Chuyên gia Việt Nam và quốc tế thảo luận các vấn đề đang nổi lên của Luật nhân đạo quốc tế
Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tổ chức Hội thảo để thảo luận về các vấn đề đang nổi lên của Luật nhân đạo quốc tế. Hội thảo diễn ra từ 24 - 28/6/2019 tại Hà Nội.
Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 70 năm 4 Công ước Geneva năm 1949 về Luật nhân đạo quốc tế, và 62 năm Việt Nam phê chuẩn các Công ước. Để kỷ niệm dấu mốc ý nghĩa này, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tổ chức Hội thảo về luật nhân đạo quốc tế khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á lần thứ 14 (SNAS), từ ngày 24 - 28/6/2019 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)
Tham dự Hội thảo gồm có cán bộ chính phủ, chuyên gia các các ban ngành về pháp chế, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, nghiên cứu quốc phòng và nhân quyền, cũng như các học viên chuyên ngành Luật Nhân đạo quốc tế, đào tạo cán bộ ngoại giao...
Về phía các đại biểu quốc tế, tham dự Hội thảo còn có gần 50 chuyên gia đến từ 16 quốc gia khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ, các chuyên gia về pháp luật, quan hệ quốc tế, quốc phòng, nhân quyền và một số giảng viên về luật nhân đạo quốc tế.
Chính phủ Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế trong các hoạt động nhân đạo và thúc đẩy tăng cường Luật nhân đạo quốc tế. Việc tổ chức Hội thảo này tiếp tục là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy thực thi Luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung.
Nội dung Hội thảo điểm lại chặng đường 70 năm thực thi các Công ước Geneva, tập trung đề cập một số vấn đề đang nổi lên của luật nhân đạo quốc tế như chiến tranh mạng, hệ thống vũ khí tự động, chống khủng bố, người bị tước đoạt tự do, người tị nạn, trừng trị tội ác quốc tế trong pháp luật quốc gia...
Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, bày tỏ vui mừng và hoan nghênh sự tham gia đông đảo của đại diện các nước trong khu vực và Việt Nam tại Hội thảo; nhấn mạnh trong thời kỳ chiến tranh trước đây cũng như trong thời bình hiện nay, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung, luôn cùng với cộng đồng quốc tế đề cao tôn trọng và thúc đẩy thực thi các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là 4 Công ước Geneva năm 1949 về bảo vệ dân thường, thương binh, bệnh binh, tù binh trong thời gian chiến tranh.
Với tư cách là thành viên của 4 Công ước nêu trên, Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh trước kia đã phát huy truyền thống dân tộc, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước như tiến hành việc trao đổi thông tin, cung cấp thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh, đấu tranh bảo vệ người dân và công trình dân sự, thương bệnh binh của các bên, qua đó thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước trên thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Trong giai đoạn hòa bình hiện nay, chính sách và các hoạt động nhân đạo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, nhất là trên các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đối xử nhân đạo với các ngư dân trên biển, đồng thời đẩy mạnh phổ biến, nâng cao nhận thức về luật nhân đạo quốc tế thông qua chương trình giảng dạy tại các đại học và chương trình tập huấn cho các đối tượng liên quan trong quân đội, dân quân tự vệ, ngư dân...
Ông Gianni Volpin, Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)
Ông Gianni Volpin, Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho rằng sự kiện này là một cơ hội quan trọng để khuyến khích sự tham gia của các quốc gia khu vực trong việc thực thi, phát triển, giải thích luật nhân đạo quốc tế. Hội thảo nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng cường năng lực trong xây dựng và thực hiện luật, chính sách, các hoạt động về nhân đạo; tạo điều kiện cho việc phổ biến và giảng dạy luật nhân đạo quốc tế; đồng thời tạo diễn đàn để các đại diện đến từ nhiều cơ quan chính phủ cũng như các chuyên gia, học giả các nước trao đổi thông tin và kinh nghiệm ở khu vực về các vấn đề nổi lên hiện nay của luật nhân đạo quốc tế. Nhằm mục tiêu nêu trên, ICRC đã phối hợp cùng Học viện Ngoại giao Việt Nam mời các diễn giả là chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế đến từ Đông Bắc và Đông Nam Á, châu Âu, chuyên gia của ICRC thuộc Phái đoàn của ICRC ở khu vực và từ trụ sở chính ICRC ở Thụy Sỹ để cùng trao đổi với đại diện các nước ở khu vực.
Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)
TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết Hội thảo là một sự kiện quan trọng thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy luật nhân đạo quốc tế ở Việt Nam và các nước trong khu vực, tiếp nối một loạt các hoạt động hợp tác giữa DAV và ICRC trong vấn đề này như đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy cử nhân luật quốc tế ở Việt Nam, phối hợp với ICRC tổ chức các cuộc thi diễn án, hội thảo cho sinh viên, giảng viên các cơ sở đào tạo và cán bộ các Bộ, ngành của Việt Nam. Đây là một phần của các nỗ lực, biện pháp của các cơ quan Việt Nam tích cực thực hiện nghĩa vụ phổ biến và giảng dạy về các Công ước Geneva năm 1949 nói chung, cũng như những quy tắc của luật nhân đạo quốc tế cả trong điều ước và tập quán quốc tế nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng cường thực thi luật nhân đạo quốc tế.
ICRC, với vai trò được 4 Công ước Geneva năm 1949 giao thúc đẩy và bảo vệ luật nhân đạo quốc tế, luôn khuyến khích việc tôn trọng và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế bằng cách truyền bá kiến thức về luật nhân đạo quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo, lưu ý tất cả các bên tham gia xung đột thực hiện nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế. ICRC nhấn mạnh cần đưa môn luật nhân đạo quốc tế vào chương trình giảng dạy của các trường đại học và học viện ngoại giao các nước để cung cấp kiến thức về luật pháp quốc tế và hỗ trợ nhân đạo cho những người trong tương lai sẽ tham gia hoạch định, triển khai chính sách và truyền thông.
Các đại biểu dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Năm 1957, Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã gia nhập 4 Công ước Geneva được coi là nền tảng của luật nhân đạo quốc tế, đó là các Công ước Geneva về (I) Cải thiện tình trạng cho thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; (II) Cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; (III) Đối xử với tù binh chiến tranh; và (IV) Bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh. Các Công ước này nhấn mạnh nguyên tắc về tôn trọng quyền được sống cũng như quyền cơ bản của các cá nhân trong chiến tranh, quy định các quy tắc thiết yếu nhằm bảo vệ những người không hoặc không còn tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột, như những người bị thương, những người bị bệnh, những người bị đắm tàu, tù binh chiến tranh và thường dân.
Các Công ước này được thông qua ngày 12/8/1949 tại Geneva (Thụy Sỹ) và đã nhanh chóng được các quốc gia phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 21/10/1950. Đến nay, các Công ước này đã có 196 quốc gia thành viên, thuộc số ít các điều ước quốc tế được sự tham gia của đông đảo các quốc gia và áp dụng trên phạm vi toàn cầu.