Chuyên gia quốc tế chia sẻ bí quyết để có hạnh phúc trong giáo dục

Thầy Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu GD và Phát triển Nhân lực (EDI), nguyên Tổng hiệu trưởng của TH School đã có những chia sẻ thú vị về hạnh phúc trong giáo dục.

Một hội thảo quy mô quốc tế với các chuyên gia hàng đầu về giáo dục vừa được Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức trong hai ngày 23 và 24/11 với bốn phiên thảo luận, tập huấn chuyên sâu dành cho cả phụ huynh và giáo viên.

Trong bối cảnh học sinh Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực học tập và tư tưởng giáo dục áp đặt truyền thống vẫn khá nặng nề, trường học hạnh phúc cũng đang là vấn đề được ngành giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm triển khai trong những năm gần đây. Vì thế, hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục” đã thu hút đông đảo giáo viên, phụ huynh đăng ký tham gia.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn thầy Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI), nguyên Tổng hiệu trưởng của TH School.

Tạo ra một trung tâm giáo dục tại Hà Nội

- Thưa ông, được biết Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) vừa tổ chức Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục”. Đây cũng là chủ đề đang được đặc biệt quan tâm ở Việt Nam. Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của hội thảo?

Thầy Stephen West: Hội thảo này được tổ chức để mang tới một dịp, một cơ hội tuyệt vời để các giáo viên, trường học và những người quan tâm tới giáo dục bàn về tầm quan trọng của hạnh phúc.

Chúng tôi biết rằng đây đang là xu hướng toàn cầu và hiện nay là thời điểm tốt, thực sự quan trọng để thảo luận khía cạnh hạnh phúc trong các trường học. Hội nghị đã đưa các diễn giả quốc tế đến Hà Nội và cho họ cơ hội chia sẻ quan điểm của mình về các xu hướng toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên có một hội nghị quốc tế như vậy tại Hà Nội, và chúng tôi muốn tổ chức sự kiện này hằng năm. Mục tiêu của tôi với tư cách là Giám đốc EDI là tạo ra một trung tâm giáo dục góp phần phát triển nhân lực cho ngành giáo dục và đưa các diễn giả quốc tế chất lượng về để chia sẻ kiến thức, tầm nhìn, xu hướng với cộng đồng giáo dục Việt Nam.

 Thầy Stephen West trao đổi với phóng viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thầy Stephen West trao đổi với phóng viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Ông định nghĩa thế nào là một ngôi trường hạnh phúc?

Thầy Stephen West: Tôi nghĩ đó là nơi trẻ em cảm thấy an toàn, một môi trường mà trẻ em muốn đến. Nếu trẻ em vui vẻ, các em sẽ muốn đến trường hằng ngày, kể cả trong kỳ nghỉ. Các em cảm thấy nhớ bạn bè, muốn ở gần giáo viên, muốn học hỏi nhiều điều. Đối với tôi, đó là dấu hiệu của một ngôi trường hạnh phúc.

Các em còn có cảm giác trường là nơi các em thuộc về. Tôi nghĩ nhiều trường học hiện nay đã quên mất điều này.

Cảm giác “thuộc về” đôi khi rất đơn giản thôi, ví dụ, nhiều bạn nhỏ rất thích mặc đồng phục, vì điều đó cho các em cảm giác thuộc về, và cảm giác tự hào. Bộ đồng phục, huy hiệu gắn tên, logo… cho biết bạn là ai, bạn thuộc về đâu và lý do bạn thuộc về nơi đó - đó chính là một phần của hạnh phúc.

- Thưa ông, giáo dục là môi trường có nhiều nhân tố, từ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh với nhiều hoạt động. Theo ông, các nhân tố đó phải phối hợp thế nào để có hạnh phúc trong giáo dục?

Thầy Stephen West: Từng nhiều năm là một giáo viên và một nhà lãnh đạo nhà trường, tôi muốn nói rằng mọi người trong trường đều có trách nhiệm. Cần có nỗ lực của cả cộng đồng, cha mẹ cần có trách nhiệm, cộng đồng cần có trách nhiệm.

Con cái là tương lai của chúng ta. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều thể hiện vai trò của mình. Chúng ta cần tạo ra những mối quan hệ tích cực giữa người sử dụng lao động-nhân viên, giáo viên-học sinh, giáo viên-phụ huynh, học sinh-phụ huynh.

- Theo ông, trong các nhân tố làm nên môi trường giáo dục hạnh phúc, đâu là những yếu tố then chốt? Vì sao?

 Theo thầy Stephen West, đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất để có trường học hạnh phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thầy Stephen West, đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất để có trường học hạnh phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thầy Stephen West: Tôi nghĩ phần quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo phải ủng hộ môi trường giáo dục hạnh phúc. Nếu những người lãnh đạo không hiểu rõ về hạnh phúc và định hướng đó, họ sẽ không thể thúc đẩy cả trường tham gia. Tôi nghĩ rằng lãnh đạo trường là ưu tiên hàng đầu, họ phải tham gia vào quá trình đó.

