Tìm đơn hàng ở thị trường mới để ứng phó rủi ro

Đối mặt với nguy cơ từ các rào cản thương mại và việc áp thuế đối ứng của Mỹ, nhiều doanh nghiệp chủ động xoay trục thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa đơn hàng, nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Sau quý I/2025, nhiều doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ nội thất, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng đơn hàng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bức tranh chung vẫn chưa thực sự sáng sủa.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên của Công ty cổ phần Gỗ An Cường, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu của Công ty vẫn đang chịu thuế khi vào thị trường Mỹ, trong khi một số khác tạm thời chưa bị áp thuế do thuộc diện điều tra.

“Diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán song phương. Tuy nhiên, chúng tôi đang chủ động làm việc với đối tác Mỹ để duy trì mức thuế ở ngưỡng 15-20%. Nếu giữ được biên thuế này, hoạt động xuất khẩu vẫn hiệu quả”, ông Nghĩa nói.

Tranh thủ thời gian thuế đối ứng tạm hoãn, Gỗ An Cường đang đẩy nhanh sản xuất để kịp giao đơn hàng sang Mỹ. Doanh nghiệp đã chủ động giảm giá cho khách hàng, chia sẻ khó khăn về chi phí vận chuyển tăng cao, đồng thời đưa ra các chương trình chiết khấu nhằm giữ thị phần.

Tình hình tương tự cũng diễn ra trong ngành thủy sản. Áp lực duy trì sản xuất, giữ chân lao động và cân đối tài chính buộc doanh nghiệp phải tính toán từng bước đi.

Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 5 và 6/2025, xuất khẩu thủy sản sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức áp dụng từ ngày 9/7/2025.

“Doanh nghiệp Việt đang dồn lực đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là tôm và cá tra, để tận dụng giai đoạn chưa bị tăng thuế. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần”, bà Hằng nhận định.

Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và ASEAN có dấu hiệu chững lại, chỉ tăng 3-5%. Các thị trường EU và Nhật Bản được kỳ vọng duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 8-10%.

Dưới áp lực từ chính sách thuế quan và thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội tái cấu trúc ngành hàng, nâng cao năng lực sản xuất và thích ứng linh hoạt. Đặc biệt, việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tạo ra khoảng “thời gian vàng” để doanh nghiệp chuẩn bị.

Theo ông Lê Đức Nghĩa, thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 12% doanh thu của Gỗ An Cường. Trong trường hợp mức thuế tăng mạnh, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang các thị trường như Canada, Nhật Bản, UAE, hay Đông Nam Á để bù đắp phần thâm hụt.

“Ngay cả trong kịch bản xấu nhất là bị áp thuế 30-46%, chúng tôi vẫn có phương án. Đó là hợp tác với đối tác ở nước có thuế thấp hơn, đưa máy móc sang sản xuất để xuất khẩu vào Mỹ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Cũng với tinh thần không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường ngách và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, ngành điều đang nỗ lực mở rộng thị trường Trung Đông, nơi có đến 300 triệu người theo đạo Hồi, rất ưa chuộng các sản phẩm dinh dưỡng như hạt điều. Đây là cơ hội lớn cho ngành trong việc nâng tầm sản phẩm và khai phá thị trường tiềm năng.

Với ngành dệt may, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đang tăng tốc sản xuất trong giai đoạn 90 ngày để kịp giao hàng trước khi thuế mới có hiệu lực. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Thành Công nhận định: “Cơ hội có thể mở ra nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao, nhưng tình hình vẫn chưa rõ ràng do các thỏa thuận đàm phán chưa ngã ngũ. Vì thế, Thành Công đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU để giảm phụ thuộc vào Mỹ”.

Tư duy “tránh bỏ trứng vào một giỏ” không còn là lựa chọn, mà đã trở thành chiến lược sống còn trong bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục đảo chiều. Việc đa dạng hóa thị trường, tái cơ cấu danh mục sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất theo hướng tinh gọn, linh hoạt sẽ là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ứng phó với rủi ro ngắn hạn, mà còn xây dựng nội lực dài hạn để đi đường dài.

Tuy vậy, để chiến lược đó phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp cho rằng, không thể thiếu vai trò “trợ lực” từ chính sách. Doanh nghiệp cần một hành lang pháp lý rõ ràng, hệ thống thông tin thị trường kịp thời, cũng như các chương trình xúc tiến thương mại có tính kết nối cao.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tim-don-hang-o-thi-truong-moi-de-ung-pho-rui-ro-d283324.html