Chuyên gia: Nga có thể 'chơi' với nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt
Nhận định về việc G7 theo đuổi mức giá trần đối với dầu của Nga, nhà phân tích dầu độc lập Neil Atkinson nhấn mạnh, Nga sẽ không chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Quốc gia này có thể 'chơi' trò chơi với nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt.
Dầu Nga có thể trở nên hấp dẫn nhất trên thị trường
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra ý tưởng về giới hạn giá đối với dầu của Nga nhằm siết chặt hơn nữa khả năng tài trợ của Điện Kremlin trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và cố gắng bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Theo đó, Moscow sẽ nhận được ít tiền mặt hơn và những người mua có thiện chí vẫn nhận được dầu thô giá rẻ trong khi nguồn cung dầu toàn cầu nói chung không giảm, có nghĩa là giá năng lượng không tăng đột biến.
Mỹ dường như là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc giới hạn giá dầu của Nga.
Tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen giải thích ý tưởng này với những người đồng cấp châu Âu. Trong đó, bà Yellen nhấn mạnh, kế hoạch này sẽ hoạt động như một mức thuế hoặc giới hạn đối với dầu của Nga và giúp đỡ châu Âu trong cho đến khi áp đặt lệnh cấm dầu Moscow hoàn toàn.
Cuối tháng 5, sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa 27 quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý loại bỏ dần dầu mỏ của Nga.
Khối này từng nhận khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu từ Nga và là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Điện Kremlin.
Việc ngừng mua dầu là một nỗ lực gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, sau chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này khởi xướng tại Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề ngưng nhập dầu Moscow khó có thể kết thúc trong "một sớm một chiều" do một số nước EU phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Tổng thống Mỹ Jeo Biden trình bày ý tưởng giới hạn giá dầu với các nhà lãnh đạo còn lại của G7 ngày 25-26/6 và lãnh đạo các quốc gia này đồng ý xem xét.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ý tưởng này rất tham vọng và cần “làm nhiều việc” trước khi trở thành hiện thực.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay: "Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của các nước G7 về gánh nặng tăng giá năng lượng và bất ổn thị trường, cũng như cách những điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới
Trong bối cảnh này, theo các nhà lãnh đạo châu Âu, EC sẽ tiếp tục tìm các cách kiềm chế giá năng lượng tăng, bao gồm xem xét tính khả thi của việc đưa ra giới hạn giá nhập khẩu dầu Nga".
Các nhà phân tích năng lượng đã đặt câu hỏi rằng, G7 làm thế nào để áp đặt trần giá cho dầu của Nga, đồng thời cảnh báo rằng, kế hoạch này có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng không tham gia kế hoạch.
Ông Neil Atkinson, một nhà phân tích dầu độc lập nhấn mạnh: "Tôi đang suy nghĩ kỹ càng. Kế hoạch do Mỹ khởi xướng với dầu Nga chỉ có thể hoạt động nếu G7 thu hút được tất cả các nhà nhập khẩu dầu Nga chủ chốt tham gia vào kế hoạch này. Thực tế, trong những nhà tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga có Trung Quốc và Ấn Độ".
Một số quan chức cấp cao của EU thừa nhận, giới hạn giá chỉ "hoạt động trong một số điều kiện nhất định" và Trung Quốc "cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng tham gia và rõ ràng là không có khả năng sẽ tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với phương Tây".
Theo ông Atkinson, thời gian qua Trung Quốc và Ấn Độ hưởng lợi rất nhiều từ việc giá dầu thô của Nga giảm.
Dầu của Nga đã được bán với mức chiết khấu, khoảng 30 USD/thùng. Trong khi, giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế ở mức 110 USD/thùng.
Nhà phân tích Atkinson nhận thấy: “Trong mọi trường hợp, người Nga sẽ không chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Họ có thể 'chơi' trò chơi với nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, kế hoạch này không thực sự khả thi".
Còn ông Brenda Shaffer, thành viên cấp cao tại Trung tâm năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, một khi đặt giới hạn giá đối với dầu Nga thì đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng dầu đó không phải là bất hợp pháp, đó là hợp pháp và không có hậu quả gì khi mua dầu Nga.
Nếu giá thấp hơn, dầu của Nga sẽ trở nên hấp dẫn nhất trên thị trường và đột nhiên Nga sẽ có nhiều khách hàng tìm đến.
Phản ứng của Nga
Nga đã cảnh báo rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế giá dầu của Nga có thể tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.
Ngày 30/6, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, những nỗ lực hạn chế giá dầu mỏ của nước này có thể dẫn đến "mất cân bằng" trên thị trường và đẩy giá dầu lên cao hơn.
Ông Novak tin tưởng, Nga sẽ khôi phục sản lượng dầu về mức trước khi bị trừng phạt trong những tháng tới, phần lớn là do một lượng đáng kể dầu thô của Nga đã được chuyển đến các thị trường châu Á.