bình diện xã hội, việc đơn giản hóa các khoản vay và thẻ tín dụng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, giúp người dân được hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cuộc sống, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đẩy mạnh chi tiêu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Oanh nhận định.

Mặc dù vậy, để có thể nhanh chóng tận dụng hiệu quả từ kho dữ liệu dân cư vào hoạt động chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, NHNN và các cơ quan khác cần điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan để phù hợp với đặc thù của cấp tín dụng trên môi trường điện tử.

Thiếu nhà đầu tư ngoại, nợ xấu đang “đá qua đá lại” giữa các ngân hàng

Chuyên gia IFC cho rằng, hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu.Thực tế, nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa. Ở Việt Nam, chúng ta đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến này vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bản trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC”, ông Darryl Dong nhận định.

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam

Theo chuyên gia này, Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện nay, Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

Để xử lý triệt để vấn đề nợ xấu, đại diện IFC cho rằng, đây là lúc Việt Nam “phất cờ” xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. IFC đưa ra 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi).

Thứ nhất, cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong tham gia giải quyết nợ xấu. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.

Thứ hai, về xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, là nút chặt khiến các tổ chức phi ngân hàng không muốn tham gia mua bán nợ.

Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: "Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước.Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý”.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cũng cần các quy định rõ ràng hơn trong mở cửa thị trường.

“Các nhà đầu tư chỉ chuyên đầu tư, vì thế hãy mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư vào đầu tư thị trường nợ xấu Việt Nam. Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu: Ngân hàng lo “hấp hối mới được gọi bác sĩ”

Muốn thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC) để xử lý nợ xấu song theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được thành lập AMC khi nợ xấu trên 3%. Quy định này được ví như “hấp hối mới được gọi bác sĩ”.

Nợ xấu đang tăng nhanh và vẫn tiếp tục tăng trong khi hành lang pháp lý xử lý nợ xấu còn quá nhiều vướng mắc là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Mặc dù dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đã bổ sung một chương về xử lý nợ xấu song theo các chuyên gia, điều này cũng chỉ có ý nghĩa tương tự như gia hạn thêm Nghị quyết 42/2017/QH14. Thực tế, xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc mà dự thảo luật chưa đề cập tới.

Phát biểu tại Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)" tổ chức sáng nay, 17/5, nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu, ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, cùng với cho vay, xử lý nợ xấu là một phần công việc của ngân hàng.

Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là hoạt động chuyên biệt, cần nhiều nguồn lực, năng lực có chuyên môn để xử lý. Và các công ty quản lý nợ, khai thác tài sản (AMC) là một trong số đó. Các công ty AMC có năng lực tốt có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu cho nhiều TCTD, cho toàn ngành chứ không phải chỉ riêng cho TCTD sở hữu. Tuy nhiên, hiện chỉ một số ngân hàng có công ty AMC, trong khi việc thành lập AMC tại một vài TCTD khác đang gặp vướng mắc, bao gồm cả quy định về điều kiện xin cấp phép. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%.

Bình luận về quy định này, một số chuyên gia cho rằng, nếu để nợ xấu trên 3% mới được lập công ty AMC thì không khác gì để hấp hối mới được gọi bác sĩ.

Bên cạnh nội dung trên, nhiều ngân hàng cũng phản ánh vướng mắc liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 như thủ tục rút gọn, tài sản đảm bảo liên quan tới các vụ án, định giá nợ xấu…

Sau hơn 5 năm ban hành Nghị quyết 42, tòa án các cấp vẫn chưa áp dụng được thủ tục rút gọn với bất kỳ trường hợp nào dù hồ sơ đề nghị từ phía ngân hàng rất nhiều.

Tuy vậy, ngay cả với thủ tục thông thường, ngân hàng cũng chật vật trong xử lý nợ xấu. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng ACB cho hay, thời gian gần đây, các tranh chấp rất đời thường có xu hướng phát sinh, ví dụ: tranh chấp giữ chủ cũ và chủ mới, tranh chấp giữ bên tặng và bên nhận, tranh chấp do tài sản đã được mang đi thế chấp nhưng chủ tài sản lại bán vi bằng cho người khác… Rất nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng đang đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, tháng 8/2021, TAND tối cao ban hành công văn số 02 giải đáp các vướng mắc cho các TCTD về bên thứ 3 có ngay tình hay không và xử lý hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không. Khi có những tranh chấp thì tòa sẽ thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các TCTD và có đơn yêu cầu thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu rất cao.

