Chuyên gia: Việt Nam cần ứng phó với virus khôn ngoan hơn

TS Nguyễn Thu Anh đề xuất nhóm tiêu chí đánh giá và nguyên tắc áp dụng khi sống chung với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó là việc ứng phó khôn ngoan, không chủ quan khi có vũ khí vaccine.

“Với diễn biến dịch phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng cao, nhiều ca không có triệu chứng, thậm chí những người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm virus và lây cho người khác, chúng ta phải thay đổi theo hướng chung sống an toàn với virus”, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Australia), nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Zing.

Từ nhận định này, bà cho rằng cần điều chỉnh các tiêu chí kiểm soát dịch cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Tiêu chí cần thiết để “sống chung an toàn với dịch”

- Các địa phương đang tính toán lộ trình mở cửa trở lại sau một thời gian dài giãn cách vì dịch Covid-19. Song, nếu căn cứ vào tiêu chí kiểm soát dịch hiện nay, khó nơi nào đáp ứng. Bà nhìn nhận thế nào về sự cần thiết thay đổi quan điểm trong vấn đề này?

- Với biến chủng Delta, việc truy vết, bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng hay theo đuổi mục tiêu “Zero Covid” không còn khả thi ở các địa phương có dịch bùng phát mạnh.

Chấp nhận “sống chung với virus" một cách an toàn” là giảm mức độ và thời gian thực hiện biện pháp phòng, chống dịch dẫn tới bế tắc hoạt động kinh tế, xã hội

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh

Chính sách liên quan cũng vì thế cần được điều chỉnh. Trên thực tế, điều này chưa đảm bảo. Ví dụ, tiêu chí đánh giá mức độ lây nhiễm dịch đến nay vẫn xác định nơi nào có một ca F0 hay một chuỗi ca bệnh chưa rõ nguồn lây là nơi nguy cơ cao hoặc rất cao, bất kể năng lực điều trị và độ bao phủ vaccine ở mức độ nào.

Việc này khiến các địa phương có dịch đã lan sâu trong cộng đồng như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Đây là vấn đề mà muốn sống chung với SARS-CoV-2 cần điều chỉnh sớm.

 Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc). Ảnh: Vietnamnet.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc). Ảnh: Vietnamnet.

- Các tiêu chí, nguyên tắc cần xác định khi mở cửa để đảm bảo địa phương có thể “sống chung với virus” là gì, thưa bà?

- Để đáp ứng nhanh, cần xây dựng một bộ chỉ tiêu ngắn gọn nhưng với các ngưỡng đánh giá cụ thể, rõ ràng.

Từ việc phân tích chỉ tiêu và ngưỡng áp dụng của hơn 10 quốc gia/thành phố lớn, cũng như hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, tôi đề xuất các nhóm chỉ số sau:

Nhóm 1: Đánh giá mức độ lây nhiễm, gồm các chỉ số về tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trên 100.000 dân trong một tuần; tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính trong tổng số người được xét nghiệm trong một tuần.

Nhóm 2: Chỉ số về gánh nặng y tế gồm số ca mắc Covid-19 mức độ trung bình hoặc nặng đang điều trị trên 100.000 dân trong một tuần; số ca tử vong do Covid-19 và không do Covid-19.

Nhóm 3: Độ bao phủ của vaccine mũi 2 (với người 65 tuổi trở lên và người mắc bệnh nền trong giai đoạn thiếu hụt vaccine hiện nay và đối với toàn dân khi vaccine dồi dào).

Nhóm 4: Chỉ số phản ánh năng lực xét nghiệm đủ lớn và trả kết quả xét nghiệm nhanh, điều trị ở các cấp độ khác nhau, khả năng cung cấp oxy và thuốc điều trị sớm ở tuyến cơ sở, nguồn lực y tế…

Nhóm 5: Chỉ số đánh giá khả năng sẵn sàng để sống an toàn với virus.

 Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, xây dựng lộ trình mở cửa cần thận trọng để tránh việc phải tái phong tỏa. Ảnh: Việt Linh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, xây dựng lộ trình mở cửa cần thận trọng để tránh việc phải tái phong tỏa. Ảnh: Việt Linh.

Với người dân, cần đánh giá xem hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày đã được điều chỉnh để tự giác thực hiện 5K, 5T chưa? Văn phòng, khách sạn, nhà hàng, quán ăn… đã thay đổi phương thức kinh doanh, ưu tiên bán hàng online/mang về, thay đổi thiết kế để tăng thông khí và hoạt động an toàn chưa?

Các doanh nghiệp, công xưởng, nhà máy sản xuất đã sẵn sàng và thực hiện biện, pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn chưa, đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với sự xuất hiện của F0 và duy trì sản xuất chưa?

Không loại trừ khả năng tới đây có thể xuất hiện biến chủng mới ngoài Delta nên chúng ta phải luôn cảnh giác, nếu không sẽ phải quay lại vòng tròn giãn cách, phong tỏa.

Dựa trên kết quả thực hiện các chỉ tiêu trên, việc xây dựng lộ trình mở cửa phải thận trọng để tránh tình huống tái phong tỏa.

Nguyên tắc thứ nhất cần xác định khi mở cửa là việc quyết định biện pháp hạn chế tiếp xúc cần dựa trên mức độ nguy cơ đánh giá (đã bao gồm việc bao phủ vaccine).

