Chuyên gia về hậu môn – trực tràng: Đi lại nhiều cũng bị táo bón

Bên lề buổi khám và tư vấn miễn phí về bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe - rò hậu môn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 23/11, bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đã chia sẻ về táo bón và đi ngoài phân lỏng - hai căn bệnh khó nói nhưng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền tư vấn cho người dân về bệnh lý đường ruột, táo bón.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền tư vấn cho người dân về bệnh lý đường ruột, táo bón.

Căn bệnh khó điều trị

Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, táo bón hoặc đi phân lỏng có thể là triệu chứng cho thấy bệnh nhân đã mắc hội chứng ruột kích thích từ nhẹ đến nặng.

Hội chứng ruột kích thích xảy ra khi ruột bị rối loạn chức năng, mẫn cảm với tất cả các loại thức ăn. Ở thể bệnh nặng, người mắc bệnh không ăn được, không thể hấp thu chất dinh dưỡng, nhưng cứ ăn vào là đi ngoài phân lỏng hoặc bị táo bón.

Hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Song, khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hóa ở ruột.

“Hậu quả, một số người mắc hội chứng ruột kích thích không đi ngoài được, bị giãn trực tràng, phải phẫu thuật mà không biết nguyên nhân. Một số bệnh nhân thì bị suy sụp do không thể ăn uống hoặc phải ăn kiêng quá nghiêm ngặt. Nặng hơn, có người bệnh phải điều trị bệnh tâm thần vì quá căng thẳng, cứ ăn vào là đi đại tiện, cơ thể gầy mòn” – bác sĩ Thanh Huyền chia sẻ.

Trong khi đó, hội chứng ruột kích thích rất khó điều trị. Bác sĩ phải vừa kê đơn thuốc để điều trị triệu chứng, vừa phải kiên nhẫn giải thích và đóng vai trò một bác sĩ tâm lý để người bệnh hiểu nguyên nhân, phối hợp uống thuốc và thực hiện các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Mắc bệnh do thói quen

Táo bón và đi ngoài phân lỏng, ruột kích thích có liên quan mật thiết với chế độ ăn, thói quen sinh hoạt của mọi người.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám và tư vấn miễn phí cho người dân.

“Tuy nhiên, người dân chỉ chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống mà không chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thói quen đi vệ sinh khi gặp các bất thường về đường ruột, hậu môn” – bác sĩ Thanh Huyền nói.

Trong đó, thói quen sinh hoạt tai hại mà nhiều người mắc phải, là làm việc quá nhiều nên nhịn đi vệ sinh, thậm chí làm việc trong lúc đi vệ sinh. Điều này khiến cho quá trình đại tiện không thuận lợi, đại tràng co bóp nhưng không thể đẩy, thải ra phân, làm cho phân quay trở lại đường ruột gây rối loạn co bóp đại tràng, rối loạn hấp thu đường ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu công việc, mọi người có xu hướng ngồi nhiều hoặc đi lại nhiều. Cả hai hoạt động này đều không thuận lợi cho việc đại tiện, nhu động ruột.

Hiện nay, hội chứng ruột kích thích gây táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng có xu hướng trẻ hóa. Đã có nhiều bệnh nhân có độ tuổi còn rất trẻ tới tìm bác sĩ Thanh Huyền để khám, tư vấn, hoặc, nhiều bệnh nhân tuổi trung niên chia sẻ, nhờ tư vấn về tình trạng bệnh của người thân là thanh niên.

Vì vậy, bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền khuyến cáo, người dân cần chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt và thói quen đi vệ sinh hàng ngày.

Ngoài việc thay đổi chế độ ăn bổ sung nhiều chất xơ và cung cấp đủ nước cho cơ thể, người dân nên tập thói quen đi vệ sinh vào buổi tối, không làm việc, đọc sách trong lúc đi vệ sinh, hạn chế sử dụng các chất kích thích đường ruột… để tránh mắc bệnh táo bón hay các bệnh lý về đại trực tràng, hậu môn.

Chi Lê

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/chuyen-gia-ve-hau-mon-truc-trang-di-lai-nhieu-cung-bi-tao-bon-373608.html