Dồn dập nhận tin xấu, báo động 'vua trái cây' 3,2 tỷ USD
Dù 'vua trái cây' vừa lập kỷ lục xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm vừa qua, song việc dồn dập nhận tin xấu từ các thị trường cũng là báo động cho thế mạnh này của nước ta.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 3,21 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm trước đó và là mức cao kỷ lục lịch sử.
Đặc biệt, với tỷ trọng lên tới 44,94% tổng giá trị xuất khẩu của ngành rau quả, sầu riêng đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung, đưa kim ngạch toàn ngành hàng này trong năm 2024 vọt lên 7,15 tỷ USD.
Thế nhưng, giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta tính đến ngày 15/2 chỉ đạt 525 triệu USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sầu riêng tính đến giữa tháng 2 chỉ đạt 3.500 tấn, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm 2024, Tiền Phong dẫn số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT.
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh này là bởi Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất cấm vàng O trên trái sầu riêng.

Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh. Ảnh: TL
Trao đổi với PV.VietNamNet ngày 20/2, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thừa nhận, đầu năm nay xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc gặp “trục trặc”, bởi hải quan quốc gia này kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cuối tháng 1 và đầu tháng 2 vừa qua là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày. Trong khoảng thời gian này, hoạt động xuất khẩu sầu riêng hay các mặt hàng nông sản khác cũng sụt giảm.
Riêng chất vàng O, ông Nguyên thông tin thêm, sự việc này khởi nguồn từ sầu riêng Thái Lan. Các lô hàng của Thái xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện có chất vàng O. Ngay sau đó, họ siết chặt kiểm tra 100% lô sầu riêng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, sầu Việt Nam liền bị “vạ lây”.
Do đó, thời điểm đầu năm nay nhiều lô sầu riêng phải quay đầu do chưa có giấy kiểm định chất vàng O, một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu để chờ hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo đối với một số lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (ATTP).
Việc gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn xảy ra.
Mới đây, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) thông tin, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan - Trung Quốc (FDA) vừa có văn bản thông báo sẽ gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của FDA, để đảm bảo an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra từng lô sản phẩm sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam, thời gian kéo dài đến 30/4.
Trước đó, tháng 8 năm ngoái, FDA ban hành yêu cầu kiểm tra từng lô sầu riêng tươi nhập từ Việt Nam, thời hạn kiểm tra kéo dài đến ngày 11/2/2025 do phát hiện 4 lô hàng nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn.
Cuối tháng 12 năm ngoái, “vua trái cây” của Việt Nam cũng nhận tin EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam từ 10% lên 20% sau khi phát hiện tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc các quốc gia siết chặt kiểm dịch thực vật, kiểm tra các hoạt chất cấm là điều hết sức bình thường trong xuất nhập khẩu nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng.
Song, đây cũng là những “báo động”, người nông dân và doanh nghiệp cần phải làm ăn nghiêm túc hơn nếu không muốn mất thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát cũng như phổ biến các thông tin mới từ thị trường xuất khẩu để người nông dân cũng như các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, tránh việc “vô tình không biết rồi vi phạm”, ảnh hưởng đến cả ngành hàng.
“Sầu riêng Thái Lan bị kiểm tra chất vàng O khiến hàng ùn ứ. Ngay lập tức cả hệ thống chính trị của họ vào cuộc với chiến dịch đặc biệt cùng các biện pháp mạnh để xử lý vi phạm”, ông Nguyên nói. Ngay sau đó, sầu riêng Thái được thông quan sang Trung Quốc trở lại. Ông nhấn mạnh, đây cũng là bài học cho Việt Nam về cách quản lý và giải quyết nhanh các vấn đề khi gặp phải.
Theo ông Nguyên, tại Việt Nam đã có nhiều phòng kiểm nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận. Các lô sầu có giấy kiểm định đầy đủ khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc diễn ra bình thường. Hoạt động xuất khẩu cũng đang phục hồi và dự kiến từ tháng 3 sẽ ổn định.
“Giá sầu riêng tại các vùng trồng sau khi sụt giảm đang nhích dần lên”, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay.
Trong cuộc họp giao ban của Bộ NN-PTNT đầu tháng 2, lãnh đạo bộ cũng yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật nhằm đáp ứng yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP. Đồng thời, đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.