Chuyên gia Trung Quốc đánh giá các vụ tấn công tên lửa của Nga tại Ukraine

Tính đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng, mặc dù khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa hai bên là thấp, nhưng triển vọng đàm phán cũng mong manh.

Nga đã phản ứng bằng việc phóng tên lửa nhằm vào Ukraine sau khi cầu Crimea bị đánh bom. Ảnh: Thefederalist.com

Nga đã phản ứng bằng việc phóng tên lửa nhằm vào Ukraine sau khi cầu Crimea bị đánh bom. Ảnh: Thefederalist.com

Vài ngày sau vụ đánh bom cầu Crimea, động thái đáp trả của Nga chính thức bắt đầu, đột ngột nhưng không bất ngờ.

Đó là nhận định của 2 chuyên gia: Liu Jun, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông và Zhang Hong, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc trên mạng tin Observer Network (Trung Quốc) mới đây.

Chỉ trong 2 ngày liên tiếp (10 và 11/10), tổng cộng hơn 100 tên lửa của Nga đã tấn công thẳng vào Ukraine: các mục tiêu bao phủ hầu hết các thành phố lớn, khiến thủ đô Kiev của Ukraine lại bị tấn công bằng tên lửa sau bốn tháng.

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin không hề né tránh khi xác nhận rằng một cuộc tấn công tầm xa quy mô lớn, chính xác cao đã được thực hiện nhằm vào các cơ sở năng lượng, chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc của Ukraine vào sáng 10/10.

Ông Putin mô tả vụ đánh bom cầu Crimea là một "hành động khủng bố" và cảnh báo rằng nếu Ukraine thực hiện một "cuộc tấn công khủng bố" khác trên lãnh thổ Nga, Moskva sẽ có các biện pháp đáp trả cứng rắn hơn.

Ngày 12/10, Cơ quan An ninh Liên bang Nga cho biết họ đã xác định chủ mưu vụ tấn công cầu Crimea là Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Budanov, đồng thời xác định 12 đồng phạm tham gia vụ tấn công, trong đó 8 người đã bị tạm giữ.

Điều đáng chú ý là trong đợt tấn công này, một tên lửa của Nga đã nhằm vào một địa điểm ở Kiev mà Văn phòng của Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine và văn phòng của Tổng thống Zelensky ở gần đó.

Bối cảnh trên đặt ra một loạt câu hỏi: Đây có phải là một vụ tai nạn, hay phía Nga đang gửi thông điệp qua việc này? Tại sao vụ nổ cầu Crimea lại khơi dậy sự trả đũa dữ dội như vậy từ Nga? Tiếp theo, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ mở rộng, vượt khỏi tầm kiểm soát hay leo thang, và những rủi ro mà cả hai bên tiến tới một cuộc chiến tranh hạt nhân là gì?

Ngoài ra, Ukraine và các nước NATO do Mỹ đứng đầu sẽ có những biện pháp đối phó nào, liệu Mỹ có tăng cường cung cấp vũ khí tối tân cho Ukraine, như tên lửa chiến thuật tầm bắn hơn 300 km cho Ukraine?

Trả lời những câu hỏi trên, các chuyên gia Liu Jun và Zhang Hong, đã đưa ra sự giải thích chuyên sâu như sau:

Tầm quan trọng của cầu Crimea với Nga

Cầu Crimea là "tâm bão" kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Phía Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có kế hoạch phá hủy cầu này.

Đây là cây cầu đường sắt và đường bộ lưỡng dụng nối Bán đảo Crimea và vùng Krasnodar ở Nga, có tổng chiều dài 19 km và phần vượt biển dài 7,5 km.

Cầu Crimea bị tấn công. Ảnh: Reuters

Cầu Crimea bị tấn công. Ảnh: Reuters

Vào năm 2018, một phần của việc xây dựng cầu trên đường cao tốc đã hoàn thành, và đích thân ông Putin đã lái một chiếc xe tải lớn qua cầu để dự lễ thông xe. Cuối năm 2019, phần đường sắt của cầu cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, ông Putin cũng đã đến dự lễ khai trương và đi chuyến tàu đầu tiên qua cầu.

