Chuyên gia Samsung: Chuyển đổi số logistics, tăng hiệu suất quá trình kinh doanh
Theo các chuyên gia Samsung, ở Việt Nam còn tồn tại nhiều thao tác thủ công trong nghiệp vụ logistics. Chuyển đổi số logistics sẽ giúp tăng hiệu suất quá trình kinh doanh.
Sản xuất đang là động lực tăng trưởng kinh tế chính của các nước Đông Nam Á. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), quy mô ngành sản xuất của các nước Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 670 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên thành 1.400 tỷ USD vào năm 2028.
Bên cạnh ngành sản xuất, thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á cũng có mức tăng trưởng lớn, nhất là sau đại dịch. Từ năm 2017-2021, tổng giá trị doanh số thương mại điện tử tại khu vực này đã tăng gấp 5 lần với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 40%.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của quy mô sản xuất và thị trường thương mại điện tử đã có tác động không nhỏ tới các yếu tố hậu cần, logistic.
Việc quản lý mạng lưới kho bãi và đơn hàng trong chuỗi cung ứng ở các quốc gia Đông Nam Á chưa được chuẩn bị sẵn sàng. Bên cạnh đó, do những biến động thị trường, các doanh nghiệp giờ đây có nhu cầu kiểm soát hàng tồn kho ngay từ trong quá trình vận chuyển.
Trước thực trạng trên, việc đổi mới hoạt động của chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh số của các doanh nghiệp. Chuyển đổi số chuỗi cung ứng được xem là một trong những cách chính để tối ưu hóa và thúc đẩy đổi mới.
Tại Hội nghị Hà Nội Cello Square 2023 vừa được tổ chức sáng 3/3, ông DongKyun Kim - Trưởng bộ phận Smart Logistics của Samsung SDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, ở Việt Nam còn tồn tại nhiều thao tác thủ công trong nghiệp vụ logistics, dẫn đến việc giảm hiệu suất trong quá trình kinh doanh.
Theo ông DongKyun Kim, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa được số hóa toàn diện nếu so với doanh nghiệp ở các nước châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ. Còn nhiều điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện trong tiến trình số hóa của mình. Chuyển đổi số lĩnh vực logistic sẽ đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế.
“Ở Việt Nam, ngành sản xuất ngày càng được quốc tế hóa và gần hơn với toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi bán lẻ toàn cầu. Đây cũng là lý do Samsung SDS quyết định đưa nền tảng số hóa logistics - Cello Square vào Việt Nam”, ông DongKyun nói.
Đại diện Samsung SDS nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh. Samsung sẽ tiếp tục đầu tư và quan tâm đến thị trường này, bổ sung các chuyên gia, kỹ sư có tay nghề cao và đưa các nền tảng logistics hiện đại vào Việt Nam để phục vụ chuỗi cung ứng”.