Chuyên gia trả lời câu hỏi về cội nguồn sức mạnh Israel

Làm thế nào Israel trở thành một trong những quốc gia công nghệ cao nhất là câu hỏi khiến nhiều học giả và chuyên gia quân sự đi tìm câu trả lời.

Ngày nay, Israel chắc chắn là một trong những quốc gia có quân đội sở hữu công nghệ cao nhất, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sở hữu cả hệ thống phòng thủ tên lửa, tàu ngầm tấn công tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo liên lục địa, đầu đạn hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5...

Nhưng làm thế nào mà một quốc gia nhỏ bé, dân số ít, mới được thành lập vào năm 1948 và chưa có một bước phát triển nào, chuyên mua vũ khí từ các nước khác, lại đột nhiên, trong một khoảng thời gian rất ngắn lại đạt được trình độ sản xuất vũ khí cao như vậy?

Theo một số chuyên gia, vấn đề mấu chốt đã thúc đẩy Israel tăng tốc phát triển, không hề cường điệu, chính là mong muốn “sinh tồn” và “cái đầu thông minh của người Do thái”.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Pháp - nước cung cấp máy bay và xe tăng chính cho nhà nước Do Thái, đã dừng sự hợp tác này vì lý do chính trị, trong khi đó, các nước Ả Rập thù địch với Nhà nước Do thái như: Syria, Ai Cập, Iraq…, bắt đầu mua vũ khí tiên tiến từ Liên Xô.

Bất chấp chiến thắng trong Chiến tranh Yom Kippur (được biết đến với các tên gọi khác là “Chiến tranh Ramadan” hay “Cuộc chiến tháng 10”, “Chiến tranh Ả Rập-Israel 1973” và “Chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ tư”), giới lãnh đạo Israel nhận thức rõ rằng cuộc xung đột tiếp theo như vậy sẽ là cuộc xung đột cuối cùng đối với đất nước.

Với trình độ khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cuộc chiến tranh ngày càng tinh vi và tiềm lực tài chính dồi dào của các nước Ả rập, Nhà nước Do thái non trẻ nhận ra rằng, Israel không thể cạnh tranh với các nước Ả Rập cả về nguồn nhân lực, cũng như số lượng vũ khí.

Thay đổi nhận thức, thoát khỏi tư duy thông thường

Israel nhận thức được rằng, chỉ có một lối thoát duy nhất là dùng đến sự đổi mới để biến đất nước trở thành một cường quốc quân sự, dùng vũ khí công nghệ cao để khỏa lấp sự thiếu thốn nhân lực, dùng chất lượng để bù đắp số lượng và chính quyền Tel Aviv đã quyết tâm thực hiện điều đó.

Israel đã bắt tay vào một chương trình toàn quốc nhằm hình thành các ngành mới trong nền công nghiệp quốc phòng, đồng thời, tất cả các nguồn lực giáo dục trong nước đều hướng tới mục đích nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển vũ khí công nghệ cao.

Israel đã chi một phần đáng kể trong GDP hàng trăm tỷ USD của mình cho mục đích này, tỷ lệ chi chi cho nghiên cứu phát triển của Israel nhiều hơn gấp bội so với các quốc gia khác.

Một số chương trình được chủ trì và phụ trách trực tiếp trong Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), với việc tuyển lựa nhân lực tham gia là những người thể hiện khả năng học tập và quản lý xuất sắc. Nhiệm vụ chính của họ là nghiên cứu nhu cầu của quân đội và đưa ra những đổi mới.

Ngoài ra, chính quyền Israel đã đặc biệt coi trọng loại bỏ hoàn toàn yếu tố quan liêu, điều đã tách biệt giới lãnh đạo quân sự với các nhà khoa học và doanh nhân, đồng thời khiến họ không hiểu nhau và khó làm việc với nhau.

Cuối cùng, IDF đã thực hiện một điều trái với các nguyên tắc thông thường trong quân sự, đó là cho phép các binh sĩ cấp dưới được tranh luận trực tiếp với các chỉ huy cấp cao.

Sự đổi mới này trở nên độc đáo và chưa từng được áp dụng trong bất kỳ quân đội nào trên thế giới.

Tuy nhiên, chính điều này đã giúp loại bỏ lối suy nghĩ rập khuôn, triệt tiêu sáng tạo, phát huy được hết tiềm năng con người, làm tăng hiệu quả trong quá trình tìm tòi và áp dụng những đổi mới cần thiết.

Tất cả những đổi mới, sáng tạo trong xây dựng, quản lý, điều hành quân đội và phát triển khoa học công nghệ lưỡng dụng đã mang lại kết quả nổi bật, biến Israel trở thành một cường quốc quân sự, với một nền khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới.

Israel vươn lên thành cường quốc quân sự

Trong những năm tiếp theo, tổ hợp công nghiệp quân sự Israel đã chứng minh rằng họ có khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề ở cả cấp độ chiến thuật và chiến lược, sản xuất được những vũ khí, trang bị mà ngay cả “anh Cả” Mỹ cũng phải thán phục.

Ví dụ như hệ thống phòng thủ chủ động Trophy trên xe tăng Merkava của Israel đã được Mỹ áp dụng trên các xe tăng M1A2 Abrams thế hệ mới nhất của mình; Đức đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3; hay hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” (Iron Dome) của Israel là sản phẩm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Israel còn sở hữu dòng tên lửa đạn đạo Jericho, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa; hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling, Arrow-3…; đồng thời còn có các tàu ngầm thông thường lớp Dolphin có khả năng phóng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Về máy bay không người lái (UAV), Israel đã trở thành cường quốc số 1 về lĩnh vực này, với đầy đủ các UAV trinh sát, cảm tử, tấn công và cả trinh sát-tấn công; với đủ các loại máy bay không người lái chiến thuật, chiến dịch, chiến lược; tầm cao-tầm xa, tầm trung, tầm thấp-tầm gần…

Đương nhiên, không nên loại khỏi “công thức thành công” của Israel sự hỗ trợ bao gồm cả tài chính lẫn công nghệ của Hoa Kỳ, đồng minh lớn nhất và là “Người bảo vệ trung thành nhất” của Israel.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước đến năm 2021, Mỹ đã cung cấp cho nhà nước Do Thái khoản hỗ trợ lên tới khoảng 80 tỷ USD cho các chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí, ví dụ như chương trình chế tạo hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” (Iron Dome).

Đồng thời, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã cam kết giúp đỡ Tel Avip duy trì ưu thế công nghệ quân sự số 1 ở Trung Đông, với việc ưu tiên bán vũ khí, chuyển giao các công nghệ quân sự tối mật cho chỉ huy nhất một mình Israel.

Mỹ đã bán cho Israel tất cả các loại chiến đấu cơ tối tân nhất của mình như F-15, F-16, F-35, chuyển giao công nghệ cho Israel có thể can thiệp vào tất cả các hệ thống để tích hợp các thiết bị và vũ khí của riêng mình, hình thành nên các phiên bản F-16I Sufa, F-15I Ra'am và F-35I Adir.

Hoàng Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-tra-loi-cau-hoi-ve-coi-nguon-suc-manh-israel-post664104.html