Vì vậy, cầu Crimea là công trình mang tính bước ngoặt đối với nước Nga, có ý nghĩa chính trị và biểu tượng quan trọng.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay, "cây cầu cũng là một tuyến đường quan trọng để quân đội Nga vận chuyển hàng tiếp tế tới khu vực Kherson, nơi có ý nghĩa chiến lược to lớn", ông Liu Jun nói, cho biết ông Putin và một số quan chức Nga đã đưa ra cảnh báo, việc Ukraine tấn công cầu Crimea "tương đương với hành động tự sát" nên việc Nga đáp trả quyết liệt là điều dễ hiểu.

Về phần mình, chuyên gia Zhang Hong cho rằng: "Đòn trả đũa của Nga có thể nói là căng thẳng nhất kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, chủ yếu vì nó đã chạm vào ranh giới đỏ quân sự của Nga, tức là xung đột giữa Nga và Ukraine không liên quan đến các khu vực do Nga kiểm soát. Ukraine vẫn cho rằng Crimea vẫn thuộc lãnh thổ của mình, nhưng trong mắt Moskva, khu vực này đã được nhập vào Nga”.

Trước đây phía Ukraine luôn tuyên bố sẽ chiếm lại bán đảo Crimea nhưng sau vụ nổ, Kiev không trực tiếp thừa nhận hay chối bỏ trách nhiệm về vụ việc. Không những vậy, phía Nga gọi vụ việc này là một "hành động khủng bố", và phía Ukraine cũng không phủ nhận.

Cuộc đáp trả của Nga có thể đã được phía Ukraine dự đoán trước và kết quả là họ đã tổ chức rất nhiều đợt phòng ngự hiệu quả. Trong cuộc tấn công tên lửa, hệ thống phòng không Ukraine cũng phát huy vai trò, đánh chặn nhiều tên lửa của Nga.

Nhà nghiên cứu Zhang Hong cho rằng thật may trong cái rủi lần này Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. "Hơn nữa, mục tiêu của cuộc tấn công này về cơ bản là cơ sở hạ tầng và không có thương vong quy mô lớn. Từ góc độ này, các hành động trả đũa của Nga thể hiện sự kiềm chế đồng thời gây áp lực lên Ukraine. Cường độ của đòn trả đũa cũng cho thấy rằng Nga không muốn điều này xảy ra hay lặp lại một lần nữa", vị chuyên gia trên nhận xét.

Trong khi đó, ông Liu Jun cho rằng, có 3 lý do chính dẫn đến con số thương vong của phía Ukraine thấp: thứ nhất, Ukraine đã chuẩn bị từ lâu; thứ hai, độ chính xác của các cuộc tấn công chính xác cao của Nga là chưa đủ; thứ ba, hệ thống phòng không được cung cấp từ các nước phương Tây đến Ukraine đã đóng một vai trò nhất định và ở một mức độ nào đó cũng làm giảm thương vong.

Liên quan đến việc tên lửa tấn công gần trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine và văn phòng của Tổng thống Zelensky, ông Liu Jun nói: “Đó không phải là một tai nạn khi một tên lửa nhằm vào đây", lưu ý rằng một cuộc tấn công vào "trái tim thủ đô của một quốc gia có tác động lớn đến các nhà lãnh đạo và người dân". Ông cho rằng đây là một hình thức trừng phạt đối với chế độ Kiev, nhưng có thể những thông tin như độ chính xác định vị mà Nga hiện có là không đủ nên đã thất bại.

Zhang Hong cho rằng tên lửa rơi gần tòa nhà của Cơ quan An ninh Quốc gia và gần Văn phòng Tổng thống Ukraine là lời cảnh báo: "Sự trả đũa của Nga chủ yếu nhằm vào những người đã thực hiện vụ đánh bom cầu Crimea. Trước sự phản ứng quyết liệt của Nga, Ukraine không có biện pháp đối phó về mặt quân sự, vì họ không có tên lửa tầm bắn trên 300 km nên không có khả năng đáp trả".

Tuy nhiên, phía Ukraine không phải không có khả năng phản công. Vào ngày 11/10 giờ địa phương, thống đốc Belgorod Oblast, ở khu vực biên giới phía Tây của Nga, thông báo rằng do bị Ukraine pháo kích, một số đường dây và trạm biến áp đã bị hư hỏng.

Ông Liu Jun nói: “Đây có thể nói là đòn đáp trả trực tiếp từ phía Ukraine, do Ukraine không có vũ khí tầm xa và không thể thực hiện quá nhiều cuộc tấn công vào sâu trong nước Nga nên việc Ukraine tấn công các khu vực ở biên giới là tương đối dễ dàng". Ông lưu ý rằng việc phá hủy và tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của nhau giữa Nga và Ukraine sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian.