Nguyên tắc thứ hai là giảm tần suất hoạt động kinh tế - xã hội sao cho không đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng mà chỉ giảm một tỷ lệ nhất định trên toàn chuỗi, để rủi ro dịch bệnh ở ngưỡng có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, cần xây dựng hướng dẫn chi tiết và tập huấn về cách đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh tế - xã hội; có chế tài xử lý thay vì cấm tất cả hoạt động.

Nguyên tắc thứ ba là quyết định nới lỏng đi lại của người dân phải dựa trên tính an toàn của cả cộng đồng chứ không chỉ trên độ an toàn của một số cá thể, vì người được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm virus và lây cho người khác (dù nguy cơ thấp hơn). Chỉ khi một lượng lớn người dân được bảo vệ bằng vaccine thì mới đạt được trạng thái di chuyển an toàn.

Cuối cùng, quyết định cho phép người dân được đi lại cần dựa trên nguyên tắc công bằng và tính đến cả những người yếu thế, người ở vùng sâu/vùng xa, người có chống chỉ định với vaccine.

Đặc biệt, không tạo điều kiện cho việc sử dụng vaccine như một công cụ gây bất công trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thực hiện hoạt động thường nhật, hoặc thậm chí là điều kiện cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Khi "khỏe" hơn phải ứng phó với virus khôn ngoan hơn

- Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “chung sống an toàn với Covid-19”. Theo bà, những yếu tố nào phải đảm bảo để sống an toàn với dịch?

- Chung sống an toàn có 2 vấn đề: An toàn cho cá nhân và an toàn cho cộng đồng.

Với cá nhân thì tiêm vaccine và thực hiện nghiêm 5K là có thể an toàn. Mỗi người cần tự phát hiện sớm và chăm sóc bản thân khi mắc bệnh.

Không tạo điều kiện cho việc sử dụng vaccine như một công cụ gây bất công trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh

Nhưng an toàn với cộng đồng thì khó hơn. Khi chưa đủ vaccine để tất cả người dân an toàn thì vẫn cần áp dụng biện pháp khác như giãn cách một phần; tăng năng lực xét nghiệm; tăng năng lực điều trị và chăm sóc bệnh nhân để người bệnh không chuyển nặng, không tử vong.

Cộng đồng không an toàn khi vẫn còn cá nhân không an toàn nên phải bảo vệ được nhóm có nguy cơ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân để giúp cộng đồng an toàn. Mọi người cần được tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt, tiếp cận nhu yếu phẩm, thuốc men từ sớm.

 Kể cả khi 100% người dân đã được tiêm vaccine, vẫn cần theo dõi các ngưỡng ca nhiễm virus và ca bệnh nặng để biết ta đang ở đâu, cần tiếp tục làm gì. Ảnh: Duy Hiệu.

Kể cả khi 100% người dân đã được tiêm vaccine, vẫn cần theo dõi các ngưỡng ca nhiễm virus và ca bệnh nặng để biết ta đang ở đâu, cần tiếp tục làm gì. Ảnh: Duy Hiệu.

Song, điều kiện tiên quyết là thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt và làm việc để bản thân mỗi người được an toàn. Chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào vaccine và nghĩ “có vaccine rồi không sợ gì cả” vì dù đã tiêm vẫn có khả năng lây nhiễm. Chưa kể, nếu đặt toàn bộ niềm tin vào vaccine, khi xuất hiện các biến thể mà vaccine không có hiệu quả, chúng ta sẽ lại lúng túng vì chưa xây dựng được một hệ thống phát hiện nhanh nguy cơ để phản ứng.

Vì vậy, kể cả khi 100% người dân đã được tiêm vaccine và toàn quốc tiến tới trạng thái “bình thường mới”, vẫn cần theo dõi các ngưỡng ca nhiễm virus và ca bệnh nặng để biết ta đang ở đâu và cần tiếp tục làm gì.

- Với những diễn biến dịch trong những tháng qua, bà nhận định tình trạng “bình thường mới” trong giai đoạn hiện nay có những điểm gì khác so với trước kia?

- Bình thường mới lần này rất khác. Giai đoạn trước là phong tỏa, giãn cách, “bóc tách” toàn bộ F0 khỏi cộng đồng, khi cộng đồng không có F0 nữa thì sống bình thường. Nhưng mọi hoạt động chỉ trong phạm vi trong nước, còn chúng ta vẫn phải đóng cửa với thế giới và chấp nhận ảnh hưởng nhiều về kinh tế - xã hội.

Với giai đoạn “bình thường mới” hiện nay, chúng ta đã có thêm vaccine và thuốc điều trị, tức là có thêm vũ khí trong tay để chống lại virus.

Khi ta “khỏe” hơn, ta phải tìm cách ứng phó với virus một cách khôn ngoan hơn. Nếu cứ tiếp tục theo đuổi mục tiêu “Zero Covid”, giả sử Việt Nam đạt được đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải đóng cửa với bên ngoài nên mục tiêu này không còn nhiều ý nghĩa.

- Xin cảm ơn bà!

Hoài Thu thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-viet-nam-can-ung-pho-voi-virus-khon-ngoan-hon-post1263926.html