Chương trình giảng dạy cần hấp dẫn, thôi thúc học sinh muốn trở thành một phần của quá trình học tập của trường. Đã qua rồi thời thầy cô giáo chỉ đứng viết lên bảng đen và các em chép bài. Giờ đây chúng ta cần những đứa trẻ tham gia đóng góp ý kiến vào bài giảng, thê hiện suy nghĩ, nói về những điều quan trọng.

Thêm nữa, trẻ em cần cảm thấy an toàn trong môi trường trường học. Mỗi trường học có hàng trăm học sinh và những đứa trẻ phải hòa thuận với nhau, có những mối quan hệ tốt. Các em cần có cảm giác được thuộc về, cảm thấy rằng các em an toàn ở đây. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng.

Giảm bớt kỳ vọng và coi học sinh là đối tác

- Trong các nhà trường, giáo viên là người sẽ trực tiếp tiếp xúc với học sinh mỗi ngày. Theo ông, giáo viên cần có tố chất gì, cần được đào tạo như thế nào để có thể đảm nhiệm sứ mệnh góp phần quan trọng mang lại hạnh phúc trong giáo dục?

Thầy Stephen West: Rất nhiều giáo viên trước đây có thói quen yêu cầu học sinh như một mệnh lệnh. Chúng ta phải thay đổi cách giảng dạy này. Chúng ta cần học sinh trở thành các đối tác để cùng nhau đạt được mục tiêu. Đó là một khía cạnh mà chúng ta cần đào tạo các giáo viên để họ không chỉ là giáo viên mà còn là một người cộng tác với trẻ em.

Đôi khi giáo viên có thể học hỏi từ học sinh. Tôi nghĩ đó là một phần của sự thay đổi mà chúng ta cần có. Ví dụ, bản thân tôi đã chứng kiến các học sinh thời nay am hiểu công nghệ nhanh hơn nhiều so với giáo viên..

Làm thế nào để các giáo viên có cách truyền đạt với năng lượng và thái độ tốt hơn? Nếu trẻ em có thể thấy rằng đó mỗi ngày giáo viên đi làm và truyền đi năng lượng tích cực: “Tôi đến đây hôm nay và mỗi ngày là một ngày mới, mỗi ngày là một trải nghiệm mới và chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi”, trẻ em sẽ học theo. Nhưng nếu một ngày bạn bước vào và nói: “Trời ơi, hôm nay là thứ Tư, tôi mệt” - trẻ em cũng sẽ học theo. Thái độ là một điều quan trọng. Giáo viên cần thể hiện thái độ phù hợp.

 Thầy Stephen West trong không gian thư viện của Trường TH School. (Ảnh: PV/VietnamPlus)

Thầy Stephen West trong không gian thư viện của Trường TH School. (Ảnh: PV/VietnamPlus)

- Khi giáo viên có cách tiếp cận nhẹ nhàng với học sinh, liệu điều đó có làm suy yếu “uy quyền” của họ trong mắt học sinh và phụ huynh không, thưa ông?

Thầy Stephen West: Khi tôi học sư phạm ở Australia, hiệu trưởng của tôi đã nói với tôi rằng trong năm đầu tiên, tháng đầu tiên đi làm, bạn phải là một giáo viên nghiêm khắc, vì bạn đặt ra các quy tắc, bạn đặt ra các ranh giới và trẻ em sẽ tôn trọng bạn, vì các em biết bạn mong đợi điều gì.

Sau đó, hãy trở lại thành một người bình thường. Bạn hãy cộng tác, làm bạn, giao lưu với các em giúp các em biết bạn là ai. Hãy chia sẻ những câu chuyện, hành trình cuộc sống của bạn, chia sẻ những thăng trầm mà bạn đã trải qua.

Hãy ở bên các em. Đó là điều thật sự quan trọng.

- Vậy, đâu là những dấu hiệu cho thấy học sinh thực sự hạnh phúc?

Thầy Stephen West: Các em có háo hức học tập không? Điều đó thực sự quan trọng. Như tôi đã nói, điều quan trọng là các em muốn đến trường, các em có động lực, các em có mối quan hệ bền chặt với bạn bè.

Và ở những nơi trẻ em hạnh phúc trong trường học, bạn sẽ thấy ít tình trạng bắt nạt hơn. Bắt nạt là một vấn đề lớn. Từng là một hiệu trưởng, tôi cũng xem xét khá nhiều về vấn đề này và tự hỏi điều gì đang xảy ra với tình trạng đó? Nó bắt nguồn từ đâu? Làm sao để chúng ta khắc phục tình trạng này? Hẳn là phải có một số vấn đề xã hội trong trường học và tôi nghĩ rằng, việc xây dựng mối quan hệ trong trường học là thật sự quan trọng.

