Chuyên gia: TP.HCM không thể giãn cách mãi, phải thích nghi để mở lại
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng sau khoảng thời gian 'đóng băng' hơn 100 ngày, TP.HCM phải học dần cách thích nghi với dịch bệnh để mở cửa trở lại.
“TP.HCM giờ giống như một cơ thể đã bị đóng băng 100 ngày. Muốn trở lại hoạt động thì phải tập bò, tập đi, nói cách khác là phải có giai đoạn thử nghiệm, khởi động dần dần”, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chia sẻ với Zing về đề án chuẩn bị mở cửa lại TP từ 15/9.
Ông Ngân là một trong những thành viên xây dựng đề án. Theo đó, TP.HCM dự kiến lấy mốc 15/9 để dần phục hồi từng bước các hoạt động kinh tế, dựa trên phân loại người dân có “thẻ xanh”, “thẻ vàng”. Đề án đã được lấy ý kiến các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Sáng 11/9, TP tiếp tục lấy ý kiến các quận huyện, sau đó là các chuyên gia rồi mới ban hành. Ông Ngân khẳng định thành phố sẽ làm bài bản, cẩn trọng, tinh thần là học từng bước cách thích nghi với dịch bệnh chứ không chỉ ngồi chờ.
Tùy theo diễn biến dịch tễ sẽ quyết định việc nới lỏng hay giãn cách
Ông Trần Hoàng Ngân thẳng thắn khẳng định nếu căn cứ vào Quyết định số 3979 của Bộ Y tế về "Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM khi thực hiện Chỉ thị 16” thì TP chưa đạt được các tiêu chí để thực hiện nới lỏng giãn cách.
Thậm chí nếu áp dụng tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì các số liệu của TP.HCM vẫn ở mức khá cao so với các tiêu chuẩn cần thiết để dần mở cửa trở lại.
“Nhưng TP không thể tiếp tục giãn cách mãi, rất khó để đưa số F0 về 0, nên phải thích nghi với dịch Covid-19, tức là phải học cách sống trong môi trường đang có dịch”, ông Ngân nhấn mạnh.
Ông Ngân chỉ ra bài học “learning to live with Covid-19”, tức là học cách sống với Covid-19 mà nhiều nước đang triển khai. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ngày càng có nhiều biến chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện. Theo đó, TP quy định rất chặt chẽ, thận trọng việc mở cửa trở lại với những giai đoạn thử nghiệm thí điểm.
Trong 2 tuần đầu tiên, khoảng 16-30/9, TP.HCM sẽ lựa chọn vùng hẹp, an toàn nhất để thí điểm có thể thực hiện theo chỉ thị 15 hoặc 15+. Trên cơ sở đó, TP sẽ đúc kết các bài học để nhân rộng, ban hành các điều chỉnh cho phù hợp.
“Một điều rất quan trọng khi học cách thích nghi với Covid-19 là tùy theo diễn biến dịch tễ sẽ quyết định việc nơi lỏng hay giãn cách”, ông Ngân nhấn mạnh.
Như vậy, người dân TP.HCM phải điều chỉnh lối sống, cuộc sống của mình trong tình hình mới, doanh nghiệp cần tổ chức học cách tổ chức sản xuất phù hợp dịch bệnh. Cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời ban hành quy định thích nghi.
Thành phố không thể tiếp tục giãn cách mãi, rất khó để đưa số F0 về 0, nên phải học cách sống trong môi trường đang có dịch
TS Trần Hoàng Ngân
Với mỗi người dân, ông Ngân cho rằng cần thay đổi thói quen khi giao tiếp xã hội, tiếp cận các vật dụng vật lý, thói quen khử khuẩn khi về nhà, giữ quy định 5K... sao cho thật an toàn, đề phòng dịch bệnh.
Một vấn đề quan trọng khi học cách sống với Covid-19 là phải học cách bảo vệ trẻ em. Bởi trong mỗi gia đình thì hầu hết có trẻ em, mà đối tượng này thì lại chưa được tiêm vaccine.
Khi mở cửa trở lại nghĩa là người lớn sẽ được đi làm, được ra ngoài vì đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp bảo vệ khi về nhà, trẻ em rất dễ là đối tượng bị lây nhiễm.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện tại số ca trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ, Israel hiện tại khá cao vì chưa được tiếp cận vaccine. Hiện tại, TP.HCM cũng có khoảng 3.000 ca nhiễm trẻ em đang ở trong các bệnh viện.
“Nếu không cẩn thận thì số ca nhiễm ở trẻ em sẽ là cuộc khủng hoảng dịch bệnh tiếp theo của chúng ta. Tôi cũng cho rằng các trường học cũng cần rất thận trọng với việc mở cửa trở lại”, ông nói.
