Chuyên gia nói gì về việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá?

Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang hướng tới phát triển bền vững, nâng thuế thuốc lá là một nước đi lợi cả đôi đường: Vừa giảm người hút, vừa khỏe dân, lại vừa tăng thu ngân sách.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm nay, trong đó đề xuất nâng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá.

Dù vẫn còn các ý kiến phản biện từ doanh nghiệp sản xuất, những lo ngại về tác động xã hội mà việc tăng thuế đem lại, song hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần tăng mạnh, tăng liên tục thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc. Điều này vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa giảm nguy cơ bệnh tật cho người dân.

Tăng thuế lợi cả đôi đường

Chia sẻ tại buổi tập huấn về một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường vào ngày 23/4 vừa qua, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang hướng tới phát triển bền vững, nâng thuế thuốc lá là một nước đi lợi cả đôi đường: Vừa giảm người hút, vừa khỏe dân, lại vừa tăng thu ngân sách.

Bác sĩ tư vấn cho người dân cai nghiện thuốc lá.

Bác sĩ tư vấn cho người dân cai nghiện thuốc lá.

Ông Đào Thế Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies đưa ra những con số khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, theo Hội Khoa học Kinh tế Y tế, chi phí hàng năm do bệnh tật, tử vong gây ra bởi tiêu dùng thuốc lá lên tới 108 nghìn tỷ đồng/năm - tương đương 1,14% GDP. Bên cạnh đó, chi phí ô nhiễm môi trường do thuốc lá (phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm nước biển ...) gây tốn kém 99 nghìn tỷ đồng/năm - tương đương 1,04% GDP. "Việc tăng thuế TTĐB góp phần giảm chi phí y tế, môi trường đang gây tổn hại tới tăng trưởng", ông Sơn khẳng định.

Tuy nhiên hiện nay, việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam thường bị phản đối với các lập luận như gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hoàn toàn xác đáng.

Theo số liệu điều tra, hàng năm việc sử dụng thuốc lá làm mất đi tổng cộng 21,8 triệu giờ lao động của người Việt Nam, trong đó, thời gian người bệnh nghỉ việc đi khám chữa bệnh là 13,4 triệu giờ; thời gian người nhà nghỉ việc để chăm sóc là 8,3 triệu giờ; chưa tính các trường hợp tử vong sớm và thời gian lãng phí vì việc hút thuốc trong giờ làm việc.

"Tăng thuế thuốc lá sẽ gây tăng chi phí cho người sử dụng, từ đó giúp dịch chuyển dòng tiền chi tiêu trong mỗi gia đình, thay vì sử dụng cho thuốc lá, sẽ dịch chuyển sang giáo dục và những chi tiêu thiết yếu khác. Bên cạnh đó có thể giúp giảm thời gian lao động bị mất đi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - tăng năng suất lao động", ông Sơn phân tích.

Riêng về ngân sách, ông Sơn cho rằng, việc tăng thuế TTĐB thuốc lá giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững (SDGs). Nếu tăng thuế xuất với thuốc lá từ 65% lên 85% có thể tăng GDP thêm 0.09%. Nếu tăng thuế xuất từ 65% lên 105% có thể tăng GDP thêm 0.18%. Chậm tăng thuế TTĐB thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2020-2021.

"Thuế TTĐB thuốc lá mặc dù có thể giảm phần doanh thu giữ lại của doanh nghiệp, nhưng phần đóng góp ngân sách tăng lên và tổng cộng đóng góp chung cho nền kinh tế vẫn tăng. Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn là ngược lại", ông Sơn nói.

Đề xuất tăng mạnh và tăng liên tục thuế thuốc lá

Theo TS. Lê Hương Linh (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), một số ý kiến cho rằng, việc tăng thuế sẽ tác động trực tiếp tới người nông dân và người công nhân sản xuất thuốc lá; ngoài ra còn có bên vận chuyển, phân phối và bán lẻ, rồi lao động gián tiếp như cung cấp phân bón, bao gói sản phẩm phụ trợ… Tuy nhiên, hiện số lượng lao động liên quan tới sản xuất thuốc lá chiếm dưới 0,4% tổng lao động trong cả nước - đây là một con số không đáng kể. Một thông tin đáng chú ý là hiện số người làm việc trong nhà máy thuốc lá là hơn 10 nghìn người, đã giảm so với trước đây là 12 nghìn người.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút, giảm gánh nặng bệnh tật.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút, giảm gánh nặng bệnh tật.

"Sản lượng sản xuất thuốc lá tăng, tiêu dùng không giảm, nhưng số lao động giảm xuống do năng suất lao động tăng, do công nghệ cải tiến và tự động hóa. Dẫn điều này cho thấy thuế không phải là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới người lao động", bà Linh nhấn mạnh và khẳng định, lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá lớn hơn nhiều với sự tác động tới người lao động

Chia sẻ thêm, BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, Quỹ có quy định hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng từ thuốc lá sang cây khác, vì trồng thuốc lá phải dùng nhiều thuốc trừ sâu tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, nên việc chuyển đổi sẽ rất được ủng hộ. Hiện Quỹ vẫn đang triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi từ trồng cây thuốc lá sang ớt, ngô lai F1 ở Lạng Sơn và Tây Ninh và kết quả cho thấy, trồng ngô lai F1 và ớt đều cho năng suất cao hơn thuốc lá, thu nhập của người dân khi chuyển đổi cao hơn, nên đây sẽ là cơ sở để nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân.

Cũng theo vị chuyên gia, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay quá rẻ, trên thị trường có 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000-8.000 bao/20 điếu, người thu nhập thấp và người mới hút rất dễ tiếp cận, giá này không có tác động đến tỷ lệ giảm người hút thuốc lá, chưa kể nó còn khuyến khích trẻ em sử dụng thuốc lá. Vì vậy, bà Hải đề xuất, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Trước những ý kiến phản biện của doanh nghiệp thuốc lá nên lùi thời gian tăng thuế và tăng thuế ít hơn, ông Đào Thế Sơn dẫn ví dụ trước đây, việc tăng thuế mỗi lần chỉ 5% và sau 3 năm mới tăng 1 lần.

"Việc tăng thấp và thưa không hiệu quả. Thuế thuốc lá là thuế sức khỏe, không phải là bệnh cấp tính, nhưng thuốc lá gây ra tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc trì hoãn là không nên. Các nhà sản xuất cho rằng, chính sách này gây sốc, nhưng sẽ chỉ là điều chỉnh kinh doanh bán ít đi, nhưng lợi nhuận cao hơn, chứ không phải là gây phá sản", ông Sơn nói.

Các chuyên gia tại buổi tập huấn đều cho rằng, mức thuế TTĐB cao với thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người.

Lệ Thúy - Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-tang-manh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la--i766437/