Chuyên gia Malaysia: Nên đeo 2 khẩu trang cùng tấm chắn giọt bắn
Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn để phòng dịch COVID-19 tại Manila (Philippines), ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
* Các triệu chứng của COVID-19 có thể kéo dài đến 1 năm
Với đà lây lan nhanh chóng của các biến thể mới virus SARS-CoV-2 hiện nay, các chuyên gia y tế Malaysia khuyến cáo đeo 2 khẩu trang cùng tấm chắn giọt bắn.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, TS Noor Hisham Abdullah, cho rằng cần phải đeo 2 khẩu trang kết hợp tấm chắn giọt bắn để giảm sự lây truyền của virus SARS-CoV-2.
Dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ về việc sử dụng cùng lúc 2 khẩu trang, ông Noor nêu rõ việc sử dụng khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế, kết hợp với tấm chắn giọt bắn giúp bảo vệ tốt hơn thay vì chỉ đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế 3 lớp.
Việc đeo 2 khẩu trang không bắt buộc nếu sử dụng khẩu trang N95 vì loại khẩu trang này có thể ngăn được ít nhất 95% các hạt mang theo virus trong không khí.
TS Noor Hisham nhấn mạnh sử dụng 2 khẩu trang giúp bảo vệ tới 96% trong việc chống lại sự tiếp xúc với virus, bao gồm cả biến thể Delta rất dễ lây lan, biến thể chủ đạo hiện nay tại Malaysia.
Trong khi đó, việc sử dụng một chiếc khẩu trang duy nhất cung cấp khả năng bảo vệ 65% khi chống lại các giọt nhỏ.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Trung tâm Y tế và chính sách xã hội Galen, ông Azrul Mohd Khalib, cho biết khẩu trang thứ hai có thể cải thiện độ che phủ, đồng thời tăng khả năng lọc và ngăn chặn hiệu quả virus, do có thể tăng gấp đôi lớp bảo vệ.
Ông Azrul cho biết một tấm che mặt giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người khác cũng như cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ mắt - điều mà việc chỉ sử dụng riêng khẩu trang thôi không làm được.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Malaysia (MMA), TS Subramaniam Muniandy, cho rằng những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 và những người chưa hoàn thành tiêm chủng nên đeo 2 khẩu trang và tấm chắn tại những nơi công cộng như ở các nhà hàng, tiệm làm tóc và các khu vực khó tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc gần với người khác.
Ngoài ra, những người hay phải tiếp xúc với nhiều người như nhân viên thu ngân tại siêu thị, nhân viên y tế, ngân hàng... cũng nên sử dụng biện pháp này để bảo vệ chính mình.
* Theo một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc, các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở vẫn ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân 1 năm sau khi phải nhập viện vì căn bệnh này.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh ngày 27/8. Đây là nghiên cứu trên quy mô lớn nhất về tình trạng được gọi là "Long COVID", nhằm hiểu rõ hơn về các tác động lâu dài của COVID-19 với người mắc phải.
Nghiên cứu cho biết một nửa số bệnh nhân vẫn phải chịu đựng ít nhất 1 triệu chứng (hầu hết là mệt mỏi hoặc yếu cơ) kéo dài 12 tháng sau khi ra viện. Khoảng 1/3 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện khó thở trong thời gian đó. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các bệnh nhân bị nặng hơn.
The Lancet nhận định: "Vì không có thuốc điều trị dứt điểm hay hướng dẫn phục hồi, Long COVID tác động đến khả năng con người có thể nối lại cuộc sống bình thường và trở lại làm việc. Nghiên cứu cho thấy nhiều bệnh nhân phải mất hơn 1 năm trời để bình phục hoàn toàn".
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 1.300 người phải nhập viện vì COVID-19 từ tháng 1-5/2020 tại TP Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, nơi đầu tiên bị tác động của đại dịch này.
Số bệnh nhân được quan sát có ít nhất 1 triệu chứng đã giảm từ 68% sau 6 tháng xuống còn 49% sau 12 tháng. Hiện tượng khó thở tăng từ 26% sau 6 tháng lên 30% sau 12 tháng.
Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới 43%, liên quan đến các triệu chứng mệt mỏi, yếu cơ kéo dài, và gấp đôi về các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm. Nhưng 88% bệnh nhân đã có thể quay lại làm việc sau 1 năm.
Nghiên cứu trên đã bổ sung vào nghiên cứu trước đó, từng khiến chính quyền nhiều nước cảnh báo sẽ phải chuẩn bị hỗ trợ lâu dài cho các nhân viên y tế và bệnh nhân mắc COVID-19.
Bài xã luận của The Lancet kết luận rằng "Long COVID là một thách thức y tế số 1 thời hiện đại", đồng thời kêu gọi nghiên cứu thêm để hiểu rõ các điều kiện và cách thức chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng của COVID-19.