Thực tế, ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp đều được thực thi theo đúng quy định pháp luật. Tài sản trong lúc thế chấp có sự thay đổi nhưng trong thỏa thuận ngay từ đầu với khách hàng, quy định quyền xử lý tài sản trên đất đều thuộc về ngân hàng. Song thực tế, ngân hàng chỉ được phát mãi quyền sử dụng đất mà không thể xử lý tài sản trên đất phát sinh.

Việc định giá nợ xấu để bán cũng rất khó khăn với các ngân hàng. Ông Phạm Văn Phòng, Phó giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng Quân đội cho hay, hiện nay về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng không dám. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ như vậy cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

“Thậm chí ngân hàng có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm. Bán đấu giá bán nợ cũng là biện pháp ưu tiên cuối cùng khi các biện pháp khác không xong”, ông Phòng cho biết.

Lãi suất tiết kiệm rầm rộ giảm nhanh, chuyên gia lý giải vì sao lãi vay hạ chậm

Thêm nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hạ lãi suất huy động, trong khi tốc độ lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Các chuyên gia lý giải nguyên nhân.

Bắt đầu từ cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động với sự dẫn đầu của khối ngân hàng thương mại nhà nước (big 4). Theo đó, lãi suất giảm mạnh ở tất cả kỳ hạn.

Theo đó, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tại Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chỉ còn 5,1%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng giảm về 5,8%/năm, giảm 0,3-0,4%/năm so với tuần trước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% về mức 7,2%/năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng loạt ngân hàng cũng nhập cuộc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, nguồn vốn dư thừa. Từ tuần trước, Techcombank giảm thêm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5. VPBank, TPBank cũng giảm lãi suất 0,15-0,2% cho một số kỳ hạn.

Hiện lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn là: 8%/năm (VPBank), 7,6%/năm (Techcombank), 7,5%/năm (MB).

Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất đang thuộc về ABBank với 8,8%/năm, VietABank (8,7%/năm), VietBank và GPBank (8,5%/năm)…

Lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 - 1,7% ở tất cả kỳ hạn.

Như vậy, lãi suất huy động giảm tới gần 3%/năm so với cuối năm 2022 và đặc biệt giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua sau khi Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7,0% trong năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh song lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, ngoại trừ nhóm ngân hàng big 4.

Lý giải về câu chuyện lãi vay chưa hạ nhiệt nhanh bằng lãi suất tiết kiệm trong 4 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã phải trả lãi suất tiền gửi rất cao cho các khoản tiền gửi vào quý IV/2022 nay đến kỳ đáo hạn.

Theo TS. Cấn Văn lực, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng năm ngoái là 3,5%, cao hơn mức 3,2% năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, NIM các ngân hàng dự báo sẽ quay về mức năm 2021. Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu giảm lãi suất, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tung ra các gói vay lãi suất rẻ, vừa để kích cầu tín dụng, vừa để duy trì mục tiêu lợi nhuận của mình.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay trên thị trường hạ cần phải có độ trễ của chính sách do mỗi tổ chức tín dụng trước đó đều phải huy động với lãi suất cao, và mỗi ngân hàng có mức giảm khác nhau tùy thuộc vào giá vốn huy động đầu vào và năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Tại báo cáo được Ngân hàng Nhà nước gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, nên ROA và ROE của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.

Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng.

Ngân hàng cấp tập tăng vốn phòng thủ rủi ro, ứng phó các biến cố

Hệ số An toàn vốn (CAR) còn khá mỏng, trong khi rủi ro của kinh tế trong nước và thế giới đang tăng nhanh khiến các ngân hàng thương mại đang khẩn trương tăng vốn để tăng sức chống chịu, sẵn sàng đối phó với các biến cố.

Nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ sụp đổ và hàng chục ngân hàng khác đứng trước nguy cơ đổ vỡ là hồi chuông cảnh báo với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tại Việt Nam, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng đã khỏe hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, song CAR còn thấp.

Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối quản lý tài sản VNDirect, CAR của các ngân hàng khá mỏng so với khu vực. CAR của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước mỏng hơn ngân hàng TMCP tư nhân do thường phải chia một phần cổ tức tiền mặt, thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn như ngân hàng TMCP tư nhân.

Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (big 4), CAR mỏng nhất là Agribank. Dư nợ cho vay lớn và tăng khá mạnh hàng năm kéo theo tổng tài sản tăng, trong khi vốn điều lệ gần như “đứng im” nhiều năm, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng này sụt giảm mạnh. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, Agribank đang rất khát vốn, nếu chậm một nhịp nữa, Ngân hàng sẽ rất khó khăn trong đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

Trước nguy cơ “thủng” lưới an toàn vốn của Agribank, tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét chủ trương cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Không đến mức căng thẳng như Agribank, song CAR của Vietcombank, VietinBank và BIDVđang khá thấp và đang thấp thỏm chờ các cơ quan chức năng phê duyệt tăng vốn.

Chưa có số liệu cập nhật hệ số CAR của các ngân hàng TMCP tại thời điểm hiện nay. Theo số liệu mới nhất, tại thời điểm cuối năm 2022, CAR tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là 9,04% và của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 12,29%. Tại nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan…, CAR trung bình dao động 17-22%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho Vietcombank, BIDV, VietinBank. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong tháng 5/2023, Vietcombank sẽ chia cổ tức 18,1% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 55.891 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang chờ các cơ quan chức năng thông qua phương án tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã khởi động ở bước thuê tổ chức tư vấn.

Trong năm nay, BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Năm nay, VietinBank cũng lên kế hoạch tăng vốn lên 66.030 tỷ đồng.

Số liệu của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 2/2023, nhóm big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) chiếm hơn 50% thị phần tín dụng của cả nước. Tuy nhiên, vốn điều lệ của nhóm này chỉ bằng 38% vốn điều lệ của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.

Nếu các phương án tăng vốn sớm được phê duyệt, vốn điều lệ của nhóm big 4 sẽ tăng mạnh, cải thiện CAR cũng như tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn, hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, CAR của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Theo chuyên gia này, áp lực tăng vốn với các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng lớn trong bối cảnh rủi ro, bất ổn trên thế giới gia tăng và sức khỏe doanh nghiệp trong nước xấu đi.

Do vậy, việc bảo đảm CAR, cùng chuyện tăng vốn đang trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm nay.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho hay, năm ngoái, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng là 34%, song năm nay đa phần các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11-15%. Cùng với việc chấp nhận giảm tốc lợi nhuận, năm nay, hàng loạt ngân hàng TMCP vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ.

VPBank dự kiến tăng thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 79.339 tỷ đồng; TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng, MB đặt mục tiêu tăng vốn thêm 9.023,5 tỷ đồng lên mức 53.683 tỷ đồng…

Nếu các phương án tăng vốn được thực hiện thành công, năm nay, bộ đệm tài chính của các ngân hàng sẽ tiếp tục được nâng cao, giúp ngân hàng có thêm tiềm lực để chống đỡ với khó khăn.

“Khi rủi ro tăng cao, việc các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản hơn là chạy theo tăng trưởng là chiến lược hợp lý”, ông Thành nhận định.

Nợ xấu tăng mạnh, cổ phiếu vua có còn hấp dẫn?

Chất lượng tài sản ngân hàng suy yếu, nguy cơ truyền dẫn nợ xấu bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sang hệ thống ngân hàng đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng năm nay.

Nợ xấu tăng nhanh đang là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng hiện nay. Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho hay, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất…, thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.

Rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và TPDN vẫn chưa thể phục hồi, nợ xấu hai lĩnh vực này tăng nhanh. TS. Cấn Văn Lực cho hay, tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu bất động sản đang cao hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn hệ thống. Chưa có tỷ lệ nợ xấu TPDN của hệ thống ngân hàng, song theo thống kê của FiinRatings, nợ xấu TPDN phi tài chính tính tới đầu tháng 5/2023 cũng đã lên tới 16,3%.

Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, với nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến mức lo ngại.

