Chuyên gia tiết lộ cách xác định trường dạy nghề chất lượng tốt

Nhiều phụ huynh không muốn cho con học trường dạy nghề vì lo ngại môi trường này có những học sinh ý thức kém, ảnh hưởng đến con mình; học nghề xong không theo được nghề.

Cuộc đua vào các trường trung học phổ thông ngày càng căng thẳng với lượng chỉ tiêu vào công lập tại các khu vực đô thị, thành phố lớn mỗi năm một giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều lý do khiến phụ huynh chưa thoải mái khi lựa chọn trường dạy nghề cho con mình.

Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đặt ra, mục tiêu đến năm 2025, 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội.

Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đặt ra, mục tiêu đến năm 2025, 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội.

Trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chỉ 55,7% học sinh có suất học vào trường trung học phổ thông công lập. Điều này có nghĩa, 44,3% học sinh còn lại của Hà Nội sẽ phải học trường tư, trường dạy nghề hoặc có những lựa chọn khác.

Con số này phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đặt ra. Mục tiêu đến năm 2025, 40 đến 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Nỗi lo trường dạy nghề không đạt chuẩn

Không ít phụ huynh đã hiểu lực học của con mình không thể cạnh tranh vào trường trung học phổ thông công lập. Họ hướng con mình sang học nghề, nhưng vẫn còn phân vân về môi trường và chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề hiện nay.

Nhiều trường dạy nghề lấy chất lượng người học làm trung tâm, tăng thời lượng thực hành trong chương trình giảng dạy. Ảnh: Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội.

Nhiều trường dạy nghề lấy chất lượng người học làm trung tâm, tăng thời lượng thực hành trong chương trình giảng dạy. Ảnh: Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (49 tuổi, Hà Nam) đang có con học lớp 9. Xếp loại học tập của con thường xuyên ở nhóm cuối của lớp khiến anh lo lắng.

"Gia đình luôn động viên cháu cố học để thi vào trung học phổ thông công lập. Nhưng tôi biết là khó lắm. Cũng đã nghĩ hướng con vào các trường dạy nghề nhưng tôi không yên tâm.

Trường nghề thường không thi tuyển, cứ tốt nghiệp trung học cơ sở là được vào. Như vậy là những cháu nào trượt cấp 3 mới vào đó học. Học lực các học sinh đó yếu đều nhau, nhiều cháu ý thức kém, ăn chơi rồi dụ dỗ bạn khác. Con tôi mà cũng đua đòi theo thì sẽ rất mệt", anh Tuấn tâm sự.

Cũng đang có con trong độ tuổi thi lên cấp 3, học lực không tốt, chị Nguyễn Thị Nhung (40 tuổi, Nam Định) băn khoăn về chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề.

"Tôi có 2 đứa cháu từng học trường nghề, học xong cũng có bằng trung cấp nghề. Nhưng khi ra làm đều không theo được nghề phải bỏ.

Các thầy cô ở trường cấp 2 cũng tư vấn gia đình nên cho cháu nhà tôi học trường nghề để vừa có việc làm, vừa có bằng học văn hóa sau khi tốt nghiệp. Nhưng tôi vẫn đang cân nhắc. Bí quá thì cho cháu mở tiệm may đo quần áo ở nhà, đỡ phí thời gian", chị Nhung bộc bạch.

"Học sinh kém cái này thì sẽ giỏi cái khác. Con có thể không học giỏi văn hóa nhưng có thể cắt tỉa giỏi, pha chế giỏi, lắp ráp tốt,…

Phụ huynh phải tìm hiểu các trường qua nhiều kênh. Trong những ngày hội tư vấn tuyển sinh, Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội cho học viên trình diễn kỹ năng của mình. Như pha chế đồ uống trực tiếp, các học sinh đến tham quan sẽ thưởng thức luôn. Người thật việc thật".

Ông Nguyễn Duy Hưng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội

Cách xác minh trường dạy nghề chất lượng tốt

Có nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng: "Hiện nay để thu hút người học, các trường dạy nghề trong nước nói chung, kể cả trường nước ngoài đến Việt Nam, đều có hoạt động quảng cáo, truyền thông và có xu thế nói tốt về mình. Như vậy, phụ huynh mà nghe chỗ nào cũng thấy tốt, chắc chắn sẽ bị ngợp".

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, phụ huynh cần dành thời gian để xác minh chất lượng các trường. Nếu ở gần ngôi trường đang muốn cho con theo học, các bậc cha mẹ hãy đến đấy, hỏi chính học viên nhà trường.

