Chuyên gia nói gì về sập cầu Phong Châu?
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố khách quan như địa chất, thủy văn, bão lũ… có thể là tác động chính dẫn đến sự cố sập cầu Phong Châu, song cũng không loại trừ nguyên nhân khác.
Cầu từng được sửa nhiều lần
Đến sáng 11/9, cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương tổ chức tìm kiếm các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Theo thông tin được công bố, có 8 người mất tích, 3 người bị thương.
Trước đó, bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao, khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu đổ sập ngay giữa dòng nước xiết.
Lý giải nguyên nhân ban đầu, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cho biết, do lưu tốc dòng chảy rất xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7).
Theo Sở GTVT Phú Thọ, cầu Phong Châu đã qua nhiều đợt sửa chữa với lần gần nhất là năm 2023.
Năm 2013, cầu Phong Châu từng sửa chữa thay 4 dầm bê tông thường bằng 4 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường dầm T33 các nhịp 1, 2, 3, 4; thay thế bu lông cường độ cao bị đứt gãy, han gỉ, tẩy gỉ bằng phun cát sau đó quét sơn chống gỉ cho phần hạ bộ của hệ dàn thép. Kết quả kiểm định sau sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Riêng trụ T7 (trụ cầu vừa đổ sập trong sự cố), năm 2019 từng được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép. Bên cạnh đó cầu mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép, gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ.
Năm 2023, cầu tiếp tục được sửa chữa nhỏ như tẩy gỉ, thay khe co giãn, sơn lại lan can và tiến hành kiểm định cầu.
Không có báo cáo mất an toàn
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết, trước năm 1996 cầu Phong Châu thuộc đường tỉnh 314. Đến năm 1996 đường tỉnh này được nâng cấp thành quốc lộ 32C, trong đó gồm cả cầu Phong Châu và giao Sở GTVT Vĩnh Phú, nay là Sở GTVT Phú Thọ quản lý.
"Đến thời điểm xảy ra sự cố, Cục Đường bộ VN không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với cầu Phong Châu", lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay.
Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Cục yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3.
Trong đó, các cầu yếu phải theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội đã hạn chế hoặc cấm các phương tiện hoạt động trên một số cầu như: Tứ Mỹ, Trung Hà, Long Biên, Đuống, Chương Dương…
Lũ lịch sử làm xói trụ cầu?
Phân tích dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh, trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, nguyên nhân sập cầu có thể do mố cầu bị xói lở và nước lũ quá lớn đã cuốn trôi trụ cầu.
Theo ông Mạnh, đợt mưa lũ vừa qua là rất lớn và việc chân trụ cầu bị xói mòn có thể liên tưởng đến trận lũ lịch sử năm 1996.
"Khi khảo sát lập dự án xây dựng cầu Trung Hà vào năm 1995, tại các vị trí trụ cầu được xác định có các lớp cát, cuội, sỏi rời rạc ở lòng sông dày đến 11m.
Đến năm 1996, khi xảy ra trận lũ lịch sử, thủy điện Sông Đà phải xả đến 5 cửa xả đáy. Năm 1997 khi khảo sát lần thứ 2, có những vị trí dự kiến xây trụ cầu bị xói, chỉ còn 1-2m lớp cát, cuội. Điều này có nghĩa là chỉ sau 1 đợt xả lũ lớn, lớp cát, cuội, sỏi bị xói lở không thể kiểm soát được", ông Mạnh nói.
Với sự cố cầu Phong Châu lần này, ông Mạnh cho rằng không loại trừ nguyên nhân do xả lũ, cộng với mưa lũ lớn 56 năm mới xảy ra một lần nên không thể lường mức độ xói trụ cầu.
"Cầu Phong Châu được thiết kế theo kết cấu móng cọc đài cao. Khi xói lở sẽ phá hủy móng và trôi trụ cầu dẫn đến sập dầm. Thực tế cho thấy, khi sập cầu Phong Châu, hai trụ cầu cũng không còn", ông Mạnh đánh giá.
Phải dự báo, cảnh báo sớm, trước bão lũ
Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông cho rằng, khó có thể đánh giá sự phù hợp, tính hiện đại của một cây cầu được xây dựng gần 30 năm trước so với thời điểm hiện tại.
"Phải thừa nhận, diễn biến lũ hiện nay đã thay đổi. Cùng một lưu lượng nước, nếu trước đây có thể sau bão vài ngày nước lũ mới dâng thì hiện tại, lũ về rất nhanh. Tình trạng phá rừng hoặc là xả lũ đầu nguồn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong lưu tốc lũ.
Điều chúng ta quan tâm sau sự cố là trải qua một quá trình sử dụng lâu dài, việc đánh giá tuổi thọ, chất lượng công trình trong quá trình khai thác như thế nào.
Có cần đánh giá lại an toàn cầu trước các đợt cảnh báo mưa lũ kỷ lục? Bao lâu cần đánh giá sự thay đổi về địa hình, địa chất tác động đến công trình? để hạn chế được những vụ tai nạn đau xót như vừa qua", vị này nêu quan điểm.
Trong khi đó, một chuyên gia khác nhận định: "Thực tế, việc sập cầu có nhiều nguyên nhân, từ địa chất, kết cấu, cho đến tác động của mưa lũ... Về cơ bản, cần rất nhiều dữ liệu từ các bên mới có thể đưa ra nhận định chính xác.
Lúc này, hoàn lưu sau bão đang gây ra thảm họa nặng nề, sụt trượt, lở đất, ngập lụt khắp nơi, quan trọng là tập trung tinh lực đối mặt với lũ dữ, nâng cao công tác cảnh báo, đánh giá khả năng an toàn của các công trình giao thông, cứu hộ cứu nạn kịp thời.
Việc làm rõ nguyên nhân sập cầu sẽ cần nhiều thời gian và không phải là việc ưu tiên ở thời điểm này".
Cát tặc lộng hành thời gian dài ngay dưới chân cầu
Cầu Phong Châu được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 28/7/1995. Cầu dài 375,36m, nằm trên quốc lộ 32C nối TP Việt Trì, huyện Lâm Thao với các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn của Phú Thọ và đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La...
Năm 2022, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng bến bãi tập kết, vận chuyển cát ngang nhiên hình thành và hoạt động dưới khu vực chân cầu Phong Châu từ nhiều năm gây sạt lở bờ sông, đe dọa hành lang đê điều, dễ gây suy yếu cầu… khiến người dân rất bức xúc.
Gần đây nhất, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu tạm dừng khai thác 35 mỏ cát dưới lòng sông trên 2 tuyến sông Đà và sông Hồng. Trong số này có 27 mỏ cát thuộc tuyến sông Hồng. Các mỏ bị tạm dừng do có dấu hiệu không tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ trong hoạt động khai thác.