Chuyên gia nhận định virus SARS-CoV-2 không gây làn sóng dịch mới

Số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại tại một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia. Dựa trên tình hình lây nhiễm hiện nay, một số chuyên gia nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang chuyển sang trạng thái đặc hữu và sẽ không gây làn sóng mới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Amritsar, Ấn Độ ngày 5/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Amritsar, Ấn Độ ngày 5/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/4, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục kể từ tháng 9/2022, với trên 6.000 ca mắc mới trong ngày. Với số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng, Bộ Y tế Ấn Độ đã quyết định tiến hành một cuộc diễn tập y tế trên toàn quốc vào ngày 10 - 11/4 để kiểm tra mức độ sẵn sàng của các cơ sở y tế công và tư nhân nhằm đối phó với các ổ dịch bùng phát. Mặc dù vậy, các chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng xu hướng này không phải là dấu hiệu của bất kỳ làn sóng mới nào.

Các chuyên gia nhận định tốc độ tăng số ca mắc ở Ấn Độ ở mức chậm và đợt dịch bùng phát này có thể kết thúc sau vài ngày, có thể là vào tuần thứ hai của tháng 4 khi các ca bệnh bắt đầu giảm. Phần lớn các ca mắc mới ở Ấn Độ là do nhiễm biến thể XBB.1.16 - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một biến thể phổ biến đang lưu hành trong một vài tháng gần đây. Chia sẻ với truyền thông, cựu Chủ tịch Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ Srinath Reddy nêu rõ các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện khi virus không ngừng biến đổi theo thời gian và XBB 1.16 là biến thể mới, thuộc họ Omicron, có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng độc lực thấp hơn.

Trong khi đó, ông Gautam Menon tại Đại học Ashoka (Ấn Độ) cho rằng không cần quá lo lắng dù các ca mắc COVID-19 gia tăng, nhất là khi điều này không dẫn đến gia tăng các ca bệnh nặng. Bên cạnh đó, tỷ lệ cao dân số đã có kháng thể bảo vệ vì từng mắc COVID-19 trước đó hoặc đã tiêm vaccine hoặc cả hai, đã giúp giảm nguy cơ bệnh nặng. Chuyên gia này chỉ ra thực tế rằng các ca bệnh có triệu chứng và mức độ bệnh khá nhẹ cho thấy COVID-19 sẽ tiếp tục "sống chung" với con người trong tương lai gần, gây bệnh nhẹ theo mùa, giống như các loại virus corona khác ở người gây ra khoảng 30% ca bệnh cảm lạnh thông thường. Theo vị trưởng khoa nghiên cứu kiêm giáo sư Khoa Vật lý và sinh học tại Đại học Ashoka của Haryana, COVID-19 đang trở thành dịch bệnh đặc hữu ở Ấn Độ và hầu như tất cả người dân sẽ nhiễm bệnh dù biết hay không.

Tại Hàn Quốc, dữ liệu ngày 7/4 cho thấy số ca mắc COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc lên mức trên 10.000 ca/ngày trong ngày thứ 4 liên tiếp. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm vì các hoạt động giải trí ngoài trời gia tăng sau khi chính phủ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan COVID-19, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang vẫn được áp dụng cho các cơ sở y tế, hiệu thuốc và những nơi dễ lây nhiễm khác.

Trong khi đó, tại Australia, ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng tại các viện chăm sóc người cao tuổi. Tính đến ngày 6/4, 236 viện dưỡng lão trên khắp Australia ghi nhận 1.513 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 1.078 bệnh nhân và 435 nhân viên chăm sóc. Xu hướng này đã khiến Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cộng đồng và người cao tuổi, ông Tom Symondson, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Ông Tom Symondson cho biết tháng trước, số ca bệnh trong nhóm những người lớn tuổi đang sống trong cơ sở chăm sóc người già hoặc được hỗ trợ bởi các dịch vụ chăm sóc tại nhà bắt đầu tăng. Do đó, những người cung cấp dịch vụ chăm sóc người già vẫn cần cảnh giác với COVID-19 như một vấn đề y tế cộng đồng. Trong bối cảnh COVID-19 gia tăng và mùa cúm đến gần, những người muốn đến thăm người thân trong viện dưỡng lão nên tuân thủ các quy định phòng dịch để góp phần bảo vệ những cư dân lớn tuổi dễ bị tổn thương.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-nhan-dinh-virus-sarscov2-khong-gay-lan-song-dich-moi-20230412194818019.htm