Doanh nghiệp phải học tổ chức sản xuất an toàn
Với doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng họ phải học tổ chức sản xuất an toàn. Doanh nghiệp cần phải tư duy kế hoạch của riêng mình, lên kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức sản xuất trở lại.
Đó là việc chuẩn bị lực lượng lao động an toàn, họ đã được tiêm vaccine hay chưa, đủ 1 mũi hay 2 mũi, rà soát lực lượng lao động đang ở đâu, nếu đang ngoài địa phương khác thì có an toàn hay không...
TP.HCM sẽ hỗ trợ trạm y tế đến gần hơn với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, hỗ trợ các bộ test nhanh… Khi người lao động có dấu hiệu lâm sàng nhiễm SARS-CoV-2 có thể dùng ngay trạm y tế để hỗ trợ điều trị, bóc tách F0 ra khỏi dây chuyền. Như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.
Nhà nước cũng hỗ trợ doanh nghiệp về dữ liệu sức khỏe của người lao động. Thông qua ứng dụng của TP, chủ doanh nghiệp có dữ liệu về sức khỏe của lao động, về số mũi tiêm vaccine, có thể nhắc lao động của mình khi tiêm mũi 2... Hiện cơ sở dữ liệu đang được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế triển khai.
Ông Ngân cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề phối hợp sản xuất giữa các tỉnh thành lân cận của vùng TP.HCM. Tiến tới hình thành chuỗi sản xuất an toàn, liên kết những vùng xanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất mang tính dây chuyền giữa các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước... và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong dự thảo đề án, TP.HCM cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ về sản xuất, lãi suất ngân hàng, các chính sách hỗ trợ người lao động... để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.
Ông Ngân cũng thông tin qua làm việc, phần lớn doanh nghiệp đồng thuận kế hoạch của Thành phố trong việc khôi phục lại nền kinh tế. Doanh nghiệp đánh giá các bước đi đều rất thận trọng, bài bản và ủng hộ cao.
“Các doanh nghiệp đánh giá cao cách làm, thiện chí của lãnh đạo TP. Chúng tôi cho rằng chống dịch thành công thì tiếng nói của người dân là quan trọng, phải có sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, ông Ngân nói.
Người dân chỉ phải quét mã QR tại nơi đi và nơi đến
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cung cấp một thông tin quan trọng đó là việc kiểm soát “thẻ xanh”, “thẻ vàng” thông qua công nghệ thông tin. Theo đó, khi được cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, người dân chỉ cần khai báo ở điểm đi và điểm đến.
Các chốt kiểm soát trên đường sẽ gần như không còn nữa. Ví dụ, người dân có “thẻ xanh” khi muốn vào một trung tâm thương mại hay một tòa nhà thì phải khai báo “thẻ xanh” của mình, cách làm là quét mã QR tại nơi đến. Khi quét thì mọi thông tin chứng minh sẽ được hiện lên.
Hiện tại, trong dự thảo đề án thì đã tính toán đến lộ trình cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng” cho người dân tùy vào tiến độ tiêm vaccine. Hiện tại số lượng người tiêm đủ mũi 2 mới đạt khoảng 13-14% dân số.
Hai tuần đầu thử nghiệm thì cũng là giai đoạn đẩy nhanh tiêm mũi 2. Khi bước vào giai đoạn 2, TP.HCM phấn đấu đạt độ phủ tiêm mũi 2 đạt khoảng 80% dân số.
Quy định thẻ xanh và thẻ vàng cũng phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và chờ đợi
TS Trần Hoàng Ngân
“Sau khi tiêm xong phải có độ trễ khoảng 2-3 tuần mới sinh kháng thể. Do đó, quy định thẻ xanh và thẻ vàng cũng phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và chờ đợi”, ông Ngân chia sẻ.
Việc cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng” đang được triển khai sao cho thuận tiện nhất với người dân. Vài ngày tới, Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ hoàn thành nhập liệu về tình hình tiêm chủng của người dân TP.HCM. TP cũng tính cả đến trường hợp F0 điều trị tại nhà, nhiễm bệnh mà không cần đến bệnh viện.
Cơ sở để cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng” là xét nghiệm định lượng kháng thể. Khi có giấy chứng nhận định lượng kháng thể thì được cấp thẻ xanh. Các trạm y tế phường, nơi gần bệnh nhân nhất, sẽ vào cuộc cùng xác nhận F0 điều trị ở nhà, cấp giấy cho người dân, giúp bảo đảm quyền lợi của người dân.