Sau đó tham quan để xem trường có đảm bảo an toàn hay không, có nội quy, quy định tốt không?

Còn nếu không đến được trường, phụ huynh có thể gọi điện, đề nghị nhà trường livestream (gọi điện trực tuyến bằng video) hay cho xem hình ảnh thực tế các phòng học.

Hiện nay, tất cả các trường đều có hoạt động truyền thông (website, số điện thoại…) nên có thể làm được điều này.

Ví dụ muốn con học ngành công nghệ ô tô, các bậc cha mẹ có thể yêu cầu nhà trường cho xem hình ảnh thực tế của trường.

Nếu trường quảng cáo có trang thiết bị học tập hiện đại, đồng bộ, dùng các dòng ô tô đời mới làm mô hình giảng dạy cho sinh viên, thì đề nghị trường cung cấp hình ảnh bản quyền.

"Nếu trường đó làm không tốt, dùng hình ảnh vay mượn, khai thác trên mạng thì không bao giờ dám livestream để giới thiệu với phụ huynh. Lúc đó phụ huynh mới quyết định cũng chưa muộn", ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

Đầu tư cho con người cần phải quan tâm nhiều nhất, trong đó có đầu tư học tập. Học gì, làm nghề gì là vấn đề rất quan trọng đối với cuộc đời các con nên bố mẹ phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, đồng hành".

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Yếu tố thứ hai, các bậc phụ huynh cần xác minh rõ ràng chính sách học phí, chế độ.

Nhà trường có thể thu theo học kỳ, thu theo tín chỉ hay theo tháng, nhưng cuối cùng, trường phải công khai tổng số học phí của học viên trong một năm hết bao nhiêu tiền.

Tránh trường hợp, có nơi, năm đầu, để đảm bảo cạnh tranh thì cho học phí thấp, người học chấp nhận được. Nhưng càng về sau, khi học viên chuẩn bị tốt nghiệp lại đẩy học phí lên, bắt bí phụ huynh.

Phụ huynh nên dành thời gian để xác minh thông tin truyền thông từ trường dạy nghề mà bản thân dự định cho con theo học rồi đưa ra quyết định đúng. Ảnh: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Phụ huynh nên dành thời gian để xác minh thông tin truyền thông từ trường dạy nghề mà bản thân dự định cho con theo học rồi đưa ra quyết định đúng. Ảnh: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Thứ ba, các bậc phụ huynh cần làm rõ đầu ra mà nhà trường đảm bảo là như nào.

Có 2 cấp độ cam kết: cấp độ cam kết giới thiệu việc làm và cấp độ cam kết sinh viên có việc làm. Đây là hai mức khác nhau.

Giới thiệu việc làm là học xong, nhà trường có giới thiệu thật, còn học viên có việc làm hay không thì không rõ.

Còn nếu cam kết sinh viên ra trường có việc làm, phụ huynh có thể đề nghị nhà trường cung cấp danh sách cựu sinh viên mới tốt nghiệp, sau đó gọi điện ngẫu nhiên để hỏi thực tế.

"Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chúng tôi có thể cung cấp số điện thoại cho phụ huynh gọi trực tiếp đến cựu sinh viên của nhà trường để hỏi thông tin này.

Trước khi các em ra trường, tôi sẽ đối thoại với sinh viên. Tại buổi đối thoại, bao giờ tôi cũng hỏi có ai trước khi thi tốt nghiệp còn chưa có việc làm cần nhà trường giải quyết không? Không còn cánh tay nào giơ lên, lúc đấy kỳ thi tốt nghiệp bắt đầu.

Trong buổi đối thoại tôi cũng nói rõ, các em ra trường có một số trách nhiệm với nhà trường. Trong đó, sẽ những đoàn khảo sát, đánh giá chất lượng của trường, bắt buộc phải có tiêu chí là cung cấp số điện thoại và họ gọi ngẫu nhiên đến cựu sinh viên".

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định: "Nếu phụ huynh làm những gì tôi vừa chia sẻ ở trên, chắc chắn sẽ chọn được một trường dạy nghề tốt, loại bỏ các thông tin không chính xác.

Học đại học, cao đẳng hay trung cấp không quan trọng. Quan trọng nhất là phụ huynh, học sinh chọn được hướng đi phù hợp".

Có được nghề nghiệp vững chắc là tương lai người học được đảm bảo, phụ huynh có thể tham khảo những mách nước của các trường dạy nghề trên đây nhằm chọn đúng trường cho con mình.

Đắc Quang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-gia-tiet-lo-cach-xac-dinh-truong-day-nghe-chat-luong-tot-179230316195457117.htm