Chuyên gia nói Trung Quốc đại tu chiến lược chip dưới áp lực của Mỹ

Trung Quốc chuẩn bị đại tu chiến lược chip của mình dưới áp lực từ Mỹ, tập trung vào việc tăng cường điểm mạnh thay vì khắc phục điểm yếu, theo một chuyên gia ngành công nghiệp chip nước này.

Theo trang SCMP, trong một bài phát biểu được phát trực tiếp hôm 29.12, Wei Shaojun, quan chức Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc, cho biết những nỗ lực hiện tại của đất nước nhằm củng cố ngành công nghiệp chip nội địa bằng cách tập trung vào những thiếu sót là sai lầm chiến lược.

Ông hy vọng Trung Quốc sẽ cải tiến cách tiếp cận của mình trong việc vượt qua các hạn chế từ Mỹ bằng cách đưa nhiều nguồn lực hơn vào các lĩnh vực mà cường quốc châu Á này có lợi thế, chẳng hạn các công nghệ xử lý trưởng thành.

Đó là một sai lầm chiến lược khi chỉ lấp đầy những khoảng trống. Trong vài năm qua, chúng tôi càng cố gắng bù đắp những thiếu sót của mình thì càng trở nên thụ động. Chúng ta không nên tập trung vào việc khắc phục những điểm yếu mà phải tăng cường những điểm mạnh của mình”, Wei Shaojun, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh IC (mạc tích hợp) Trung Quốc ở thành phố Thâm Quyến.

Liên quan đến một bản tin gần đây của Reuters cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 144 tỉ USD) trong 5 năm tới để trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, Wei Shaojun nói ông đã kiểm tra với các mối quan hệ của mình nhưng “không ai nói về kế hoạch như vậy”.

Thay vào đó, Wei Shaojun tiết lộ Trung Quốc sẽ tiến hành thiết kế lại hoàn toàn chiến lược của mình để tận dụng tốt hơn các nguồn lực và sử dụng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy ngành. Ông nói chiến lược mới sẽ đủ mạnh mẽ để tồn tại ít nhất cho đến năm 2035.

Wei Shaojun cho biết ngành công nghiệp chip nên chuyển trọng tâm sang các nút quy trình trưởng thành và các lĩnh vực khác ít nhạy cảm hơn với các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Mỹ, hiện bao gồm chip tiên tiến và tự động hóa thiết kế điện tử. Ông dự đoán Mỹ sẽ thắt chặt hơn nữa các nỗ lực trong việc hạn chế sự phát triển chip của Trung Quốc.

Sẽ có một sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ? Cá nhân tôi không có nhiều hy vọng”, Wei Shaojun nói.

Nhận xét của Wei Shaojun được đưa ra sau khi tham vọng đạt được sự tự chủ về công nghệ của Trung Quốc đã bị giáng một đòn mạnh vào đầu tháng này. Mỹ đã thêm YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc) và hơn 30 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen xuất khẩu, với lý do lo ngại Bắc Kinh đang sử dụng các công nghệ thương mại để hiện đại hóa quân đội của mình.

Nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cốt lõi của Mỹ, các hành động mới nhất từ chính quyền Biden đánh dấu sự leo thang đáng kể so với các biện pháp trừng phạt có mục tiêu trước đó với các công ty riêng lẻ, chẳng hạn như Huawei và SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc).

Một loạt động thái của Mỹ đã đặt chất bán dẫn trở thành trung tâm cuộc chiến công nghệ toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống để hỗ trợ các công ty sản xuất chip trong nước bằng các khoản trợ cấp lớn và các hình thức hỗ trợ khác. Vào năm 2014, họ đã thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc (được biết đến với tên địa phương là Big Fund) làm phương tiện tài chính chính để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Vòng đầu tư đầu tiên đạt hơn 138 tỉ nhân dân tệ.

Đến năm 2019, tổng vốn đầu tư chip do chính phủ hỗ trợ ở Trung Quốc đạt gần 500 tỉ nhân dân tệ, theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc.

 Trung Quốc sẽ tiến hành đại tu chiến lược chip của mình để tận dụng tốt hơn các nguồn lực và sử dụng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước - Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc sẽ tiến hành đại tu chiến lược chip của mình để tận dụng tốt hơn các nguồn lực và sử dụng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước - Ảnh: Shutterstock

Giữa tháng 12 vừa qua, ba nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Đây là một bước quan trọng hướng tới khả năng tự cung tự cấp chip để chống lại các động thái của Mỹ nhằm làm chậm tiến bộ công nghệ của nước này.

Các nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch triển khai một trong những gói khuyến khích tài chính lớn nhất trong 5 năm, chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Theo các nguồn tin, kế hoạch có thể được thực hiện ngay trong quý 1/2023.

Hai trong số các nguồn tin tiết lộ phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo chất bán dẫn. Những công ty như vậy sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.

Trung Quốc có chính sách ưu tiên đã nêu để phát triển ngành công nghiệp chip độc lập.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden vào tháng 8 thông qua đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỉ USD tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD.

Đạo luật Chips and Science là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm duy trì và thậm chí mở rộng vai trò lãnh đạo công nghệ của nước này trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc xoay quanh chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Với gói ưu đãi của mình, Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, lắp ráp, đóng gói, nghiên cứu và phát triển trong nước.

Các nguồn tin cho biết kế hoạch mới nhất của Trung Quốc cũng bao gồm cả các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước này.

Các nguồn từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-noi-trung-quoc-dai-tu-chien-luoc-chip-duoi-ap-luc-cua-my-191580.html