Chuyên gia Nhật Bản: Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu do thiếu nhân lực chất lượng
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức ngày 10/6, các chuyên gia Nhật Bản đã có một số khuyến cáo đáng chú ý.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 74,8%.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Để đạt được sự thành công nêu trên, không thể không nhắc tới ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương.
"Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo", ông Phú nói.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, đến nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Đồng tình với quan điểm này, ông Akutsu Michio, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản đánh giá rất cao về ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn một số điểm hạn chế, như năng suất doanh nghiệp của các địa phương còn khá thấp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó; thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài…
Theo đó, ông Akutsu Michio cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; có biện pháp hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, ông Akutsu Michio cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc cải thiện cơ chế cấp vốn để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận.
Ông Akutsu Michio cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm công nghiệp được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận, nếu thiếu một bộ phận, dây chuyền lắp ráp sẽ bị dừng. Do vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải xác định được khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường xuyên.
Ngoài cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội cung cấp cho những doanh nghiệp lắp ráp chế tạo cuối cùng tại nước ngoài.
Xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ là động lực phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển nhóm ngành này.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trơ Việt Nam. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin này đã có hơn 3.600 doanh nghiệp đầy triển vọng của Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may, da giày. Những dữ liệu này đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Công Thương triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.