Chuyên gia Nga nói xe tăng Leopard của Đức là 'mồi ngon' của vũ khí Nga do điểm này
Chuyên gia Nga nói Leopard không có giáp phản ứng nổ như xe tăng Moscow, khiến chúng dễ bị tấn công bằng tên lửa như Vikhr và Ataka mà tiêm kích Nga sử dụng.
Ngày 1-2, Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga Rostec chia sẻ với hãng thông tấn TASS rằng xe tăng Leopard 2 của Đức mà một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định cung cấp cho Ukraine có thể dễ dàng bị các hệ thống tên lửa chống tăng Kornet của Nga tiêu diệt, tờ EurAsian Times đưa tin.
Theo Rostec, mặc dù Leopard 2 là một cỗ máy tinh vi và được bảo vệ tốt, song không phải là bất khả xâm phạm. Kinh nghiệm chiến đấu đã chứng minh rằng ngay cả các hệ thống tên lửa chống tăng di động đã lỗi thời và kém hiệu quả hơn cũng có thể tiêu diệt những chiếc xe tăng này, công ty Nga cho biết thêm.
Không chỉ riêng hệ thống tên lửa chống tăng Kornet, đạn xuyên giáp Mango 125 mm và các tên lửa Vikhr, Ataka cũng đều có thể tiêu diệt xe tăng Leopard 2.
Điểm yếu của Leopard
Rostec giải thích rằng Leopard không có giáp phản ứng nổ như xe tăng Nga, khiến chúng dễ bị tên lửa Vikhr và Ataka tấn công. Các tên lửa này được trang bị trong các máy bay chiến đấu Nga.
“Xe tăng Đức chắc chắn sẽ bị đạn Mango 125 mm hạ gục, bất kể góc độ trúng đạn. Chiến xa sẽ bị tiêu diệt nếu bị bắn trúng giáp trước hoặc giáp cạnh” - Rostec nhấn mạnh.
Công ty Nga khẳng định rằng Quân đội Nga có xe tăng T-90M Proryv, có một số đặc điểm hoạt động vượt trội so với Leopard và có khả năng đánh bại chúng.
Ngày 28-1, nhà phân tích quân sự Nga Vasyl Dandykin rằng mặc dù việc chuyển giao xe tăng phương Tây cho Ukraine có nguy cơ leo thang xung đột đáng kể, nhưng lại khó có thể củng cố năng lực quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Chuyên gia Nga cho biết rất khó tiêu chuẩn hóa quy trình huấn luyện vì xe tăng từ các quốc gia khác nhau có thiết kế và quy trình vận hành khác nhau. Ông Dandykin lưu ý rằng những khác biệt này sẽ không mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine.
Vào ngày 25-1, chính phủ Đức thông báo rằng họ sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các quốc gia khác làm như vậy. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius, những chiếc Leopard đầu tiên có thể được chuyển tới Ukraine trong khoảng từ 3-4 tháng. Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Kiev 31 xe tăng M1 Abrams.
Leopard 2 từ lâu đã đứng đầu danh sách xe tăng mà Ukraine yêu cầu từ phương Tây để giúp lực lượng nước này đối phó quân Nga. Nó được phân loại là xe tăng chiến đấu chủ lực và được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1979. Leopard cung cấp khả năng phòng thủ tốt trước đạn xuyên giáp và vũ khí chống tăng dẫn đường.
Các vũ khí chống tăng của Nga
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet do Phòng Thiết kế Chế tạo Thiết bị Shipunov có trụ sở tại TP Tula (Nga) phát triển. Chúng được thiết kế để tấn công xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, bao gồm cả phương tiện chiến đấu có giáp phản ứng nổ hiện đại.
NATO gọi Kornet là AT-14 Spriggan. Vũ khí chống tăng này có phạm vi hoạt động ban ngày từ 100 m đến 5.500 m và phạm vi hoạt động ban đêm của nó lên tới 3.500 m.
Kornet phóng một tên lửa lớn 152 mm, và Hezbollah (phong trào vũ trang Hồi giáo dòng Shiite thành lập năm 1982 trong cuộc nội chiến Lebanon) đã sử dụng thành công Kornet để đối phó xe tăng Israel trong cuộc chiến giữa Israel và Lebanon hồi năm 2006.
Kíp vận hành Kornet có 2 người. Một trong 2 người này sẽ mang ống phóng có tên lửa bên trong và người thứ hai sẽ mang hệ thống điều khiển hỏa lực và thiết bị quan sát ngày/đêm trên giá 3 chân di động. Tuy nhiên, tùy tình huống, 1 người vẫn có thể khai hỏa hệ thống này.
Ngoài ra, Moscow còn sở hữu tên lửa Vikhr-M, do nhà máy vũ khí Kalashnikov sản xuất cho trực thăng tấn công Ka-52. Tên lửa này có tầm tấn công 800-10.000 m và tốc độ tối đa lên tới 610 m/giây. Vikhr có thể xuyên thủng giáp phản ứng đồng nhất 750 mm.
Tên lửa chống tăng Ataka cũng được Nga thiết kế để tiêu diệt thiết giáp, binh lính, boong-ke, hệ thống phòng không và các mục tiêu khác của đối phương. Ataka đã được Cục Thiết kế Kỹ thuật Cơ khí Kolomna đã chế tạo và được nhà máy vũ khí Degtyaryov sản xuất hàng loạt. Với đầu đạn được nâng cấp, Ataka có thể tăng tốc lên 550 m/giây.
Đạn xuyên giáp cỡ nòng 125 mm Mango được chế tạo để tấn công xe tăng, pháo tự hành và các mục tiêu kiên cố khác của đối phương. Vào năm 2019, Nga đã cho ra mắt đạn Mango-M mới với các đặc tính xuyên giáp cải tiến.