Ngân hàng cấp tập tăng vốn phòng thủ rủi ro, chuyên gia lý giải lãi vay vì sao vẫn cao, xử lý nợ xấu ì ạch vì thiếu thị trường, ngân hàng được truy cập 'mỏ vàng dữ liệu... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có chương quy định về xử lý nợ. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, luật cần bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay.
Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu, trong khi đó, việc giải quyết nợ xấu vẫn thực hiện trên sổ sách giữa VAMC và ngân hàng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư 'bước vào' thị trường nợ xấu Việt Nam.
Thảo luận về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, một số ý kiến từ ngân hàng thương mại và chuyên gia cho rằng: bên cho vay đang yếu thế hơn người đi vay. Thị trường kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có thể tháo gỡ các nút thắt liên quan đến thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng hiệu quả xử lý nợ xấu…
Theo ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam, không mất nhiều thời gian và khó khăn để mở thị trường nợ xấu, chỉ cần chỉ ra cơ hội để các định chế ngoài ngân hàng có thể thu hồi tài sản như qua một đại lý trong nước bởi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường này.
Tại Hội thảo Vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo luật các tổ chức tín dụng (TCTD), do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/5, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, và cho rằng còn quá nhiều vướng mắc về quy định luật.
Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu; chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.
Chuyên gia IFC cho rằng, hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.