Chuyên gia nói về đề xuất giao dịch nhà đất online như chứng khoán
Theo chuyên gia, việc chứng khoán hóa và số hóa giao dịch bất động sản không chỉ là một giải pháp tình thế mà là xu hướng tất yếu, giúp thị trường vận hành minh bạch, chuyên nghiệp hơn, góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam theo hướng bền vững.
"Cuộc cách mạng" về đất đai, bất động sản?
Thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, thao túng giá, giao dịch không minh bạch và hiện tượng "bong bóng" bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với giao dịch, giá cả và thông tin pháp lý của các dự án bất động sản.
Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng vừa công bố kế hoạch thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về chấn chỉnh thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thúc đẩy nhà xã hội.
Trong đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc chứng khoán hóa và số hóa giao dịch bất động sản, liên thông dữ liệu đất đai, thuế, công chứng, đăng ký giao dịch trên nền tảng điện tử.
Theo các chuyên gia, đây không chỉ là bước đi quan trọng để minh bạch thị trường mà còn giúp tối ưu hóa công tác quản lý nhà nước, quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh, mà còn làm gia tăng tính thanh khoản của bất động sản.

TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, khi được áp dụng, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, rất ủng hộ và đồng tình với việc Bộ Xây dựng đang triển khai và đề xuất kế hoạch liên thông dữ liệu bất động sản, cho phép thực hiện giao dịch qua hệ thống điện tử tích hợp với cơ quan công chứng, thuế, đăng ký đất đai…
Theo TS. Trần Xuân Lượng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang trong “Kỷ nguyên vươn mình” đổi mới thể chế, cơ chế, số hóa, công nghệ hóa... do đó, hoàn toàn có cở sở để thực hiện thành công chủ trương này.
“Chúng ta đã có nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi được kết hợp với đất đai, nhà cửa, tài sản và đầu tư… nếu được triển khai và hoàn thiện dữ liệu được đồng bộ thì đây là một việc chưa bao giờ làm được, là một "cuộc cách mạng" của ngành đất đai, bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung, là cơ sở là điều kiện quan trọng để triển khai mô hình chứng khoán hóa và số hóa giao dịch bất động sản”, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, TS. Trần Xuân Lượng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru. Chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương, “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Cụ thể, là các Luật liên quan về định giá cần đồng bộ và phù hợp với Tiêu chuẩn định giá quốc tế.
“Siết” lại tình trạng trốn thuế
Cũng theo TS. Trần Xuân Lượng, khi được áp dụng, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Thứ nhất, việc cập nhật dữ liệu giao dịch được thực hiện bất kỳ lúc nào. Khi đó, tình trạng pháp lý, giá cả của bất động sản sẽ được hiển thị minh bạch trên hệ thống, giúp nhà đầu tư ra quyết định chính xác hơn.

Theo chuyên gia, mô hình để giao dịch nhà đất online như chứng khoán sẽ “siết” lại tình trạng trốn thuế bởi mọi giao dịch sẽ được ghi nhận tự động.
Thứ hai, sẽ “siết” lại tình trạng trốn thuế bởi mọi giao dịch sẽ được ghi nhận tự động, giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng kê khai giá thấp.
Thứ ba, tạo nền tảng cho giao dịch bất động sản trực tuyến, người dân có thể thực hiện toàn bộ quy trình giao dịch (ký hợp đồng, công chứng, nộp thuế, đăng ký quyền sở hữu) ngay trên nền tảng số mà không cần đến trực tiếp các cơ quan liên quan.
Thứ tư, mô hình giúp kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu bất động sản sẽ được liên thông với các hệ thống về dân cư, đầu tư, xây dựng, giúp quản lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, TS. Trần Xuân Lượng cho rằng, để thực hiện mô hình này, cơ quan quản lý cần đồng bộ thực hiện loạt giải pháp. Đầu tiên, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, sớm ban hành khung pháp lý cho giao dịch điện tử, chứng khoán hóa bất động sản và tích hợp blockchain.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống giao dịch bất động sản trực tuyến dựa trên blockchain và trí tuệ nhân tạo AI. Đặc biệt là ứng dụng các phần mềm, và tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho việc định giá hàng loạt.
Tiếp theo, thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý, đảm bảo tính minh bạch và kiểm soát thị trường tốt hơn.
Cùng với đó, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia, các sàn giao dịch và ngân hàng cần được tạo điều kiện tích hợp với hệ thống mới; Tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế các hành vi thao túng giá, đầu cơ đất đai.
Cuối cùng, cần tăng cường tính bảo mật và an toàn thông tin, dữ liệu đặc biệt là các dữ liệu liên quan đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Cần bảo mật, phân cấp phân quyền, khai thác sử dụng, có thu phí… Bởi đây được coi là một dạng tài nguyên quốc gia mới. Cần được quản lý và khai thác có hiệu quả.