Mặc dù nợ xấu bất động sản và TPDN đang tăng lên, song theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Engvới tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản (khoảng 7% tổng dư nợ), đầu tư TPDN (khoảng 2,5% - trong đó chỉ 30% là TPDN bất động sản) tổng dư nợ hiện nay, ngay cả khi nợ xấu các lĩnh vực này tăng 50%, thì cũng không thể đẩy nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trở lại như 10 năm trước đây. Chưa kể, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng. Hiện nay, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng có khả năng xử lý nợ xấu trong vòng 1-1,5 năm. Hơn thế, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực nợ xấu và dự phòng nợ xấu.

“Áp lực nợ xấu là có, song tỷ lệ nợ xấu hiện nay không gây ra rủi ro hệ thống, cũng không gây áp lực khiến ngân hàng phải tăng chi phí trích lập dự phòng đột ngột”, ông Thành nhận định.

Thứ nhất, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay rất khác giai đoạn 10 năm trước đây. Theo đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy khó khăn, song vẫn thiếu cung, nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, khác khó khăn giai đoạn trước đây là thừa cung. Khó khăn thị trường giai đoạn hiện nay là do pháp lý, do nguồn vốn đứt đoạn. Nếu tháo gỡ được khó khăn này, thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn giai đoạn trước.

Thứ hai, tổng dư nợ cho vay bất động sản hiện nay chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, song cơ cấu cho vay lại “khá êm” so với nhiều nước: 68% là cho vay gắn với nhà ở (cho vay mua nhà). Còn cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 32%.

Thứ ba, các ngân hàng Việt Nam đã dày dạn kinh nghiệm để trong phòng, chống, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu, M&A… Rất nhiều bài học trong 10 năm qua đã giúp các ngân gia tăng kinh nghiệm đối phó với rủi ro cũng như độ bao phủ nợ xấu ngân hàng cũng đã tăng lên đáng kể.

Lợi nhuận không còn cao chót vót, song ngân hàng vẫn sinh lời tốt

Quý I/20923, tín dụng tăng chậm, chi phí trả lãi cao, trích lập dự phòng lớn… đã ăn mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, năm nay, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ không còn hấp dẫn.

Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, trong năm 2021 và 2022, ngành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận rất tốt. Riêng năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 29 ngân hàng ở mức 34%. Năm 2023, dư nợ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 13-15%.

Về triển vọng lợi nhuận, năm nay, dư địa tăng trưởng của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng khi các kênh đầu tư ngoài lãi khác khó có khả năng đột biến.

Tán thành với nhận định này, ông Quản Trọng Thành cho rằng, tỷ suất sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tốt. Đây là mức sinh lời giúp ngành ngân hàng có thể “xóa sạch” nợ xấu bất động sản, TPDN nếu nợ xấu hai lĩnh vực này tăng đột biến.

“Hai năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hệ thống ngân hàng trên 30%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu và không thể duy trì mãi. Với ngân hàng nhiều quốc gia, mức tăng trưởng 18-20% đã là quá lý tưởng”, ông Thành nhận định.

Với triển vọng này của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.

Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, Khối quản lý tài sản (VNDirect), ngân hàng là ngành có nhiều lợi thế, đáng để đầu tư dài hạn. Thực tế, ở Việt Nam, có rất ít ngành liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số nhiều năm liền như ngành ngân hàng. Hơn nữa, thời điểm hiện nay cũng rất thích hợp với tích sản cổ phiếu ngân hàng.

“Theo tôi, giai đoạn hiện nay không còn là lúc sợ hãi nữa. Nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài do lo lắng nợ xấu, kinh tế vĩ mô bất ổn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tích sản trong giai đoạn có nhiều yếu tố chưa rõ ràng hiện nay mới là hấp dẫn. Đương nhiên, khi lựa chọn bất kỳ cổ phiếu ngành nào, nhà đầu tư cũng phải am hiểu nhất định về lĩnh vực đó, phân tích xem doanh nghiệp mình dự định đầu tư có lợi thế cạnh tranh nào, có đội ngũ lãnh đạo tốt hay không...”, ông Quang đưa ra lời khuyên.

P.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-lai-vay-cao-co-phieu-vua-van-hap-dan-no-xau-ket-vi-thieu-thi-truong-d190119.html