Chuyên gia quốc tế nói gì trước thềm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 (VSEF 2022).
Những đóng góp của các đối tác, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và trên cơ sở đó rút ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam để giúp đưa ra được các giải pháp phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế. Sau đây là một số ý kiến tham vấn cho diễn đàn của các chuyên gia quốc tế.
Bà IRINA KORGUNA, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga: "Tôi thực sự cảm thấy rằng việc các nhà lập pháp hàng đầu cởi mở trong việc thảo luận với các chuyên gia, với các nhà khoa, học giả để tìm ra những sự kết hợp tốt, những giải pháp cho nhiều vấn đề mà chúng ta gặp là rất quan trọng và tôi rất vui vì tôi cũng là một phần của cơ chế này. Tôi cũng rất vui khi được chứng kiến Việt Nam đang thay đổi như thế nào. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn và Chính phủ rất quan tâm đến người dân và quan tâm đến tương lai và làm tất cả mọi thứ để có thể trở nên thành công."
Ông CHRISTOPHER JEFFERY, Chủ tịch phòng thương mại Anh quốc tại Việt Nam (Britcham): “Trước tiên, tôi muốn cảm ơn đã cho tôi cơ hội để được đóng góp ý kiến cho Diễn đàn. Nhìn về phía trước, tôi nghĩ chúng ta cần tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Về ngắn hạn, chúng ta cần các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ họ phục hồi năng lực như giai đoạn trước đại dịch và tiếp tục phát triển từ đó. Để làm được như vậy, chúng ta cần đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận được các khoản tín dụng, các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong quá trình này - quá trình thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19.”
Ông LEE JONG SEOB, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương: “Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển bền vững trong hai năm qua, đặc biệt, sự kiện quan trọng nhất là cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến "Chiến lược Kinh tế Tuần hoàn Quốc gia; và cả Kế hoạch phát triển điện 8 nữa. Giai đoạn tiếp theo sẽ là đưa các cam kết, chiến lược và chính sách trên thành chương trình hành động thực tế. Nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt lợi ích này thông qua các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và kết nối chặt chẽ với các tổ chức hợp tác quốc tế, thì sự phát triển bền vững sẽ đạt được trong tương lai gần.”