Chuyên gia Nga đánh giá khả năng hòa giải của châu Phi trong xung đột ở Ukraine
Ông Andrey Maslov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva (Đại học HSE) cho rằng về triển vọng thực hiện sáng kiến hòa bình châu Phi, đó chỉ là vấn đề thời gian.
Theo tờ Vedomosti (Nga) ngày 31/7, tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, được tổ chức tại St. Petersburg (ngày 27 - 28/7), tiếp tục được nâng lên vào cuối tuần qua. Hôm 29/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với một số người đồng cấp từ châu lục này. Tiếp đó, ông Putin đã tiếp đón 4 nhà lãnh đạo châu Phi tại cuộc diễu hành nhân Ngày Hải quân Nga hàng năm ở St. Petersburg vào ngày 30/7 dọc theo sông Neva.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/7, ông Putin tuyên bố: "Về tổng thể, lục địa châu Phi thân thiện và tích cực đối với Nga". Một tuyên bố 74 điểm là tài liệu chính được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh, trong đó các bên ký kết đặc biệt lên tiếng phản đối phân biệt sắc tộc và chủng tộc, cũng như công bố kế hoạch phối hợp một loạt các hoạt động chính trị chung, bao gồm cả trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước đó hôm 28/7, Tổng thống Nga và nguyên thủ một số quốc gia châu Phi đã thảo luận về sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine do 7 quốc gia thuộc lục địa này cùng đưa ra hồi tháng 6.
Các đề xuất nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao, đảm bảo chủ quyền của từng quốc gia, xây dựng và mở rộng các đảm bảo an ninh, sắp xếp cho việc vận chuyển ngũ cốc và xuất khẩu phân bón quan trọng, trao đổi tù nhân và tiến hành tái thiết sau xung đột.
Ông Andrey Maslov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva (Đại học HSE) cho rằng, về triển vọng thực hiện sáng kiến hòa bình châu Phi, đó chỉ là vấn đề thời gian.
"Tuyên bố ngừng bắn là điểm mấu chốt trong kế hoạch của châu Phi và chính Ukraine chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện tiên quyết như vậy. Tuy nhiên, một khi khả năng phản công của Ukraine cạn kiệt, kế hoạch này sẽ được xem xét bởi vì các nước châu Phi sẽ là những nhà hòa giải thích hợp vì họ không phải là thành viên của NATO cũng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)", chuyên gia này lưu ý.
Ông Maslov nhấn mạnh: "Châu Phi trung lập nhưng cũng rất quan tâm đến việc chấm dứt xung đột và sẽ không dễ dàng tìm được các quốc gia khác có các tiêu chuẩn như vậy".
Tuy nhiên, ông Alexander Beltser, Phó Giáo sư tại Đại học Korolev Samara, chỉ ra rằng sáng kiến hòa bình của châu Phi "hoàn toàn không đáp ứng lợi ích của cả Nga và Ukraine".
Trong khi đó, theo ông Beltser, hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi một lần nữa chứng minh rằng Moskva "không hề bị cô lập trên thế giới", mà ngược lại, Nga đang tìm cách "tuyên bố mình là một cường quốc có lợi ích ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả khu vực hứa hẹn nhiều tiềm năng như châu Phi".
Về phần mình, ông Vadim Zaytsev, nhà nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại của Nga ở châu Phi bình luận trên trang web của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ngày 31/7 rằng: "Điều quan trọng cần nhớ là châu Phi là một trong những khối bỏ phiếu khu vực lớn nhất tại Liên hợp quốc. Họ sẽ đóng một vai trò trong tiến trình hòa bình cuối cùng ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Phi - cả cá nhân và tập thể - cũng có thể là nhà trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev".
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba gần đây đã có chuyến thăm thứ 3 tới châu Phi kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra. Các điểm thảo luận của ông là các tuyến đường cung cấp thay thế cho hàng nông sản Ukraine sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và tầm nhìn về hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Về phần mình, trong bài phát biểu quan trọng trước hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ cam kết các chuyến hàng ngũ cốc miễn phí tới Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, CH Trung Phi và Eritrea, mà còn miêu tả Moskva là một đồng minh của các quốc gia châu Phi và với tư cách là một quốc gia đại diện cho lợi ích của khu vực.