Chuyên gia Việt hiến kế giúp giữ chân doanh nghiệp ngoại, giữ vốn FDI

'Về bản chất, doanh nghiệp FDI luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu vì vậy, họ không thể chờ đợi được. Chúng ta vừa phải chống dịch quyết liệt, vừa phải cho họ có niềm tin để mở rộng, giữ dòng vốn', TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nói.

Trước hiện tượng hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc cảnh báo Việt Nam có thể mất cơ hội đầu tư nếu chậm mở cửa sau đại dịch, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, những cảnh báo trên là "hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực gay gắt và các doanh nghiệp phải tái cơ cấu chuỗi sản xuất khắp nơi"

Một số nhà đầu tư nước ngoài đã lên tiếng cảnh báo có thể rời Việt Nam nếu tình hình kinh doanh quá khó khăn.

Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói: "Nền kinh tế Việt Nam nhìn về trung và dài hạn vẫn được đánh giá khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trên thực tế đã chứng minh điều ấy. Việc tạm chuyển đơn hàng sang các nước khác, trước mắt là do chúng ta gặp phải khó khăn do dịch".

"Dịch bệnh dẫn đến sản xuất kinh doanh sụt giảm, kể cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp FDI là doanh nhân, doanh nghiệp, bao giờ họ cũng đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu, việc đặt lợi nhuận, lợi ích lên đầu không phải là điều quá khó hiểu", TS Thành nói.

Theo TS Võ Trí Thành, có ba vấn đề cơ bản nhất mà Việt Nam đang cố gắng làm và phải làm được để giữ chân các nhà đầu tư ngoại, dòng vốn ngoại, cho dù dòng vốn đó là nhỏ bé hoặc to lớn.

"Thứ nhất là Chính phủ Việt Nam nên cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài nhìn thấy rõ các kế hoạch chống dịch, biện pháp từng giai đoạn như nào, cùng quản trị rủi ro của việc này.

"Việc nhìn được kế hoạch chống dịch của Chính phủ, sẽ hỗ trợ rất tốt về kế hoạch của doanh nghiệp bởi hơn ai hết họ tác động mạnh nhất.

Ngoài ra, người ta còn nói đến chuyện: "chống dịch gắn với việc tạo lại điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh bằng cách nào, biện pháp gì cần phải được đặt ra sớm", TS Thành nhấn mạnh.

"Bối cảnh các chuỗi đứt gẫy sản xuất đang thể hiện ở trên bình diện thế giới, khu vực và rõ nhất đối với các nền sản xuất mở cửa. Vì vậy, làm gì thì cũng phải rõ. Lộ trình, kịch bản cần được đưa ra để cho cộng đồng hiểu được việc họ quay trở lại với sản xuất bình thường", nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM nói.

Biện pháp thứ 2, theo TS Võ Trí Thành là, bên cạnh cam kết hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, đây là điều rất quan trọng. Không thể vì dịch để trì hoãn cải cách kinh tế.

Biện pháp cuối cùng theo TS Thành, đại dịch có quy mô tính chất toàn cầu, trong một thế giới ngày càng bất định. Chính phủ, ban ngành và địa phương luôn luôn phải chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp.

"Giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh hằng ngày, hằng giờ bởi tình hình thay đổi rất nhanh. Đây là yếu tố có thể giúp Việt Nam giữ được việc làm, giải quyết khó khăn sau dịch", vị chuyên gia này nói.

Về những chính sách thiếu đồng bộ trong chống dịch của Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài chỉ mặt, đặt tên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết: "Chúng ta chưa từng gặp phải và chưa từng có tiền lệ trong chống dịch, có những va vấp, có sai lầm, thiếu đồng bộ... được nêu ra cần phải được thừa nhận và phải sửa"

"Cái cơ bản là từ thời điểm này trở đi phải nhìn rõ thực trạng để đưa ra hướng khắc phục, không thể du thủ, du thực được", ông Thành nói.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Chuyện chuyển đơn hàng là chuyện đơn giản nhất, dễ dàng nhất trong dịch chuyển đầu tư. Khi Việt Nam thu hút sự dịch chuyển luồng vốn đầu tư từ nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, cái mà chúng ta có được nhanh nhất chính là đơn hàng.

Hiện nay, Việt Nam gặp phải tình huống tương tự dù với nguyên do khác là do dịch bệnh.

"Nếu không có giải pháp khắc phục việc thiếu việc làm, thiếu di chuyển giữa các vùng, tỉnh dẫn đến khó khăn về việc làm thì việc đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp FDI có thể sẽ xảy ra nhiều, trầm trọng hơn", ông Toàn nói.

"Doanh nghiệp tại Việt Nam mất đơn hàng trong ngắn hạn không nguy hiểm bằng mất đi bạn hàng dài hạn. Cần thay đổi hẳn quan điểm, sống chung với dịch, miễn dịch cộng đồng để sản xuất và lưu thông hàng hóa", Phó Chủ tịch VAFIE nói.

Hà Yên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-viet-hien-ke-giup-giu-chan-doanh-nghiep-ngoai-giu-von-fdi-post157155.html