Chuyên gia Zhang Hong cho rằng biện pháp mà Ukraine có thể thực hiện lúc này là tìm kiếm sự hỗ trợ từ G7 và NATO, yêu cầu hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ ngoại giao và hỗ trợ quân sự.

Ông Zelensky cũng đã làm như vậy. Vào ngày 11/10 theo giờ địa phương, Tổng thống Zelensky đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các nhà lãnh đạo G7, đồng thời tiến hành điện đàm với nguyên thủ các nước như Đức, Pháp, Ba Lan, Mỹ… G7 ngay sau đó đã họp khẩn để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine.

Nhưng, "tiêu chuẩn kép" của các nước phương Tây đã được thể hiện một cách sinh động trong quá trình xảy ra vụ việc này: sau vụ nổ cầu Crimea, họ cùng im lặng; sau khi tên lửa Nga tấn công Ukraine, họ lần lượt lên án Nga. Ông Zhang Hong nói: “Các nước NATO có thể tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine một cách lâu dài. Tuy nhiên, NATO rất thận trọng khi hỗ trợ tên lửa có tầm bắn hơn 300 km".

Bước ngoặt dẫn đến xung đột hạt nhân?

Cả hai chuyên gia Liu Jun và Zhang Hong đều cho rằng vụ nổ cầu Crimea là một sự kiện quan trọng, sẽ khiến mối quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng và tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhưng khó có thể nói rằng đây sẽ là một bước ngoặt trong leo thang xung đột.

Cả Nga và các nước phương Tây đều đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân. Ảnh: AP

Cả Nga và các nước phương Tây đều đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân. Ảnh: AP

Zhang Hong giải thích: “Bước ngoặt phải là sự thay đổi về quy mô, tình hình, kết quả hoặc cán cân của cuộc xung đột, nhưng những thay đổi này dường như chưa xảy ra lúc này”.

Đối với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, ông Zhang Hong nêu rõ: "Hiện tại, khả năng vẫn còn rất nhỏ. Chiến tranh hạt nhân sẽ thay đổi bản chất của xung đột. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov nói rằng các hoạt động quân sự hiện tại của Nga vẫn là hoạt động quân sự đặc biệt, điều này thể hiện các hoạt động quân sự hiện tại của Nga là họ sẽ không thay đổi cục diện của cuộc chiến".

Ông Liu Jun cho biết hiện nay, cả Nga và các nước phương Tây đều đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân khi nói về vũ khí hạt nhân. Tuyên bố của ông Putin rằng "bằng mọi cách" có thể chỉ phản ánh việc ông sẵn sàng tiến hành cuộc xung đột và giành chiến thắng cuối cùng. Ông Putin là một chính khách lý trí và biết hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ như thế nào, vì vậy ngay từ đầu ông đã xác định chiến dịch quân sự của Nga là một hoạt động quân sự đặc biệt, điều đó chắc chắn có nghĩa là hai nước chưa bước vào trạng thái xung đột toàn diện.

Tính đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài gần 9 tháng, mặc dù khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa hai bên là rất thấp, nhưng triển vọng đàm phán cũng rất mong manh, hiện tại vẫn chưa có hy vọng.

Liu Jun nói: "Hai bên không có ý chí, không có điều kiện và không có sự chân thành để đàm phán. Xung đột càng kéo dài thì khả năng thương lượng càng giảm và càng khó thương lượng". Điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là ngừng bắn, nhưng hiện nay cả hai bên đều không muốn dừng lại, cộng đồng quốc tế cũng thiếu ràng buộc nên xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kéo dài vô thời hạn.

Nếu cuối cùng các bên muốn ngồi vào đàm phán, ông Liu Jun cho rằng một số điều kiện có thể nảy sinh: thứ nhất, Ukraine sẽ đổi lãnh đạo và các nhà lãnh đạo mới sẽ cần sự thay đổi cơ bản về quan niệm; thứ hai, một bên trên chiến trường sẽ hoàn toàn bị đánh bại. Thứ ba, Phương Tây bỏ rơi Ukraine. Nhưng rõ ràng, không có điều kiện nào trong số này hiện được đáp ứng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Observer.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/chuyen-gia-trung-quoc-danh-gia-cac-vu-tan-cong-ten-lua-cua-nga-tai-ukraine-20221019002253531.htm