Chuyên gia: Nhập khẩu vàng 3-4 tỷ USD thì lo chảy máu ngoại tệ, nhập khẩu rượu, cigar 8 tỷ USD không ai nói?
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện nay, chúng ta chỉ nhập khẩu vàng 3-4 tỷ USD mỗi năm thì nhiều người lo chảy máu ngoại tệ, trong khi nhập khẩu rượu ngoại, thuốc lá, cigar lên đến 8 tỷ USD thì không ai đề cập đến!?
Liên quan đến vấn đề “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, TS Lê Xuân Nghĩa ví von rằng giống như “lách qua ngõ hẹp” để đi ra “một con đường lớn”. “Hy vọng từ ngõ hẹp đi ra đường lớn thì tốc độ phát triển của doanh nghiệp phải nhanh và mạnh hơn” – ông nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp đã ra đường lớn rồi nhưng nếu Chính phủ không có chính sách tốt thì doanh nghiệp cũng không cất cánh được.
"Khi ra đường lớn, có thể doanh nghiệp thoải mái hơn lúc trước nhưng việc đạt được 20 tập đoàn toàn cầu không phải mục tiêu đơn giản. Chúng ta phải đặt vấn đề ngoài sự cởi trói cần có định hướng phát triển để doanh nghiệp đi lên", ông Nghĩa cho hay.

TS Lê Xuân Nghĩa
Lấy ví dụ về thị trường vàng, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, tuần vừa rồi, ông có tham gia thảo luận các chính sách về thị trường vàng. Khi thảo luận có nhiều ý kiến viện cớ rằng Việt Nam rất đặc thù, người dân Việt Nam quá yêu chuộng vàng nên cần quản lý để tránh chảy máu ngoại tệ gây ảnh hưởng vĩ mô.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thì mong muốn được nhập khẩu vàng để sản xuất vàng trang sức và bán cho dân.
TS Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề, 14 năm nay Việt Nam cấm nhập khẩu vàng, vậy thì vàng hiện nay đang buôn bán ở Việt Nam ở đâu ra. “Các công ty kinh doanh vàng, bạc đương nhiên phải gom vàng lậu, vàng trong dân để gia công, buôn bán. Bởi vì họ vẫn phải tồn tại, vẫn phải kinh doanh khi có hàng vạn lao động. Bây giờ đột ngột bảo truy xuất nguồn gốc, như thế thì chết doanh nghiệp rồi” – vị chuyên gia cảm thán.
Việc không cho phép nhập khẩu vàng khiến dân chúng không mua được vàng, các doanh nghiệp không bán được vàng. Công dân Việt Nam phải mua vàng với giá đắt hơn thế giới tới 700 USD mỗi ounce.
“Số người có ý kiến như tôi là rất ít. Thế nên cởi trói là một cuộc chiến ghê gớm lắm” – vị chuyên gia nói.
Đề xuất giải pháp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, về "thượng sách" là mở cửa, cho phép một số công ty nhập khẩu vàng theo quy định, sau đó bắt buộc các công ty này bán sỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ vàng.
Còn "trung sách" là cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp nhập khẩu vàng về và lập một sàn giao dịch vàng, sàn này sẽ theo dõi giá vàng quốc tế sau đó định giá theo quy định rồi bán lẻ, theo đó, giá vàng trong nước không được chênh lệch quá so với thị trường thế giới.
“Không ai như chúng ta trước đây, cho các ngân hàng bán lẻ, để người dân xếp hàng mua vàng” – ông Nghĩa đánh giá.
Về lo ngại “chảy máu ngoại tệ”, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần có con số thống kê cụ thể. Theo ông, mỗi năm Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 3 – 4 tỷ USD với mặt hàng vàng.
Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như cigar, rượu ngoại, thuốc lá cũng lên tới 8 tỷ USD. “Tại sao không nói chảy máu ngoại tệ ở đây. Trong khi vàng là một loại dự trữ quốc gia rất quan trọng thì lại nói chảy máu ngoại tệ. Đó là điều rất phi lý” – TS Nghĩa nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng so sánh dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Theo ông, nền kinh tế Trung Quốc gấp 40 lần Việt Nam, nhưng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 2.500 tỷ USD, tức chỉ gấp 25 lần Việt Nam (có 100 tỷ USD). Như vậy, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam rất lớn.
Với ví dụ trên, TS Lê Xuân Nghĩa mong rằng sau Nghị quyết 68 sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn, có thêm những ý tưởng để cải cách luật. "Câu chuyện trước mắt không phải doanh nghiệp sau này sẽ thực hiện như thế nào mà Nghị quyết 68 sẽ được pháp luật hóa như thế nào? Luật hóa xong thì kỷ luật thực hiện như thế nào?" - ông Nghĩa đặt vấn đề.