Chuyên gia nói chính sách thuế của Mỹ tạo cơ hội để Trung Quốc tăng ảnh hưởng
Chính sách thương mại không ổn định của Mỹ đang khiến nhiều quốc gia cân nhắc tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro và bất ổn. Đó là nhận định của ông Joshua Meltzer, chuyên gia cao cấp về phát triển và kinh tế toàn cầu tại Viện Brookings (Mỹ), trong một buổi thảo luận trực tuyến do Trung tâm Toàn cầu hóa Hong Kong tổ chức hôm 23/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chuyên gia Meltzer cho rằng trong bối cảnh các chính sách thương mại của Washington thiếu nhất quán và tiềm ẩn nhiều biến động, nhiều quốc gia đang chủ động tìm kiếm đối tác thay thế, trong đó Trung Quốc nổi lên như một lựa chọn chiến lược.
“Rõ ràng là Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để trở thành đối tác thay thế mà các nước có thể lựa chọn. Nhiều quốc gia ít nhất sẽ thể hiện rằng họ đang đàm phán với Trung Quốc, qua đó tạo thêm phương án dự phòng để tránh phụ thuộc hoặc chịu ảnh hưởng quá mức từ Mỹ”, ông Meltzer nhận địn.
Ông nhấn mạnh xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump không thể ổn định chính sách thương mại.
“Nếu Mỹ tiếp tục duy trì các biện pháp thuế quan thất thường, gây sức ép và suy giảm khả năng đàm phán, thì Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội hơn để thiết lập các mối quan hệ sâu rộng với các quốc gia khác”, vị chuyên gia này lập luận.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Một bài viết đăng trên The Wall Street Journal ngày 15/4 cho rằng Chính quyền Tổng thống Trump đang tận dụng các cuộc đàm phán thương mại để yêu cầu các đối tác giảm thiểu giao thương với Trung Quốc, thậm chí thúc ép họ không cho phép doanh nghiệp Trung Quốc quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ của mình. Trong khi đó, nhiều nước Đông Nam Á lại đang đóng vai trò là tuyến trung chuyển quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.
Ông Meltzer lưu ý rằng tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng toàn cầu. Bắc Kinh nhận thức rõ rằng Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy thương mại để gây áp lực lên các nước, từ đó làm ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài giữa họ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu Washington gây sức ép buộc các quốc gia Đông Nam Á – vốn có truyền thống duy trì chính sách đối ngoại cân bằng – phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ nên tập trung vào xây dựng mối quan hệ kinh tế ổn định, lâu dài với các quốc gia này, nhằm tạo ra nhiều lựa chọn thay vì buộc họ phải “chọn phe”.
Trong tháng 4, Chính quyền của Tổng thống Trump đã nâng thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc lên mức 145%, khiến tổng mức thuế thực tế chạm ngưỡng 156%. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Wall Street Journal ngày 23/4, chính quyền Mỹ đang xem xét giảm thuế về mức từ 50% đến 65%.

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết mức thuế cao hiện tại là không bền vững, đồng thời thừa nhận rằng thuế cần được điều chỉnh để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại. Tuy vậy, ông cũng khẳng định Tổng thống Trump sẽ không đơn phương nhượng bộ.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Trump cho biết ông sẽ cư xử “rất tử tế” với Trung Quốc và với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng khẳng định mức thuế sẽ không về 0.
Đáp lại, ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn, đã bác bỏ thông tin về các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ. Tuy nhiên, ông khẳng định Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đối thoại nếu đàm phán diễn ra trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo ông Meltzer, việc miễn trừ thuế đối với một số sản phẩm – chẳng hạn hàng điện tử – cho thấy cách tiếp cận linh hoạt của Mỹ. Điều này mở ra khả năng các mức thuế sẽ được gỡ bỏ dần nếu hai bên đạt được tiến triển trong đàm phán.
Dù vậy, ông cảnh báo rằng một thỏa thuận lớn giữa Washington và Bắc Kinh khó có thể mang tính toàn diện, bởi thái độ cứng rắn với Trung Quốc đang lan rộng trong Quốc hội Mỹ, cả từ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Một số lĩnh vực còn được xem là nhạy cảm về kinh tế và an ninh quốc gia, khiến việc hội nhập kinh tế giữa hai cường quốc càng bị hạn chế.
“Ngay cả khi Tổng thống Trump có mong muốn tiến xa hơn trong một thỏa thuận thương mại, ông vẫn bị ràng buộc bởi áp lực chính trị trong nước và Quốc hội”, ông Meltzer nói.
Mục tiêu cuối cùng của áp thuế và trả đũa, theo ông Meltzer, là để quá trình điều chỉnh quan hệ thương mại không diễn ra quá nhanh, gây sốc về mặt kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng chiến lược giữa hai nền kinh tế sẽ vẫn diễn ra và không dễ xoa dịu.
Dù có thể có một số nhượng bộ tạm thời, nhưng xu hướng tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là cạnh tranh, căng thẳng và từng bước “tách rời” về mặt kinh tế. Trong bối cảnh này, những thỏa thuận trong tương lai, nếu có, cũng sẽ chỉ xoay quanh các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn, kèm theo thừa nhận rằng hai quốc gia sẽ tránh phụ thuộc vào nhau trong những ngành then chốt.
Cũng tại sự kiện này, Giáo sư Shen Dingli tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, nhận định rằng nếu Mỹ không còn thị trường xuất khẩu lớn, Trung Quốc sẽ buộc phải tìm kiếm các thị trường mới để duy trì thặng dư thương mại. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.