 Giờ học của thầy và trò của ngôi trường hạnh phúc TH School. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giờ học của thầy và trò của ngôi trường hạnh phúc TH School. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một “chỉ báo” quan trọng nữa là có ít sự lo lắng và căng thẳng. Tất nhiên không phải chúng ta đo lường những điều đó ở trẻ em hằng tháng. Chúng ta hãy dẫn dắt các em bằng cách làm gương. Là giáo viên và nhà giáo dục, chúng ta nói chuyện với trẻ em, chúng ta hỏi thăm các em xem mọi thứ diễn ra như thế nào, chúng ta chia sẻ với các em. Chúng ta cũng lắng nghe ý kiến của lũ trẻ.

Chúng ta cần để các em có tiếng nói trong trường học. Vì sao các em vui? Vì sao các em không vui? Chúng ta có thể làm gì tốt hơn với tư cách là nhà giáo dục? Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng.

Đừng chỉ quan tâm đến những kỳ thi

- Hiện Việt Nam cũng đang tích cực triển khai mô hình “trường học hạnh phúc”. Theo ông, đâu là những thuận lợi cũng như những khó khăn, rào cản, vướng mắc trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, để có hạnh phúc trong giáo dục? Giải pháp tháo gỡ cho những rào cản đó là gì?

Thầy Stephen West: Câu hỏi của bạn bao gồm hai phần - thuận lợi và khó khăn.

Tôi nghĩ rằng mặt tốt là chúng ta cải thiện được phúc lợi của học sinh trong trường học. Đó là một điều quan trọng. Nếu trẻ em có phúc lợi tốt hơn thì thành tích học tập của các em sẽ cải thiện.

Một điều quan trọng là trẻ em cần có mối quan hệ bền chặt hơn, điều giúp các em giảm lo lắng và căng thẳng. Chúng ta không còn chỉ quan tâm đến việc các em vượt qua các kỳ thi mà quan tâm đến việc chúng ta có những kỹ năng nào, cách các em sử dụng những kỹ năng đó.

Về khó khăn trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, thực tế là rất nhiều giáo viên, nhà giáo dục và thậm chí cả phụ huynh đôi khi không muốn thay đổi. Họ thích hệ thống cũ.

Bạn biết đấy, phụ huynh thích có kỳ thi. Họ muốn trẻ em ghi nhớ mọi thứ và làm bài kiểm tra thật tốt. Vì vậy, kỳ thi trở thành trọng tâm.

Đối với chúng tôi, đó không phải là trọng tâm. Vấn đề là trẻ em hạnh phúc như thế nào? Chúng có thích trải nghiệm này không và chúng có thể giúp gì cho một em có kết quả bài kiểm tra không tốt? Kết quả kiểm tra không tốt không đồng nghĩa ai đó là người yếu kém, chỉ có nghĩa là họ không phù hợp để làm bài kiểm tra.

 Hạnh phúc trong giáo dục là khi trẻ em thích đến trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hạnh phúc trong giáo dục là khi trẻ em thích đến trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn những hạn chế về nguồn lực thì sao? Chúng ta biết rằng để hạnh phúc trong một ngôi trường, các trường phải đầu tư tiền bạc. Bạn cần nhiều sách hơn, nhiều sản phẩm trực tuyến hơn, nhiều phần mềm hơn, nhiều nguồn lực hơn cho sáng tạo, và đó sẽ là một khoản đầu tư mà các trường phải thực hiện. Và điều đó không dễ dàng.

Chúng ta biết rằng rất nhiều trường hiện đang chịu áp lực về thành tích học tập xuất sắc. Nếu bạn nhìn vào một số trường đại học trên thế giới, các trường được xếp hạng và sinh viên chọn trường đại học tốt nhất để theo học dựa trên bảng xếp hạng. Theo cách như vậy thì đó không phải là những nơi hạnh phúc. Với tôi, tôi nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta cần tránh.

- Giảm áp lực cho học sinh đúng là một nhiệm vụ hiện nay để trường học hạnh phúc hơn. Nhưng cũng có câu “Không có áp lực, không có kim cương.” Điều này có đối lập với triết lý hạnh phúc trong giáo dục không, thưa ông?

Thầy Stephen West: Đó là một câu hỏi rất thú vị. Bạn nói đúng, bạn phải có áp lực.

Tất cả chúng ta đều trải qua những giai đoạn và thời khắc trong cuộc sống mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, nhưng cũng có những giai đoạn chúng ta không hạnh phúc.

