Chuyên gia quốc tế khuyến nghị nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến và gợi mở chính sách từ nhiều chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế uy tín. Đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua và các định hướng chính sách trong thời gian tới, các ý kiến đưa ra những khuyến nghị cụ thể, sát hợp với thực tiễn nhằm tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Bảo đảm ổn định tài chính, tập trung cải cách tài chính công
Năm 2022 chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng khi Việt Nam mở cửa trở lại. Các chính sách hỗ trợ, tăng trưởng tín dụng mạnh và việc triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi kèm với tăng trưởng mạnh ở khu vực sản xuất, chế biến - chế tạo, sự phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch. Đưa ra nhận định này, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn đang đối diện với những rủi ro như: lạm phát có thể tăng nhanh hơn so với dự báo; lạm phát lương thực, thực phẩm có thể tăng lên, hoặc không còn neo được lạm phát kỳ vọng; tăng trưởng toàn cầu chậm lại; các điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến sẽ làm tăng chi phí tài chính và có thể làm chảy vốn ra nước ngoài như ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực; sự bất định nhiều hơn trong thương mại toàn cầu và thị trường tài chính có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế...
Trước những dự báo này, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần ngày càng thận trọng với những rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát dai dẳng tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cần thắt chặt hơn nữa vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng về các động lực chính sách giúp kiềm chế lạm phát. Chính sách tài khóa phải nhanh chóng, linh hoạt, quy mô và các hỗ trợ chính sách tài khóa cần được chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cũng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để bảo đảm ổn định tài chính. Trong tương lai, tăng sức chống chịu của hệ thống ngân hàng (bằng cách tăng vốn) sẽ là điều cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn. Cùng với đó, cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp non trẻ.
Gợi mở chính sách nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam cần tập trung cải cách một số lĩnh vực như hệ thống quản lý tài chính công; lĩnh vực tài chính; mua sắm công… Trong đó, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhằm tăng cường năng lực dự báo khả năng thu và dự toán thu ngân sách của các tỉnh; xác định các sửa đổi liên quan tới khung khổ về phân bổ chi tiêu giữa các cơ quan chính phủ; hỗ trợ cải cách thuế nhằm tăng cường khả năng huy động nguồn lực trong nước; cải thiện hoạt động và duy trì dự toán ngân sách chi tiêu cho các dự án vốn, vì chi phí duy trì đôi khi không được tài trợ đầy đủ hoặc không được hạch toán vào ngân sách hàng năm liên tục sau khi hoàn thành dự án. ADB cũng sẽ giúp tăng cường năng lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong hoạt động giám sát chất lượng kiểm toán do kiểm toán viên bên ngoài thực hiện đối với các dự án khu vực công.
Trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực ngân hàng đang chiếm ưu thế, trong khi thị trường trái phiếu đang phát triển nhanh chóng nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc trái phiếu doanh nghiệp làm gia tăng rủi ro. Cách tốt nhất để thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thông qua các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rộng rãi. Vì ở Việt Nam, “văn hóa” xếp hạng tín nhiệm còn chưa phổ biến, điều này có thể được trau dồi thông qua xếp hạng bắt buộc - ADB hiểu rằng vấn đề này có thể đang được xem xét trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153 của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn
Ảnh: Doãn Tấn
Ba đề xuất của Ngân hàng Thế giới giúp thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số được đẩy mạnh trong thời gian đại dịch và được xác định là một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Andrea Coppola - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Diễn đàn.
Ông Andrea Coppola cho biết, chuyên đề gần đây của WB về Việt Nam số hóa đã đưa ra 3 đề xuất nhằm khai thác tối đa xu hướng chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng đến tăng trưởng năng suất, là: đầu tư cho nâng cao kỹ năng; đầu tư cho nền tảng số và đầu tư cho doanh nghiệp số. Trong đó, đối với đầu tư cho kỹ năng số là hết sức quan trọng, kiến thức về công nghệ số đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế số. WB khuyến khích các cấp có thẩm quyền xây dựng lộ trình về kỹ năng số của quốc gia; khuyến khích đầu tư cho chất lượng giáo dục; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động để có được những kỹ năng mới.
Đối với đầu tư cho nền tảng số, như hạ tầng dữ liệu và quản trị dữ liệu, ông Andrea Coppola cho rằng, cần khuyến khích nhanh chóng triển khai hạ tầng số năng lực cao, trong đó có mạng 5G, cải thiện mức độ sẵn sàng đối với điện toán đám mây; tăng cường khung pháp lý quy định về sử dụng và chia sẻ dữ liệu; cải thiện sự tin cậy và an toàn trên không gian mạng.
Sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng đóng vai trò rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Theo đó, cần giảm rào cản gia nhập để ủng hộ cạnh tranh, mở rộng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ số và ứng dụng công nghệ; hoàn thiện khung pháp lý phục vụ các hoạt động công nghệ tài chính (fintech).
Sự phục hồi lấy con người làm trung tâm và một tương lai việc làm tốt hơn cho thanh niên
Đưa ra những đánh giá về tác động của đại dịch đối với thị trường lao động, đặc biệt là đối với thanh niên, Đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chuyên gia trong lĩnh vực việc làm Felix Weidenkaff cho rằng, vai trò và sự đóng góp của thanh niên đối với nền kinh tế và thị trường lao động là trọng tâm của phục hồi toàn diện và bền vững. Việt Nam và các nền kinh tế trong khu vực đang ở thời điểm quan trọng. Các chính sách phục hồi cần giải quyết nguy cơ dễ bị tổn thương trước tác động của khủng hoảng nhằm ngăn ngừa những hệ lụy kinh tế - xã hội sâu sắc hơn, đồng thời, thúc đẩy tương lai việc làm tốt hơn cho thanh niên.
Đưa ra những gợi mở chính sách cho Việt Nam, ông Felix Weidenkaff đề xuất 5 điểm. Trong đó, thị trường lao động hoạt động tốt hơn, tạo ra công việc chất lượng cho phép thiết lập vòng tuần hoàn giữa năng suất và công việc tốt. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ kinh tế vĩ mô tiếp tục được điều chỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy nhu cầu lao động và hỗ trợ lao động trẻ trong quá trình chuyển đổi thị trường lao động. Chuyên gia của ILO khuyến nghị, cần xây dựng quá trình này thông qua chuyển đổi - tái cơ cấu kinh tế, đầu tư cho chuyển đổi kinh tế và tạo việc làm tốt, có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và thay đổi công nghệ. Áp dụng các chính sách hỗ trợ thị trường lao động và thúc đẩy phát triển kỹ năng. Đưa ra đề xuất này, chuyên gia của ILO cũng nhấn mạnh, "đầu tư cho năng lực của thanh niên là cần thiết để mở đường cho tăng năng suất và giúp thanh niên có được công việc tốt".