Nếu chúng ta suy ngẫm về lý do tại sao chúng ta không hạnh phúc, thì đó là một phần trong hành trình học hỏi - bởi vì chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình để hạnh phúc.

Và tôi nghĩ rằng để đạt được bất kể điều gì, để chạm đến những mục tiêu của mình, bạn phải trải qua khó khăn, và sau đó khi bạn đạt được những mục tiêu đó, bạn lại trở nên hạnh phúc.

Cuộc sống là trải qua những chuỗi thăng trầm liên tiếp và điều đó định hình bạn, tạo nên con người bạn.

 Thầy Stephen West. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thầy Stephen West. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy, để trở thành “viên kim cương,” bạn phải trải qua áp lực. Đó là sự thật của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều trải qua áp lực. Không có gì đảm bảo trong cuộc sống. Nhưng môi trường học đường cần tạo ra những áp lực “lành mạnh” và phù hợp để thúc đẩy quá trình học tập và phát triển.

Bài học kinh nghiệm từ TH School

- TH School được đánh giá là trường học hạnh phúc, vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ việc đào tạo giáo viên tại TH School để tạo nên hạnh phúc - trong giáo dục? Đâu là những bài học kinh nghiệm từ TH School mà các đơn vị trường học khác có thể học hỏi?

Thầy Stephen West: Viện EDI chúng tôi đã đào tạo giáo viên về hạnh phúc và một số trong những điều đó là sự gắn kết: Làm thế nào để bạn thu hút học sinh đến lớp? Bạn quản lý lớp học thế nào để đảm bảo rằng tất cả các em đều tham gia?

Trở lại với những gì tôi đã nói ở trên, bạn giảm kỳ vọng đối với học sinh trong lớp, nhưng đảm bảo rằng mọi người đều làm bài tập. Một số em có thể đọc một đoạn văn rất nhanh, nhưng một số em có thể chỉ đọc trôi chảy nửa đoạn văn, một số em khách có thể chỉ đọc được một mẩu ngắn. Từ đó, bạn đặt ra kỳ vọng của mình về những gì các em có thể làm. Chúng tôi đã tổ chức các khóa học về điều đó.

Chúng tôi cũng đã thực hiện các khóa học về cách các trường phản hồi với phụ huynh. Cha mẹ các em muốn nghe điều gì khi họ đi họp phụ huynh? Phụ huynh cần biết những gì để hỗ trợ học sinh ở nhà? Không chỉ là con tôi học tốt ở trường như thế nào mà còn cần biết thiên hướng của các em và những gì phụ huynh có thể làm ở nhà để hỗ trợ trẻ.

Chúng tôi cũng đưa ra các sáng kiến giảm thời gian các em sử dụng màn hình điện tử. Chúng tôi biết rằng các bậc phụ huynh rất phản đối việc trẻ em “online” mọi lúc nhưng vấn đề ở chỗ, các em đang sống trong một xã hội công nghệ, nơi các em “online” cả trong và ngoài trường học.

Vì vậy, chúng tôi đã quy định vào thứ Hai mỗi tuần, sẽ không có thời gian cho các em sẽ không sử dụng “màn hình.” Chúng tôi cho các em quay lại với các bài học cơ bản. Tuần tiếp theo sẽ là thứ Ba. Tuần sau đó sẽ là thứ Tư… mỗi tuần, có một ngày riêng để trẻ em “không online, không màn hình.” Các em sẽ học theo kiểu cũ với tài liệu giấy - các em thảo luận, sáng tạo mà không dùng đến công nghệ.

Chúng tôi cảm thấy điều đó là quan trọng trong việc giúp trẻ em xích lại gần nhau hơn, để các em trở thành một phần của trường học, một phần của trải nghiệm hợp tác trong học tập.

Các giáo viên tại TH School cũng đã được đào tạo về hợp tác giảng dạy. Chúng tôi biết rằng ở Việt Nam thường có một giáo viên đứng lớp. Với chúng tôi, hầu hết các lớp học đều có một giáo viên trợ giảng. Chúng tôi có các hội thảo về cách một giáo viên và người trợ giảng có thể làm việc tốt nhất cùng nhau để trở thành những thầy cô chia sẻ hiệu quả. Cả hai cùng lúc hỗ trợ các học sinh. Họ làm việc cùng nhau để giúp học sinh đạt được mục tiêu. Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng.

Một lĩnh vực khác mà chúng tôi thực sự có thể giúp các trường học, là lĩnh vực tiếp thị các dịch vụ giáo dục và cách bạn phản hồi với khách hàng rất quan trọng./.

 Học sinh Trường TH School biểu diễn âm nhạc trên sân khấu lớn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Học sinh Trường TH School biểu diễn âm nhạc trên sân khấu lớn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-quoc-te-chia-se-bi-quyet-de-co-hanh-phuc-trong-giao-duc-post995930.vnp